Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nới ‘room’ tín dụng nhưng tiền đâu để cho vay?

Lão Trịnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày 5-12-2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo về việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 thêm 1,5-2 điểm phần trăm, so với con số 14% trước đây. Việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng này về lý thuyết có thể cung thêm cho thị trường khoảng 240.000 tỉ đồng nếu như được sử dụng hết, nhưng liệu các tổ chức tín dụng có tận dụng được hết?

Trong năm 2022, LienVietPostBank đã chào bán thành công 265 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: T.L

Những nguồn vốn để các tổ chức tín dụng cho vay

Về lý thuyết, nguồn vốn để các tổ chức tín dụng sử dụng cho vay tới từ các nguồn sau:

Thứ nhất, vốn huy động từ chủ sở hữu: bao gồm vốn chủ sở hữu được huy động từ các cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu.

Thứ hai, vốn huy động từ tiền gửi và vay khác: huy động từ tiền gửi của cá nhân và tổ chức kinh tế; vốn đi vay từ NHNN, các tổ chức tín dụng khác, đi vay trên thị trường vốn hoặc ủy thác từ bên thứ ba.

Đối với hoạt động huy động vốn từ chủ sở hữu thông qua phát hành thêm cổ phiếu hay phát hành trái phiếu chuyển đổi thì đều tăng trưởng chậm lại trong năm nay.

Tính từ đầu năm, chỉ có một số thương vụ tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt chào bán thành công 265 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng, Ngân hàng TMCP Nam Á phát hành 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 20.000 đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á phát hành ESOP 59,4 triệu cổ phiếu...

Nhìn chung, nguồn vốn này cũng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chủ yếu giúp đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính và tạo sức khỏe đảm bảo cho hoạt động kinh doanh.

Muốn có thêm vốn để cho vay ra, các ngân hàng chắc chắn phải tăng huy động từ người dân và tổ chức kinh tế bằng việc tăng lãi suất, nếu tăng lãi suất huy động quá cao thì khó có thể hạ lãi suất cho vay, mà không hạ lãi suất cho vay thì lại không được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2023.

Nguồn vốn để các tổ chức tín dụng cho vay chủ yếu đến từ nguồn huy động tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế.

Nguồn này tăng trưởng rất thấp thời gian qua, theo số liệu từ NHNN chỉ đạt 4,33% trong chín tháng đầu năm 2022. Con số này của năm 2021 đạt 5,3%, năm 2020 đạt 7,7%, năm 2019 đạt 8,7% và năm 2018 đạt 9,15%.

Như vậy con số huy động tiền gửi đã giảm kể từ năm 2021 khiến cho nguồn lực cho vay ra của nhiều ngân hàng bị hạn chế nếu như không thể tăng được số huy động trong thời gian tới.

Nguồn vốn khác bổ sung cho hoạt động cho vay từ việc phát hành trái phiếu cũng chiếm tỷ trọng đáng kể, nhưng số này chỉ đạt 136.000 tỉ đồng trong 11 tháng đầu năm 2022, giảm gần 20% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng có thể bổ sung thanh khoản và đảm bảo các hệ số an toàn tài chính thông qua việc vay vốn từ NHNN và các tổ chức tín dụng khác thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động tái chiết khấu, tái cấp vốn..., tuy nhiên hoạt động này cũng đang hạn chế vì mức độ biến động lãi suất mạnh thời gian qua.

Nguyên nhân khiến nguồn vốn cho vay bị hạn chế

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều yếu tố bất định bên ngoài ảnh hưởng đến lạm phát và tỷ giá trong nước. NHNN đã có những thận trọng nhất định thông qua việc kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế.

Cụ thể, tính tới cuối tháng 9-2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,21%, trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 11% so với đầu năm 2022. Cung tiền hạn chế cũng là nguyên nhân khiến cho việc huy động tiền gửi từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng chậm, tương ứng chỉ đạt 2,43% và 6,38% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến hết tháng 11-2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ở mức gần 253.500 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị trái phiếu được mua lại trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt gần 164.000 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, một nguồn tiền từ tổ chức phát hành sẽ được rút ra để trả lại cho trái chủ, sau đó một phần tiền đó lại chảy lại kênh ngân hàng ở dạng tiền gửi, tuy nhiên tỷ lệ này có thể không tương ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơn nữa, ảnh hưởng bởi “cú sốc trái phiếu” cũng khiến cho lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng phát hành bị giảm tới 20%, do đó, nguồn vốn cho vay ra trở nên thiếu hụt hơn.

Ngoài ra, một phần lớn nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền sẽ không đổ mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh biến động tỷ giá mạnh và nhiều ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất nhanh. Điều này khiến cho chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ không còn đủ hấp dẫn để kéo nguồn tiền này vào nữa.

Để tận dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm

Việc NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 thêm 1,5-2 điểm phần trăm có thể giúp cho các tổ chức tín dụng tăng thêm khoảng 240.000 tỉ đồng nguồn vốn vay cho khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng ưu tiên theo định hướng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể tận dụng hết lợi ích vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn khả dụng để cho vay của mỗi đơn vị.

Trong ngắn hạn, tăng các nguồn tiền từ vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu hay vốn nước ngoài sẽ khó khả thi. Do đó, muốn có thêm vốn để cho vay ra, các ngân hàng chắc chắn phải tăng huy động từ người dân và tổ chức kinh tế bằng việc tăng lãi suất.

Như vậy một vòng luẩn quẩn có thể xảy ra, nếu tăng lãi suất huy động quá cao thì khó có thể hạ lãi suất cho vay, mà không hạ lãi suất cho vay thì lại không được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2023.

Điều này buộc các ngân hàng phải đánh đổi lợi nhuận ngắn hạn bằng việc giảm biên lãi ròng (NIM) để tạo cơ sở tăng trưởng trong các năm tiếp theo và đây cũng chính là mục tiêu của Chính phủ với châm ngôn “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, NHNN vừa vừa ban hành Thông tư 16/2022 có hiệu lực từ ngày 17-1-2023 trong đó bổ sung thêm các loại giấy tờ có giá gồm: trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc); trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác.

Như vậy, tới đây NHNN có thể chủ động can thiệp thanh khoản hơn thông qua một số công cụ mới bổ sung, còn các tổ chức tín dụng có thêm nguồn bảo đảm chủ động cho hoạt động vay trên thị trường mở, tái cấp vốn, cầm cố... trong tình huống cần thiết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mọi thứ đều xoay quanh biến số lãi suất. Lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào. Ngược lại, thanh khoản sẽ khan hiếm. Bất lợi lớn là ta đã để “sổng” lãi suất, tăng ngoài kỳ vọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới