Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo suy thoái lắng dịu khi các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh tốt hơn kỳ vọng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong mùa báo cáo thu nhập hiện tại, các tập đoàn đa quốc gia từ Unilever cho đến Microsoft đều ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng. Vì vậy, các mối lo ngại về sức chi tiêu của người tiêu dùng và rủi ro suy thoái toàn cầu tạm lắng, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Sức chi tiêu bền bỉ của người tiêu dùng giúp doanh thu quí 1 của tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nestle tăng 5,6%, lên 26,43 tỉ đô la. Ảnh: Reuters

Kết quả kinh doanh tốt bất ngờ

Hôm 27-4, tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever báo cáo doanh thu quí 1 tăng 10,5%, lên 16,4 tỉ đô la Mỹ, cao hơn dự báo của các nhà kinh tế. Hồi đầu tuần, tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nestle cũng công bố kết quả kinh doanh lạc quan tương tự, với doanh thu quí 1 tăng 5,6%, lên 26,43 tỉ đô la. Hãng bia Carlsberg của Đan Mạch nâng cao triển vọng lợi nhuận cả năm và tập đoàn hàng xa xỉ LVMH (Pháp) báo cáo doanh số tăng 18% nhờ người tiêu dùng Trung Quốc vung tiền mua túi xách và trang sức cao cấp.

Tin tốt không chỉ giới hạn ở lĩnh vực hàng tiêu dùng. Kết quả kinh doanh của Microsoft và Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng cho thấy các “ông lớn” công nghệ đang chống chọi tốt trong bối cảnh vĩ mô bất ổn. Doanh thu quí đầu năm của Alphabet đạt 69,79 tỉ đô la, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của tập đoàn này đạt 15,05 tỉ đô la, giảm hơn 1 tỉ đô la so với cách đây một năm nhưng vẫn cao hơn kỳ vọng. Microsoft ghi nhận doanh thu đạt 52,86 tỉ đô la, tăng 7% và lợi nhuận ròng đạt 18,3 tỉ đô la, tăng 9%. Tất cả các con số này đều cao hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Cũng trong ngày 27-4, nhà sản xuất đồ uống Keurig Dr Pepper (Mỹ) báo cáo thu nhập hàng quí cao hơn ước tính trung bình của giới phân tích. Church & Dwigh, công ty kinh doanh sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia dụng, có trụ sở ở bang New Jersey, công bố doanh thu quí 1 cao hơn dự báo nhờ nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với nhiều sản phẩm của công ty.

Mastercard ghi nhận mức tăng trưởng chi tiêu trên thẻ của hãng tăng nhanh trong ba tháng đầu năm, vượt qua ước tính, nhờ tiếp tục hưởng lợi từ đà phục hồi trong hoạt động du lịch.

Các số liệu kinh doanh trên cho thấy các hộ gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế trên thế giới đang nỗ lực chống chọi lạm phát tràn lan và lãi suất tăng. Đồng thời, có thể giúp trì hoãn cơn suy thoái kinh tế toàn cầu mà một số nhà phân tích cho rằng diễn ra trong năm nay.

“Vào đầu năm nay, chúng tôi đã dự kiến suy thoái sẽ xuất hiện ở một số khu vực kinh tế nhưng rốt cục, điều đó không thực sự xảy ra”, Eleanor Taylor Jolidon, đồng giám đốc bộ phận chứng khoán toàn cầu của Union Bancaire Privee, cho biết.

Theo Jolidon, dù kỳ vọng của thị trường về triển vọng thu nhập của doanh nghiệp đang giảm xuống, quí đầu tiên đã diễn ra khá tốt trên một số lĩnh vực.

Pernod Ricard (Pháp), hãng rượu lớn thứ hai thế giới, dự báo tăng trưởng lợi nhuận hàng năm là 10% ngay cả sau khi doanh thu quí 1 không đạt kỳ vọng.

Alexandre Ricard, Chủ tịch kiêm CEO của Pernod Ricard, đánh giá: “Hiện tại, chúng tôi nhận thấy khả năng phục hồi khá tốt ở châu Âu”.

Các nhà sản xuất ô tô bao gồm Mercedes-Benz (Đức) và Renault (Pháp) cũng báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến, ngay cả khi lạm phát đang gia tăng áp lực lên người tiêu dùng. Hai hãng xe này hưởng lợi từ lượng đơn đặt hàng tồn đọng cao do các vấn đề dai dẳng của chuỗi cung ứng.

Áp lực lạm phát vẫn còn

Nền kinh tế Mỹ ghi nhận một số điểm sáng trong quí vừa qua. Dữ liệu cho thấy GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quí đầu tiên chỉ tăng trưởng 1,1%, chậm hơn dự kiến, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 3,7%, nhanh nhất trong gần hai năm.

“Người tiêu dùng là xương sống của nền kinh tế Mỹ và họ đã rất kiên cường”, Lindsey Piegza, nhà kinh tế trưởng tại Stifel Nicolaus & Co. nói.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tình hình kinh doanh thuận lợi tốt hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp có thể kéo dài bao lâu.

Các vết nứt trong nền kinh tế toàn cầu đang dần lộ ra. Điều đáng chú ý là các thị trường chứng khoán không phản ứng tích cực với kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng trong bối cảnh giới đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng trong những quí tới.

Theo Alan Jope, CEO của Unilever, không có gì bảo đảm giảm phát sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm nay. Các CEO khác đã chỉ ra rằng áp lực lạm phát vẫn còn do đà tăng của tiền lương và giá các sản phẩm thực phẩm như đường.

Có những lý do khác để thận trọng về mùa báo cáo thu nhập hiện tại. Kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi của nhiều doanh nghiệp một phần là do dự báo quá ảm đạm của giới phân tích. Dữ liệu từ Bloomberg Intelligence cho thấy gần 83% công ty có cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đón nhận kết quả kinh doanh quí 1 cao hơn dự báo. Đây là tỷ lệ lớn nhất kể từ quí 2-2021. Nhưng giá cổ phiếu của họ chỉ tăng cao trung bình hơn 0,2% so với chỉ số này trong ngày công bố kết quả kinh doanh.

Tại châu Âu, sau khi mùa báo cáo thu nhập bắt đầu, chỉ số Stoxx 600 chật vật để giữ vững đà phục hồi của quí đầu tiên.

Aneeka Gupta, Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô của WisdomTree, nói: “Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng khởi đầu tích cực của mùa báo cáo thu nhập báo hiệu thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn”.

Bà lưu ý thị trường chứng khoán vẫn đối mặt với nhiều trở ngại gồm các tiêu chuẩn cho vay thắt chặt hơn do khủng hoảng ngân hàng cũng như việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa do lạm phát dai dẳng.

Một phần sức mạnh của người tiêu dùng có thể là nhờ lượng tiền kiệm dồi dào từ thời kỳ đại dịch Covid-19, nhưng đó không phải là nguồn lực vô tận. Lượng tiền tiết kiệm này có giảm nhanh khi lãi suất thế chấp tăng lên, siết chặt ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới