Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân chưa thể làm giàu từ… cây dừa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân chưa thể làm giàu từ… cây dừa

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Sản phẩm dừa đã từng bước đa dạng hơn, nhưng giá trị mang lại chưa cao, chỉ giúp nông dân thoát nghèo, chứ chưa thể làm giàu, theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Nông dân chưa thể làm giàu từ... cây dừa
Cây dừa vẫn chưa thể giúp người nông dân làm giàu. Trong ảnh là sản phẩm dừa được trưng bày tại lễ hội dừa. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu khai mạc Lễ hội dừa Bến Tre lần 5 năm 2019 diễn ra tại địa phương này vào tối hôm nay, 16-11, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, ở các tỉnh Nam bộ dừa chiếm khoảng 80% sản lượng cả nước. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 72.000 héc ta với 200.000 hộ dân trồng dừa, là địa phương có sản lượng dừa lớn nhất nước.

“Nghề trồng dừa ở Bến Tre và ngành dừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh”, ông nhấn mạnh và cho rằng với người nông dân dừa là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, cây dừa và sản phẩm dừa đã có bước thăng trầm, chưa được quan tâm đúng mức. “Sản phẩm đa dạng, nhưng giá trị mang lại chưa cao; cây dừa chỉ mới giúp nông dân thoát nghèo, chứ chưa thể làm giàu”, ông nhấn mạnh.

Ông Bình cho rằng, tỉnh Bến Tre cần tăng cường liên kết liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa; giải quyết tăng thu nhập cho người lao động trong các nhà máy sản xuất chế biến dừa; phát triên mạnh các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; liên kết chặt với các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm dừa, không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường…

Ông Bình kỳ vọng trong tương lai, các địa phương có trồng dừa không chỉ hợp tác chặt chẽ, mà cần đẩy mạnh học tập kinh nghiệm của các nước có ngành dừa phát triển để tạo ra thêm nhiều sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, đưa cây dừa và sản phẩm từ dừa có đóng góp ngày càng quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội của Bến Tre, của vùng và cả nước.

Để hiện thực hóa điều đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị Bến Tre và các Bộ, ngành thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng dừa chuyên canh trên những vùng đất phù hợp; đầu tư nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng giống có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Ông Bình cũng chỉ đạo, cần đẩy mạnh liên kết phát triển chuỗi sản xuất và sản phẩm từ dừa; định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, chế biến gắn kết chặt với nông dân từ quy chuẩn, chất lượng cho đến cam kết tiêu thụ.

Ngoài ra, cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng tiêu thụ sản phẩm từ dừa. Qua đó, phấn đấu 5-10 năm tới, nâng kim ngạch xuất khẩu dừa tăng gấp 10 lần hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập người trồng dừa cũng như cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng yêu cầu các bộ ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ ngành dừa phát triển, nhất là nghiên cứu ứng dụng công nghệ và phát triển thị trường. “Cần đề xuất các chính sách phát huy tiềm năng, thế nạnh của cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt”, ông nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng với tỉnh Bến Tre có các giải pháp tích cực để bảo vệ vườn dừa của địa phương thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Trước đó, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, cây dừa đã mang về cho địa phương 200 triệu đô la kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo ông, sản phẩm dừa của Bến Tre đã có sự phát triển khá tốt vể chủng loại và chất lượng. “Chuỗi giá trị ngành dừa cũng dần được hình thành, giúp thu nhập của người dân được năng lên”, ông cho biết.

Khai mạc lễ hội dừa Bến Tre lần 5 năm 2019

Lễ hội dừa lần này được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa của tỉnh Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung với các nhà đầu tư cũng như du khách trong và ngoài nước.

Sự kiện cũng tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dừa giữa nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, qua đó, từng bước thúc đẩy liên kết, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa của Bến Tre và Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, từ ngày 14 đến 20-11, sẽ diễn ra các hoạt động đặc sắc như: liên hoan ẩm thực dừa Nam bộ; triển lãm sản phẩm dừa và hội chợ thương mại; tôn vinh sản phẩm dừa, cây dừa và người sản xuất, chế biến dừa.

Bên cạnh đó, còn diễn ra các hoạt động nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bến Tre, như: ngày hội áo bà ba; biểu diễn trang phục dừa; tổ chức các tour du lịch trải nghiệm sông nước miệt vườn xứ dừa; liên hoan các món ăn từ dừa.

Điểm nhấn nổi bất của sự kiện lần này là các hội thảo chuỗi giá trị cây dừa; giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới