Nông dân ĐBSCL chủ động chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn mặn
T.H
(TBKTSG Online) - Nhiều hộ nông dân tại một số tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động chuyển đổi sản xuất, bao gồm việc tăng diện tích hoa màu, cây ăn trái có khả năng chịu mặn, để mưu sinh và ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.
Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập và cũng là cách ứng phó với hạn mặn của các hộ nông dân tại Sóc Trăng. Ảnh: TTXVN |
Bằng các nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học đánh giá ngưỡng chịu mặn của cây lúa dưới 4 ‰. Tuy nhiên, với độ mặn từ 1‰ trở lên, cây lúa cũng đã khó sống sót và cho năng suất. Dù hiện nay, các nhà khoa học đã lai tạo được giống lúa chịu mặn trong ngưỡng này, nhưng cũng chỉ tạm thời sản xuất ở diện tích rất nhỏ tại ĐBSCL. Vì vậy, để có thể mưu sinh, có thu nhập trong thời điển hạn mặn, chính người nông dân đã chủ động chuyển đổi sản xuất.
Trong 13 tỉnh khu vực ĐBSCL, hiện chỉ còn Đồng Tháp, An Giang chưa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi mặn, tác động mạnh đến sản xuất, nước sinh hoạt, Bến Tre đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre thì độ mặn tràn vào Bến Tre chỉ tăng chứ không giảm. Đến sáng ngày 26/3, độ mặn cao nhất tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre là 13,7‰, các xã, phường tại thành phố Bến Tre có độ mặn dao động từ 5,3‰ đến 6,1‰.
Với ngưỡng độ mặn này, hầu hết diện tích sản xuất lúa đều thiệt hại hoàn toàn nên người dân Bến Tre bằng kinh nghiệm quan sát con nước, dần chuyển đổi sang trồng dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, vừa có giá trị cao hơn, vừa giúp ứng phó hạn hán gay gắt.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 1.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ dừa. Sự chủ động thích ứng với vùng đất nhiễm mặn từ cây dừa đã giúp nông dân từng bước vượt qua khó khăn trong điều kiện biến đổi khí hậu gay gắt như hiện nay.
Cùng với Bến Tre, nhiều nông dân của tỉnh Vĩnh Long cũng đã linh hoạt tìm phương hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết. Với kinh nghiệm sản xuất của nông dân, đây không phải là sự chuyển đổi lâu dài, nhưng có thể đáp ứng được nhu cầu mưu sinh, ứng phó với thời tiết hiện nay.
Theo ông Nguyễn Dương Huy Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nhằm ứng phó với thời tiết khắc nghiệt hiện nay, xã Hòa Lộc cũng đã triển khai những vùng đất trồng hoa màu như dưa hấu, ngô để ứng phó với biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi này cũng được nông dân đồng tình thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, các huyện Vũng Liêm, Măng Thít, Tam Bình, Trà Ôn là địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.
Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã vận động nông dân chuyển sang cây trồng khác như ngô, hoặc một số cây rau màu khác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc triển khai này phải gắn liền với liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho nông sản chuyển đổi, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt mà thiếu sự liên kết thu mua.
Hơn nữa, để tạo điều kiện cho chuyển đổi, địa phương cũng đã xây dựng các giải pháp sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm. Sự chuyển đổi này thực hiện theo từng bước, có lộ trình, hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp.
Theo TTXVN