Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nông dân, thương lái thiệt hại nặng vì thiếu dầu trong mùa gặt

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trong mùa thu hoạch lúa đã ảnh hưởng lớn đến người dân ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thậm chí, nhiều ghe phải xếp hàng chờ đến lượt mua dầu nhưng chỉ được mua vài trăm nghìn đồng, không đủ để chạy chở lúa; có chủ máy gặt đập liên hợp phải chuyển dầu từ Long An sang Tiền Giang để gặt lúa cho nông dân.

Ghe mua lúa chờ đến lượt bơm xăng tại một đại lý kinh doanh xăng dầu nằm gần bến phà. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Vàng, một thương lái mua lúa ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, có khoảng 90% đại lý xăng dầu dọc tuyến sông Hậu từ Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ lên hướng Châu Đốc, tỉnh An Giang đã đóng cửa. “Những đại lý xăng dầu thuộc hệ thống của nhà nước thì bán ra "nhỏ giọt”, ông Vàng nói.

Theo đó, mỗi ghe/tàu chỉ được đại lý kinh doanh xăng dầu bán 20 lít, tức chưa đến 500.000 đồng. "Lượng dầu này chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sử dụng để vận chuyển một chuyến lúa”, ông Vàng nói.

Một đại lý kinh doanh xăng dầu cặp sông Hậu, đoạn qua tỉnh An Giang ngưng hoạt động. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Thanh Duy, một thương lái mua lúa khác ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cũng cho biết, dọc tuyến sông từ Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ đi Châu Đốc, Tri Tôn của tỉnh An Giang hay đi tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, nếu có 10 đại lý kinh doanh xăng dầu thì đến 9 đại lý đóng cửa.

"Còn lại một đại lý bán nhưng mỗi ghé/tàu chỉ mua được 20 lít, cao lắm cũng chỉ được 1 triệu đồng", ông Duy nói.

Theo ông Duy, ghe cần khoảng 200 lít dầu để chở lúa từ thành phố Long Xuyên đi huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang hoặc sang một số khu vực lân cận thuộc tỉnh Kiên Giang (gồm chiều đi và về) nhưng đại lý chỉ bán 20 lít nên không đủ nhiên liệu để chạy.

"Nhiều khi phải đối phó bằng cách đến đại lý đổ xong 20 lít, rồi 1-2 tiếng sau quay ghe lại  đổ tiếp cho đến khi đủ mới dám chạy”, ông Duy nói.

Còn theo ông Vàng, do chủ các ghe chở lúa phải đi nhiều lần để tiếp nhiên liệu nên cước vận chuyển đã tăng khoảng 10% so với trước đó nhưng việc tìm ghe chở lúa cũng rất khó khăn.

Theo ghi nhận của KTSG Online, tại một đại lý xăng dầu ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nằm gần khu vực bến phà Sơn Đốt, tỉnh An Giang, nhiều ghe/tàu phải xếp hàng chờ đến lượt tiếp nhiên liệu do nhiều cây xăng tư nhân đã tạm ngưng hoạt động.

Vì thiếu nhiên liệu nên d0ã có chủ máy gặt đập liên hợp phải đưa dầu từ Long An sang Tiền Giang để thu hoạch lúa cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi đó, ông Mai Văn Hữu, ở thành phố Tân An, tỉnh Long An, một chủ máy gặt đập liên hợp có hơn 10 năm trong nghề cho biết, ở địa phương này đang xảy ra tình trạng một số đại lý kinh doanh xăng dầu bán "thả cửa" cho khách quen nhưng với khách lạ thì bán “nhỏ giọt”.

“Tôi đi cắt lúa thuê từ xưa đến nay, là "mối quen" của một số đại lý nên người ta bán cho mình tự do, mỗi ngày mua 2-3 triệu đồng vẫn bán nhưng với khách lạ thì không”, ông Hữu nói và dẫn chứng, có một số người đã đến hai, ba đại lý nhưng không thể mua được 500.000 đồng tiền dầu nên phải nhờ ông mua giùm.

Tuy nhiên, khi đến tỉnh Tiền Giang cắt lúa thì ông Hữu lại không thể mua dầu thoải mái như ở Long An.

Ông kể, khoảng một tuần trở lại đây, ông chuyển máy gặt đập liên hợp sang thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang để cắt lúa thuê và lại khó mua dầu. Các đại lý kinh doanh xăng dầu ở khu vực này chỉ bán cho ông với số lượng rất ít.

“Khi ra đại lý mua 1-2 triệu đồng tiền dầu thì chỉ được bán 300.000 đồng”, ông nói và ví von, số lượng này không đủ để máy “ngửi” một cái, chứ nói gì đi cắt. Vì vậy, ông đã phải mua dầu từ các đại lý quen ở tỉnh Long An, chở sang tỉnh Tiền Giang để chạy máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa cho nông dân.

Việc thiếu nhiên liệu đã dẫn đến tình trạng lúa đến ngày thu hoạch nhưng không thể cắt trong khi máy gặt đập liên hợp thì lại buộc phải “nằm chơi”.

Theo ông Trần Văn Hoàng, ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, ruộng lúa của ông đáng lẽ thu hoạch vào ngày 28-8 vừa qua nhưng hiện vẫn chưa thể thu hoạch do không có máy cắt.

“Lúa chín mà lại có mưa gió liên tục mấy ngày qua nên một phần diện tích đã bị đổ ngã”, ông nói và cho rằng, tình trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Theo số liệu báo cáo của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa hè thu 2022, các địa phương vùng ĐBSCL đã xuống giống 1,474 triệu héc ta, trong đó, đã thu hoạch đạt 925.000 héc ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới