(XUÂN KTSG) - “Năm 2024 là năm bản lề chuẩn bị bước sang giai đoạn 2026-2030, một giai đoạn rất quan trọng để định hình cấu trúc mới của nền kinh tế Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch chuyển lên mức cao hơn của chuỗi cung ứng, thực hiện lộ trình hướng tới trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
- Indonesia mời doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào xe điện, bất động sản
- XTransfer ra mắt tại thị trường Việt Nam thông qua việc tham gia Triển Lãm Quốc Tế VietBuild Home 2023 - hỗ trợ thanh toán thương mại quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam
Sau cơn mưa trời sẽ sáng?
KTSG: Thưa ông, đại dịch Covid-19 cùng các xung đột địa chính trị đã gây ra những tác động chưa từng thấy cho nền kinh tế thế giới: chuỗi cung ứng đứt gãy, xu hướng bảo hộ nội địa trỗi dậy, lạm phát tăng nóng ở nhiều nước phát triển dẫn đến sức cầu giảm... “Phép thử” bất đắc dĩ này đã làm bộc lộ những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào? Các doanh nghiệp Việt đã rút ra được bài học gì, thưa ông?
- TS. Lê Duy Bình: Ngoài những tác động tương tự như các doanh nghiệp tại các nền kinh tế khác phải nếm trải do đại dịch, doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn hơn.
Đầu tiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam được thành lập từ năm 2000 trở lại đây sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành. Tuổi đời non trẻ, thời gian tích tụ vốn ngắn khiến năng lực tài chính của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam rất mỏng. Thực tế cho thấy, chỉ một vài tháng sau làn sóng đầu tiên của đại dịch, hàng trăm ngàn doanh nghiệp lớn, nhỏ đã rơi vào tình cảnh cạn kiệt tài chính, không đủ vốn lưu động để duy trì hoạt động bình thường. Tình trạng thiếu thanh khoản càng trở nên trầm trọng hơn khi sản xuất bị gián đoạn, lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn, vì vậy, vấn đề tài chính của các doanh nghiệp đã khó lại càng khó.
Đã vậy, ngoại trừ một bộ phận nhỏ, phần lớn doanh nghiệp gần như không có các chiến lược hay kế hoạch phòng ngừa rủi ro, không có kịch bản ứng phó với những cú sốc bên ngoài hay khi thị trường đột ngột đổi chiều theo hướng xấu.
Đại dịch và những xung đột địa chính trị, biến động của thị trường toàn cầu buộc các doanh nghiệp Việt Nam đối diện thẳng thắn hơn với thực trạng là họ đang ở nấc thang rất thấp của chuỗi cung ứng toàn cầu, phải phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất khẩu, không có tính chủ động về nguyên, nhiên liệu đầu vào, phải dựa rất nhiều vào việc nhập khẩu và nguồn lao động có mức lương thấp để gia công, chế biến với mức giá trị gia tăng rất thấp.
Vậy nhưng, cũng trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được tính linh hoạt, chủ động thích ứng, nỗ lực duy trì sản xuất, giữ vững thị trường xuất khẩu, thậm chí gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những năm đại dịch. Việc cung ứng hàng hóa, giữ ổn định thị trường trong nước cũng có sự đóng góp lớn của tinh thần, ý chí vượt khó, chủ động, sáng tạo nhằm thích nghi với điều kiện đã thay đổi của thị trường. Các doanh nghiệp cũng nắm bắt các cơ hội mới như nhu cầu hàng hóa (vật phẩm, trang thiết bị y tế), hay sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự tăng tốc của thương mại điện tử, kinh tế số...
Giai đoạn rất khó khăn vừa qua đã tôi luyện thêm tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, giúp họ tích lũy năng lực chống chịu, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình và của cả nền kinh tế.
KTSG: Ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế thế giới năm 2024, liệu đã đến lúc “sau cơn mưa, trời lại sáng”? Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong năm tới là gì?
- Tình hình kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu tích cực hơn. Lạm phát dường như đã vượt đỉnh tại hầu hết các nền kinh tế và áp lực về lạm phát cũng đã giảm trên toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực ASEAN, là các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam, đã có những dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu là không chắc chắn và sự sụt giảm về cầu đối với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, cung ứng tại Việt Nam vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Doanh nghiệp Việt cũng phải đối diện với sự cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước do yêu cầu phải mở cửa thị trường theo các hiệp định thương mại tự do.
Sự cạnh tranh về thu hút đầu tư cũng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là về vốn, công nghệ. Sự cạnh tranh này không chỉ đến từ những quốc gia và các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Mexico mà nó còn đến từ chính các nước hiện đang là khởi nguồn của nguồn vốn đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ cao, chất bán dẫn, hay chip. Các chính sách của các quốc gia này như đưa hoạt động sản xuất quay trở về nhà hay gần nhà (home shoring và near shoring), hay việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến việc cạnh tranh nguồn vốn đầu tư trở nên khốc liệt hơn. Để thu hút các tập đoàn lớn như Intel, TSMC, NVIDIA, nhiều quốc gia phát triển thậm chí đã đưa ra các gói hỗ trợ từ ngân sách tới hàng tỉ đô la Mỹ để nâng cấp cơ sở hạ tầng và hỗ trợ gián tiếp hoặc trực tiếp cho các tập đoàn này.
Doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối diện với những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, những hàng rào cao hơn khi xuất khẩu vào các thị trường như EU, Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác. Ví dụ, EU đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng và đang xem xét giới thiệu cơ chế quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trên toàn EU (EPR) đối với hàng may mặc, buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa.
Trong nội tại khu vực doanh nghiệp, quá trình tái cấu trúc của khu vực doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra. Quá trình này có thể sẽ đau đớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành. Những năm tới có thể tiếp tục chứng kiến số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cao nhưng các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn không kém. Những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh không còn phù hợp với thị trường, không theo kịp các xu thế mới như chuyển đổi số, hay vẫn chủ yếu dựa vào các lợi thế như lao động giá rẻ có thể sẽ bị thay thế bằng các doanh nghiệp mới có mô hình kinh doanh phù hợp hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.
Trước các cơ hội mới
KTSG: Người ta thường nói, trong nguy có cơ, điều này có ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024 hay không? Ông từng nói, cần phải cơ cấu lại thị trường trong nước, tăng tổng cầu tạo đà cho phát triển, vậy năm 2024 có phải thời điểm thích hợp cho những cải cách này?
- Đúng như vậy. Những áp lực gia tăng từ cạnh tranh về vốn đầu tư, hay thách thức từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là cơ hội để chúng ta nâng cấp môi trường đầu tư, và chuyển dịch dần khỏi cách tư duy, cách làm cũ trong thu hút đầu tư là chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế hay sự sẵn có và chi phí rẻ của lao động, đất đai.
Trong quá trình cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn, dược phẩm, ngoài các xu thế đưa sản xuất về nhà hay gần nhà thì còn có xu thế đưa sản xuất tới các nước thân thiện (friend shoring). Đây là cơ hội để chúng ta thiết lập, khẳng định vị trí, hình ảnh Việt Nam là đối tác thân thiện, đáng tin cậy của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao này.
Bên cạnh đó, những biến động của thị trường lương thực thế giới cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định mình là đối tác tin cậy để góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao vị thế hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu, và của cả ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cơ hội cũng đến từ thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng, tầng lớp trung lưu xuất hiện đông đảo hơn. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng để hướng tới mục tiêu tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sớm bằng và vượt kim ngạch xuất nhập khẩu, và để phần lớn mức doanh thu đó đến từ các hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước chứ không phải là từ nhập khẩu.
Năm 2024 chắc chắn là thời điểm rất thích hợp để chúng ta đẩy mạnh hiện thực hóa các xu thế và động lực này.
KTSG: Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu thiếu ổn định như từ những năm 2019 trở lại đây, đối với doanh nghiệp, động lực đến từ nội lực. Thưa ông, câu chuyện xây dựng nội lực cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nên tiếp cận theo hướng nào?
- Nội lực của doanh nghiệp đến từ khát khao hướng tới các mục tiêu lớn hơn, tầm nhìn rộng hơn, xa hơn và hành động để biến những khát khao, tầm nhìn đó thành hiện thực.
Do vậy, việc xây dựng nội lực cho doanh nghiệp cần có môi trường thuận lợi để doanh nghiệp vững tâm thực hiện khát khao, tầm nhìn của mình: khung khổ pháp luật, văn hóa khuyến khích doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm lớn, đặc biệt thể hiện qua các quy định về các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Một môi trường thể chế mang đến cảm giác an toàn, chi phí tuân thủ thấp, cho thấy sự khoan dung với các ý tưởng mới, với các thất bại của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại, và bắt đầu lại khi thất bại!
Nội lực của doanh nghiệp cũng cần được xây dựng trên những nguyên tắc và nền tảng kinh doanh liêm chính và văn hóa doanh nghiệp lành mạnh để các doanh nghiệp lớn và trưởng thành vì lợi ích của chính doanh nghiệp, các cổ đông của doanh nghiệp nhưng cũng phải vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội và vì lợi ích quốc gia.
Trong cuộc chơi sáng tạo và đổi mới...
KTSG: Để trụ vững trên sân nhà, từng bước phát triển và hòa nhập với thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi cung ứng công nghệ cao, trở thành người chơi chính trong kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, chủ động trong chuyển đổi xanh. Ông nhận định thế nào về vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong câu chuyện này?
- Các doanh nghiệp tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt và là hạt nhân để hình thành một hệ sinh thái các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh khác xung quanh mình. Doanh nghiệp tư nhân lớn thường đóng vai trò hạt nhân của các cụm doanh nghiệp (cluster) hay các chuỗi cung ứng, từ đó tạo nên sức mạnh và năng lực cạnh tranh của một địa phương, một ngành.
Doanh nghiệp tư nhân lớn nhờ quá trình tích tụ vốn của mình sẽ cho phép đầu tư nhiều hơn vào các dự án nghiên cứu, phát triển, vào các lĩnh vực công nghệ mới, hay vùng đất mới. Quy mô của doanh nghiệp cũng gắn liền với các lợi thế về quy mô và từ đó góp phần nâng cao các mục tiêu về tăng năng suất.
Doanh nghiệp tư nhân lớn sẽ có thể vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu bằng các khoản đầu tư sang các nền kinh tế khác. Điều này sẽ giúp nền kinh tế trong nước có sự tương tác lớn hơn với kinh tế toàn cầu, và có cơ hội lớn mạnh, trưởng thành nhanh. Các hoạt động đầu tư đó khi thành công sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp lớn này kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sang, cũng với tư cách nhà đầu tư, hay nhà thầu phụ. Cách thức các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc kéo theo cả hệ sinh thái của họ - các doanh nghiệp nhỏ và vừa - sang đầu tư tại Việt Nam là một ví dụ thực tiễn đang diễn ra mà chúng ta có thể tham khảo.
Tiềm năng và ý chí của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn nhưng để hiện thực hóa tiềm năng này, ngoài một môi trường thể chế như đã đề cập, doanh nghiệp cũng cần có một hệ sinh thái hỗ trợ cho khởi nghiệp như các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân hay kết hợp giữa tư nhân và Nhà nước để đầu tư phát triển, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Tôi cũng nghĩ như tác giả. Chúng ta đang ở thời kì thay đổi, cần làm R&D. Và để làm R&D tốt cần cốt lõi có nhân tài. Những nhân tài có ở các DN lớn và họ cũng sở hữu nhiều nguồn lực nên trọng trách đi đầu có thể giao cho những DN lớn (mong các anh sẽ trở thành niềm tự hào của quốc gia). Và các nhà lãnh đạo hàng đầu nước ta đều đang nỗ lực đưa đất nước đi lên rất đúng đắn nên tôi thấy nước ta có rất nhiều hi vọng trong tương lai.