Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân trồng lúa liệu có thể đạt lợi nhuận đến 150%?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo tính toán trên lý thuyết của một số cơ quan chức năng, lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa trong một năm có thể đạt trên 35%, thậm chí lên đến 150% so với số vốn đầu tư phải bỏ ra. Tuy nhiên, trên thực tế, thu nhập của người nông dân sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện vẫn còn thấp.

Tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa có thể đạt 150% so với vốn đầu tư phải bỏ ra? Ảnh: Trung Chánh

Liên quan đến tỷ suất lợi nhuận 150% nêu trên, tại một sự kiện của ngành hàng lúa gạo mới đây, ông Nguyễn Hữu Tho, Phó giám đốc điều hành Công ty dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) – đơn vị đi đầu trong liên kết sản xuất lúa gạo quy mô lớn ở ĐBSCL cho biết, đó là con số có thể đạt được, nhưng thực tế hiện nay thì thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn thấp.

Thu nhập của nông dân trồng lúa hiện còn thấp, nhưng rất khó để xác định được con số lợi nhuận chính xác. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ thông qua đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% và đến năm 2030 là trên 40%.

Mới đây, Bộ Công Thương trong báo cáo với Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng 2023, thì cho rằng nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận 100%. Tuy nhiên, con số này nhận được sự phản hồi từ chính những người nông dân và họ cho rằng không thực tế.

Có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận của nông dân sản xuất lúa còn thấp hay nói cách khác chưa đạt đến con số 150% như nêu trên, trong đó có cả việc nông dân chưa hợp tác với nhau để hình thành cánh đồng lớn và phối hợp cùng trồng, cùng mua, cùng bán. “Sự manh mún và không có kế hoạch dài hạn gây ra hao hụt và lãng phí trong toàn bộ quá trình sản xuất”, ông cho biết.

Theo ông Tho, sản xuất quy mô nhỏ khiến việc ứng dụng cơ giới hoá, tiến bộ khoa học kỹ thuật không đồng bộ, dẫn đến chưa tối ưu được chi phí đầu tư cơ giới hoá, tức chưa tối ưu được chi phí cơ giới hoá.

Việc chưa tiếp cận được nguồn vốn vay chính thức từ các ngân dẫn đến phải vay vốn lãi suất cao, làm giảm thu nhập của nông dân.

Chưa kể, quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ dẫn đến 1 cánh đồng lớn, nhưng có nhiều loại giống khác nhau, sâu bệnh hại khác nhau, thu hoạch không đồng bộ…, dẫn đến chi phí canh tác và thu hoạch cao…

Trong khi đó, các giải pháp để cải thiện thu nhập cho người trồng lúa và đảm bảo bền vững về môi trường được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra trong đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, đó là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/héc ta; giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học 30-40%; giảm lượng nước tưới 30%…

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ cơ giới hoá đồng bộ lên 50%, giảm tỷ lệ thất thoát thu hoạch…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới