Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Nóng’ cùng chiếc máy lạnh

Phạm Đăng Khoa (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mấy hôm nay cả nghị trường Quốc hội lẫn dân tình bỗng “nóng ran” với việc cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất tiếp tục đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ (máy lạnh). Cụ thể, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống vẫn thuộc diện chịu thuế TTĐB 10%. Đây là mức thuế suất thuế TTĐB được duy trì suốt 16 năm nay (từ năm 2008) đối với mặt hàng này.

Máy điều hòa, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong đời sống người dân.

Sự quan tâm có lẽ một phần là do chiếc máy điều hòa nhiệt độ đã trở nên quá quen thuộc, là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong đời sống người dân, cả ở thành thị lẫn nông thôn, cả với người có nhiều tiền lẫn người có ít tiền, như công nhân hay sinh viên ở trong các xóm trọ bình dân. Trong khi đó, tâm lý chung của nhiều người khi nói tới thuế TTĐB thì đó là một loại thuế nhằm điều tiết việc tiêu dùng đối với các sản phẩm xa xỉ hay các sản phẩm có hại cho sức khỏe, môi trường (như rượu, bia, thuốc lá). Đây là điều mà người ta không còn thấy, hoặc không còn thấy rõ nét ở việc tiêu thụ máy điều hòa nhiệt độ thời nay.

Vậy nên, khi cho ý kiến về nội dung dự thảo luật liên quan, đa số các đại biểu Quốc hội có phát biểu góp ý đều không tán thành. Đại đa số các ý kiến đưa ra trên các diễn đàn cũng cho rằng việc đánh thuế này là không còn phù hợp.

Ở phía ngược lại, để bảo vệ cho đề xuất duy trì đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, cơ quan soạn thảo, như thường thấy, dựa vào mô típ quen thuộc: (i) Sự cần thiết của việc duy trì thu thuế TTĐB đối với loại mặt hàng này; và (ii) Kinh nghiệm thực tế của các nước đang cho thấy việc đánh thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ là hợp lý (thế giới đang làm thì ta cũng học hỏi làm theo). Điều đáng tiếc là lần này, những lập luận của cơ quan soạn thảo dường như không hợp lý và không đủ sức thuyết phục.

Điều đáng tiếc là lần này, những lập luận của cơ quan soạn thảo dường như không hợp lý và không đủ sức thuyết phục.

Xét về sự cần thiết, để coi là tồn tại một cách hợp lý, thuế TTĐB đối với một mặt hàng cụ thể cần thể hiện được các vai trò: Thứ nhất, quan trọng nhất, là công cụ giúp Nhà nước điều tiết sản xuất và tiêu dùng. Thông qua mức thuế suất cao và trực tiếp làm tăng giá bán hàng hóa, thuế TTĐB sẽ góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tiêu dùng, mục đích cuối cùng là nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng những hàng hóa không có lợi cho nền kinh tế và xã hội (ví dụ: những sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường); Thứ hai, mức thuế suất cao của thuế TTĐB sẽ góp phần tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách nhà nước; Thứ ba, thuế TTĐB góp phần tái phân phối thu nhập của người có thu nhập cao, đảm bảo tính công bằng xã hội (chẳng hạn thuế đánh vào các sản phẩm xa xỉ, đa phần chỉ có người có nhiều tiền mới tiếp cận được).

Với đóng góp chỉ khoảng 2% tổng số thuế TTĐB và chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng số thu thuế của nền kinh tế trong năm thống kê 2021(1), rõ ràng hiện tại, nguồn thu từ thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ khó có thể coi là đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Nói cách khác, việc có duy trì nguồn thu này hay không dường như không tác động nhiều đến nguồn thu của Nhà nước để phục vụ cho những hoạt động, dịch vụ công. Chưa kể, nguồn thu này hoàn toàn có thể được thay thế bằng việc đưa vào danh mục hàng hóa chịu thuế TTĐB nhiều sản phẩm, dịch vụ mà theo nhiều người, cần áp thuế từ lâu, chẳng hạn như nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ, vốn là những hàng hóa, dịch vụ khá cao cấp và không thật sự thiết yếu.

Trong khi đó, quan điểm coi máy điều hòa nhiệt độ là đối tượng cần điều tiết do tính chất xa xỉ và không thiết yếu, như đề cập ở trên, đã trở nên lỗi thời và không còn thuyết phục. Đã 26 năm kể từ lần đầu tiên máy điều hòa nhiệt độ được đưa vào danh mục hàng hóa chịu thuế TTĐB năm 1998 với thuế suất 20%, là thời điểm mà thiết bị làm mát này rõ ràng là mặt hàng xa xỉ và rất hiếm gia đình có thể sở hữu.

Hiện nay, việc mỗi hộ gia đình sở hữu một vài máy điều hòa nhiệt độ là hết sức bình thường. Giá cả máy điều hòa nhiệt độ càng ngày càng rẻ cộng với điều kiện mật độ xây cất nhà cửa, thời tiết càng ngày càng nóng bức, khó chịu khiến cho máy điều hòa nhiệt độ trở thành một dạng nhu yếu phẩm mà không nhiều người còn đắn đo có nên hay không nên mua.

Để bảo vệ quan điểm tiếp tục đánh thuế của mình, cơ quan soạn thảo cho rằng, máy điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 BTU sử dụng năng lượng điện lớn, là một trong những tác nhân khiến Trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, những chất làm mát phổ biến trong máy điều hòa nhiệt độ như HFC còn gây hại cho tầng ozon và ô nhiễm môi trường. Thật ra, nếu chỉ vì việc tiêu thụ điện năng của máy điều hòa nhiệt độ, hiện nay các dòng máy có công nghệ inverter tiết kiệm điện đã trở nên rất phổ biến.

Thay vì đánh thuế lên việc tiêu dùng máy điều hòa nhiệt độ gây tốn điện, có hại cho môi trường một cách chung chung, nên chăng cơ quan có thẩm quyền tiếp cận vấn đề theo hướng đẩy mạnh chính sách khuyến khích phát triển công nghệ tiết kiệm điện, hạn chế, dẫn đến loại bỏ sản phẩm sử dụng công nghệ cũ không có lợi vừa tốn điện vừa không tốt cho môi trường.

Bên cạnh đó, đối với các chất có hại như HFC, người ta thắc mắc, chất này đâu chỉ có ở máy điều hòa nhiệt độ mà còn có ở nhiều thiết bị điện lạnh khác, như các loại tủ làm mát, tủ đông, các sản phẩm không bị đánh thuế TTĐB. Chưa kể, để quản lý các chất có hại này, nước ta cũng đã có nhiều quy định hạn chế, như bằng hạn ngạch, cũng như loại trừ dần khỏi các thiết bị sử dụng chúng trong thời gian tới đây.

Như vậy, như các phân tích ở trên, khác với lập luận của cơ quan soạn thảo, việc duy trì thuế TTĐB đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ dường như không còn cơ sở về tính hợp lý và sự cần thiết trong điều kiện nước ta hiện nay. Thế còn thông lệ quốc tế thì sao? Theo Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nước vẫn thu thuế này. Bộ này dẫn chứng, Hàn Quốc, Ấn Độ, Na Uy đánh thuế với chất HFC trong điều hòa. Tại châu Âu, Tây Ban Nha cấm đặt điều hòa dưới 27 độ C. Ở Anh, để lắp đặt, chủ nhà phải xin giấy phép, thường xuyên chịu sự kiểm tra về mức độ tiết kiệm năng lượng, khả năng vận hành sau đó.

Không tìm đâu thông tin máy điều hòa nhiệt độ bị đánh thuế TTĐB ở các nước mà cơ quan soạn thảo đang dẫn chứng để giải thích cho việc cần thiết phải tiếp tục thu thuế TTĐB đối với sản phẩm này ở Việt Nam.

(*) Công ty Luật Lac Duy & Associates (LDA)
(1) https://vnexpress.net/danh-thue-dieu-hoa-xa-xi-4819852.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới