(KTSG Online) - Đến thời điểm này, nhiều hộ gia đình đã tập trung được diện tích lớn để sản xuất. Ngoài ra, nhiều mô hình liên kết của doanh nghiệp thu hút đông đảo nông dân tham gia. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích bình quân một thửa tăng từ 1.843,1m2 (năm 2016) lên 2.026,3m2 (năm 20220).
- Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ được mở rộng
- Đất nông nghiệp tại Tây Nguyên đang teo dần?
Cụ thể, thông tin từ nhandan.vn, tiêu biểu như ở tỉnh Tiền Giang, đến nay, có 183 hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình tập trung ruộng đất (tăng 141 hợp tác xã so với năm 2012). Trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai, toàn tỉnh có 130 hợp tác xã thực hiện thuê đất với 291,7 héc-ta phục vụ sản xuất.
Tại một số tỉnh miền trung, việc dồn ô đổi thửa được chú trọng để tiến tới tập trung ruộng đất. Số liệu từ Phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) cho thấy, đến nay địa phương chuyển đổi được gần 2.300 hec-ta (chiếm khoảng 24% diện tích sản xuất lúa toàn huyện). Số ô thửa trong vùng giảm so với trước khi thực hiện đề án là 12.222 thửa.
Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất đang được đẩy mạnh. Cụ thể, theo Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, đến năm 2020, tỉnh đã có 22.169,58 héc-ta đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản (tăng 4.760,3 héc-ta so với năm 2019). Hầu hết mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn đến hai lần so với sản xuất thông thường.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa. Theo đó, số hộ nông dân có một thửa chiếm 51,56%, số hộ nông dân có hai thửa chiếm 39,71% và 8,73% hộ nông dân có ba thửa. Một số mô hình tập trung, tích tụ đất sản xuất mang lại hiệu quả cao như mô hình thuê ruộng để trồng chuối xuất khẩu, mô hình doanh nghiệp thuê đất để sản xuất khoai tây vụ đông quy mô hơn 50 héc-ta…
Tại tỉnh Nam Ðịnh, tổng diện tích ruộng đất tập trung, tích tụ được trên toàn tỉnh khoảng hơn 2.000 héc-ta. Tỉnh đã quy hoạch hơn 150 cánh đồng lớn và hình thành 36 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích bình quân một thửa tăng từ 1.843,1m2 (năm 2016) lên 2.026,3m2 (năm 20220). Từ đó, các hộ nông dân đầu tư máy móc để cơ giới hóa đồng ruộng. Nhờ sản xuất đồng nhất tất cả các khâu từ giống, kỹ thuật, chăm bón đến bao tiêu sản phẩm, nông dân tăng thu nhập khoảng 10% so với phương thức canh tác nhỏ lẻ. Ngoài ra, nông dân còn cung ứng gạo cho các cơ sở tại các tỉnh và bán hàng qua kênh online.
Đồng thời, thông qua liên kết với hợp tác xã, nông dân cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đem lại hiệu quả cao. Sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn cũng là giải pháp hữu hiệu để tránh tình trạng người dân bỏ ruộng.
Tuy nhiên, quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất tại hầu hết các địa phương hiện nay vẫn còn diễn ra chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí chuyển nhượng khá cao. Hiện đối với vùng đất xấu, giá chuyển nhượng từ 15-20 triệu đồng/sào. Còn với đất tốt trồng rau màu, cây ăn quả, thuận lợi giao thông thủy lợi giá từ 50-150 triệu đồng/sào.
Một vướng mắc nữa là nhiều tỉnh vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa. Ngoài ra, hình thức tập trung, tích tụ đất đai chủ yếu là cho thuê quyền sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hầu hết hộ thuê đất không san phẳng đồng ruộng, phá bỏ bờ đê nên không làm thay đổi quy trình canh tác, tập quán sản xuất.
Tổng hợp