Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nói với nhau về trường học hạnh phúc

TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trường học hạnh phúc không chỉ cần các tiêu chí, giải pháp rời rạc mà cần một nền tảng các nguyên tắc tạo nên giá trị cốt lõi và là kim chỉ nam cho hành động.

Trường học hạnh phúc nên là nơi tạo ra niềm vui mỗi ngày cho con trẻ. Ảnh: Thành Hoa

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa hiện thực hóa phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” bằng việc xây dựng bộ chỉ số và triển khai từ tháng 10-2023. Bộ áp dụng chỉ số này trong các cơ sở giáo dục gồm 18 tiêu chí, chia làm ba nhóm tiêu chuẩn về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường. Đây là một động thái tích cực nhưng hơi đáng tiếc khi 18 tiêu chí được trình bày khá dài dòng, nhiều nội dung còn ôm đồm, khó nhớ, nhiều tiêu chí trừu tượng khiến các trường lúng túng khi triển khai vào thực tế.

Cần xây dựng nền tảng cả nguyên tắc tạo nên giá trị cốt lõi

Có thể nói một cách giản dị nhất về trường học hạnh phúc là làm sao cho học sinh thấy vui trong bốn mối quan hệ cơ bản sau đây:

Đó là quan hệ giữa học sinh với học sinh; giữa học sinh với thầy cô giáo; giữa các thầy cô giáo với nhau và giữa học sinh, thầy cô giáo với môi trường sống.

Nhiều năm trước đây trong hệ thống giáo dục phổ thông đã có phát động một phong trào lớn với chủ đề “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đó chính là linh hồn của trường học hạnh phúc, bởi với học sinh hạnh phúc là sống trong niềm vui với bạn bè, với việc học, với thầy cô giáo và với ngôi trường mà mình được học hành. Như vậy bản chất của trường học hạnh phúc là làm sao để cho học sinh được sống trong bầu không khí vui tươi và bình an.

Đầu tháng 10-2023, một hội nghị được tổ chức tại Hà Nội với 500 vị hiệu trưởng từ 63 tỉnh thành trong cả nước tham dự để bàn về các giải pháp làm sao tạo ra trường học hạnh phúc. Trong hội nghị này có rất nhiều đề xuất được nêu ra như giảm bớt kiểm tra thi cử, không kiểm điểm học sinh sáng thứ Hai dưới cờ, không ghi tên học sinh yếu kém lên bảng tin, và mạnh mẽ nhất là bỏ xếp hạng học sinh hàng năm theo điểm số. Tất cả giải pháp này tựu trung lại là giảm áp lực lên học sinh, lên phụ huynh. Nhưng đề xuất mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, hiện thực hóa từng đề xuất một thì cần có thời gian nghiên cứu, thực nghiệm, tổng kết.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải xây dựng cho được một nền tảng các nguyên tắc của trường học hạnh phúc chứ không phải là các giải pháp rời rạc. Nói cách khác, Việt Nam xây dựng cho được một triết lý về ngôi trường hạnh phúc để cho bất cứ một vị hiệu trưởng, giáo viên nào dù ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi khi dạy, thực hành, chơi, tiếp xúc với học sinh đều dựa trên nền tảng căn bản đó. Không ai có thể cầm tay chỉ việc và không có cơ quan nào liệt kê ra tất cả mọi cách ứng xử khi tình huống xuất hiện. Nói như ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, là cần hình thành nên các giá trị cốt lõi của ngôi trường hạnh phúc từ đó làm kim chỉ nam cho hành động.

“Cởi trói” cho học trò

Cách đây chừng 20 năm, tôi có dịp thuyết trình cho một nhóm sinh viên một trường đại học Mỹ đến thực tập tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong số đó có một vài sinh viên gốc Việt. Lúc đi ngang qua bảng tin của một khoa, họ kinh ngạc khi thấy bảng điểm của sinh viên được dán công khai cho moi người đọc. Với họ, đó là điều không thể chấp nhận được.

Ở các nước phát triển trong trường học mọi thứ thuộc về cá nhân phải được tôn trọng, không ai biết được điểm số, hình thức kỷ luật, hoàn cảnh riêng tư và cả tài sản của cá nhân. Chính điều đó làm cho học sinh hiện diện trước nhau một cách bình đẳng. Nhà trường không gây áp lực lên học sinh bằng sự so sánh hơn - kém dù là giàu - nghèo, thông minh - kém cỏi hay địa vị cao - thấp… Tất cả là học sinh có quyền lợi nghĩa vụ trong học hành như nhau.

Việt Nam cần xây dựng cho được một triết lý về ngôi trường hạnh phúc để cho bất cứ một vị hiệu trưởng, giáo viên nào dù ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi khi dạy, thực hành, chơi, tiếp xúc với học sinh đều dựa trên nền tảng căn bản đó.

Trong trường học, mọi sự phân biệt đối xử dù cố tình hay vô ý đều đưa đến những hệ quả tồi tệ. Quan niệm này dựa trên một lý thuyết về sự phân tầng xã hội với hai nội dung cơ bản: (1). Con người ta chịu sự bất bình đẳng ngay từ vạch xuất phát, có nghĩa là những đứa trẻ sinh ra đã khác nhau, có những đưa khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có đứa tật nguyền, ốm yếu, có đứa sống trong nhung lụa, có đứa sống trong khốn khó. (2). Mỗi đứa trẻ là một cá thể “độc nhất vô nhị” trong toàn bộ xã hội rộng lớn. Do vậy, chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt, thậm chí là dị biệt. Có trẻ thích khoa học tự nhiên ghét văn học, có trẻ thích nghệ thuật, thể thao... Người lớn không thể ép chúng vào cùng một khuôn mẫu do nhà trường định ra.

Việc tạo ra khuôn mẫu và gò chúng vào đó làm cho trẻ chán học. Điều quan trọng là cho học sinh thấy, dù chúng là ai, như thế nào thì vẫn là một cá thể có giá trị. Do vậy, mọi cách ứng xử nhằm làm cho chúng sợ hãi, khuất phục và tỏ rõ uy thế của thầy cô sẽ không mang lại cảm hứng ham thích đến trường.

Việc thầy cô chủ nhiệm lớp công bố thứ hạng và điểm đạo đức của từng học sinh trong cuộc họp phụ huynh giữa năm và cuối năm không mang lại niềm vui cho cha mẹ lẫn học sinh. Việc thầy cô công bố trước lớp những bạn chưa đóng tiền học do nhà nghèo vô tình làm tổn thương học sinh trong ánh mắt thương hại của đồng môn.

Thật có lý khi thầy Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm ở phường Cầu Giấy, Hà Nội - cũng cho rằng cần “cởi trói” cho học trò. Việc đặt ra mục tiêu, quy định là cần thiết, song không nên tạo áp lực hay mắng mỏ khi học sinh đạt điểm kém hoặc không đáp ứng một vài tiêu chuẩn thi đua. Thầy Hòa nhìn nhận học tập chỉ là một trong nhiều năng lực của con người. Không phải ai trong số hơn 22 triệu học sinh cũng là những người có tài năng học tập. Các em có thể giỏi thể thao, mỹ thuật, âm nhạc hay giao tiếp... nên không thể dùng một thước đo chung về năng lực học tập để xếp thứ tự học sinh.

Ở Việt Nam rất nhiều trẻ em sợ đến trường, trong khi trẻ em ở Phần Lan, Đức, Na Uy thì ngược lại. Trường học hạnh phúc nên là nơi tạo ra niềm vui mỗi ngày cho con trẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới