Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân và nhà phân phối chưa cùng nhìn một hướng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân và nhà phân phối chưa cùng nhìn một hướng

Hồng Văn  

Đại biểu dự tọa đàm trao đổi xung quanh một số đặc sản  trưng bày bên lề- Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Một trong những khó khăn của ngành nông nghiệp là giữa người sản xuất và nhà phân phối sản phẩm có cái nhìn không cùng một hướng. Cầu nối hợp tác giữa nông dân và nhà phân phối, lẽ ra phải bền chặt, thì ở Việt Nam được nhiều chuyên gia ví von là “bị gãy từ lâu”.  

Lâu nay trên báo chí và nhiều hội nghị hội thảo, vấn đề thường đặt ra là nhà phân phối, doanh nghiệp, thậm chí là nhà nước để nông dân “tự bơi” trên thương trường. Nhưng tại tọa đàm “Nông dân và làng nghề với nhà phân phối” ngày 29-4 tại TPHCM, các nhà phân phối lại than phiền ngược lại.  

Mỗi nhà nhìn một hướng  

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit- nhà chế biến các nông sản sấy khô, trong bài nói chuyện (có trình bày slide) đã minh họa nhu cầu của thị trường và nhà phân phối là những mũi tên tô đậm đi ngược hướng với những mong muốn của nông dân hiện nay.  

Có tới 8 cặp mũi tên ngược hướng như vậy. Nhà phân phối thì yêu cầu có hàng cung cấp quanh năm nhưng nông sản thì sản xuất theo mùa vụ, theo từng đợt thu hoạch. Do vậy nông dân nào trồng hoa mà biết cho hoa nở rải đều nhằm vào ngày tết, các ngày lễ lớn thì người đó trúng đậm.  

Nhà phân phối bao gồm doanh nghiệp chế biến và các nhà bán buôn, bán lẻ cần hàng sạch, xanh, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng thì nông dân lại chẳng quan tâm, cố gắng canh tác, sử dụng nhiều hóa chất để có năng suất cao. Thói quen sản xuất nông nghiệp của nông dân hiện nay, theo ông Viên, rất dễ xảy ra các sự cố về sức khỏe, về dư lượng hóa chất trong nông sản thực phẩm.  

Nhà phân phối và thị trường cần nguồn nguyên liệu lớn thì nông dân, cho tới giờ, vẫn sản xuất quy mô nhỏ, manh mún lại thiếu liên kết với nhau. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc phu trách thu mua của hệ thống siêu thị Co.opmart, cũng cho rằng nông dân trồng rau manh mún khó lòng đưa rau của mình vào siêu thị, vì rau vào siêu thị Co.opmart phải đạt nhiều tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn phải sản xuất trong vùng rau có chứng nhận an toàn.  

Thị trường có nhu cầu nông sản chọn lọc, chuyên canh thì nông dân lại theo tập quán canh tác đa canh mà nhiều vườn tạp ở ĐBSCL là một điển hình. “Vườn cây trái tạp thì chỉ đáp ứng thị trường duy nhất là… thương lái”, ông Viên khẳng định và cũng cho rằng với kiểu canh tác đa canh, vườn tạp, thứ cây trái gì cũng có một chút thì chẳng bao giờ nông dân hiểu được nhu cầu của thị trường, nếu có thì rất phiến diện qua thương lái.  

Nhà phân phối cần các sản phẩm và dịch vụ tiện ích như thu hoạch xong, phải phân loại, loại nào bán cho nhà máy chế biến, loại nào bán cho siêu thị, trong khi nông dân chỉ thích kêu thương lái tới bán xô, bán “mão”, tức bán cả vườn cho người khác thu hái.

Trên thực tế,có những trang trại trồng mít ký hợp đồng bán cho nhà máy của Vinamit nhưng chỉ một nửa số trang trại bán, còn lại họ bán cho thương lái tiện hơn. Sở dĩ như vậy vì bán mít cho nhà máy phải lựa ra loại đủ tiêu chuẩn, rồi bóc vỏ đưa tới nhà máy trong khi thương lái tới tận nhà mua, thậm chí giúp thu hái dù giá có rẻ hơn giá của nhà máy.

Nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm cho rằng, mối quan hệ tương tác, bổ trợ nhau giữa nông dân và nhà phân phối hiện gần như không có, hoặc có rất ít.  

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết yêu cầu đầu tiên của nông sản bán tại siêu thị là phải sạch. Do vậy trong các tiêu chuẩn nông dân phải có khi cung cấp nông sản cho Co.opmart như giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hóa đơn, phiếu kiểm tra dư lượng kháng sinh thì đặc biệt là phải có giấy chứng nhận sản xuất an toàn, như rau an toàn chẳng hạn.  

Điều này buộc nông dân phải sản xuất sạch, sản xuất lớn hoặc nếu nhỏ thì phải liên kết trong tổ nhóm, hợp tác xã.  

Liên kết bắt đầu từ doanh nghiệp  

Đại diện Metro và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM ký biên bản hợp tác trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất và đưa hàng vào bán tại hệ thống Metro từ năm 2007-Ảnh: Hồng Văn

Không thể là nông dân mà là các doanh nghiệp cần tạo ra liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp, hay rộng ra là liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà khoa học.

Ông Viên cho biết, hiện nay Vinamit đang xúc tiến thành lập công ty cổ phần nguyên liệu nông sản, kết hợp 4 nhà nói trên, trong đó Vinamit là cổ đông lớn nhất, với sự tham gia góp vốn của ngân hàng, các trang trại, các nhà quản lý, nhà khoa học có thể tham gia công ty như những cổ đông danh dự.  

“Công ty này không phải chỉ tìm kiếm nguyên liệu cho Vinamit, mà là tập hợp nông dân, có sự hỗ trợ của ngân hàng, của nhà khoa học để làm ra nguồn nguyên liệu nông sản lớn cung cấp cho các nhà phân phối, các nhà máy chế biến”, ông nói và hy vọng đây là mô hình mẫu để có thể tạo cú hích cho các doanh nghiệp, nhà phân phối khác cùng làm, tạo nên bộ mặt khác cho ngành nông nghiệp.  

Bà Bùi Hạnh Thu thì cho biết Co.opmart đã thành lập trung tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân, còn hiện nay thì đã thành lập chuỗi các cửa hàng Co.op Food, chuyên tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch, thiết yếu tới từng bữa ăn của người tiêu dùng.  

Còn hai năm nay, hệ thống trung tâm Metro thì hỗ trợ khá nhiều cho nông dân ngoại thành TPHCM từ sản xuất cho tới cách thức phân loại hàng hóa và đưa vào bán tại hệ thống của Metro.

Dù sao thì “một nông dân trồng rau mà sau khi trời mưa lại tưới nước cho rau, thấy quá lạ, người viết bài này hỏi, họ bảo tưới cho sạch để thu hái bán cho siêu thị chứ mưa làm bùn đất dính trên rau”, cũng phần nào nói lên nông dân cũng đã ý thức dần việc đưa hàng vào bán trong các hệ thống phân phối hiện đại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới