(KTSG Online) - Các công ty khởi nghiệp (startup) hứa hẹn biến nông nghiệp thành một ngành kinh doanh công nghệ cao, nhưng đang lao đao do chi phí gia tăng, nguồn vốn eo hẹp, sâu bệnh.
- Doanh nghiệp FDI quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo
- Nông nghiệp công nghệ cao sẽ giải quyết bài toán đất suy thoái, nhu cầu lương thực tăng cao
Giới đầu tư đã đổ hàng tỉ đô la Mỹ vào các công ty nông nghiệp nhà kính của Mỹ như AppHarvest và Local Bounti, chuyên trồng rau diếp, cà chua và các loại rau quả khác trong các trang trại trong nhà. Họ sử dụng công nghệ tiên tiến như cảm biến và robot để bù đắp rủi ro liên quan đến thời tiết. Họ cũng sử dụng ít nước hơn và sản xuất rau quả với sản lượng ổn định hơn. Nhưng cổ phiếu của hai công ty này giảm hơn 95% kể từ khi niêm yết vào năm 2021. Trong những tháng gần đây, ít nhất bốn công ty trong lĩnh vực này đã đóng cửa hoặc nộp đơn phá sản.
Ngành khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao huy động được số vốn kỷ lục 895 triệu đô la trong quí đầu tiên của năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ đó, nguồn vốn trên thị trường dần cạn kiệt. Trong quí hiện tại, ngành này chỉ thu hút được vỏn vẹn 10 triệu đô la, theo nhà cung cấp dữ liệu AgFunder.
“Mô hình kinh doanh của họ là trồng và bán rau, nhưng bằng cách nào đó họ tự mô tả mình là một công ty công nghệ”, Paul Sellew, CEO của Little Leaf Farms, một startup ở bang Massachusetts (Mỹ), chuyên trồng rau diếp bằng nhà kính công nghệ cao, nói.
Sellew giải thích công ty ông đã tránh được những khó khăn của ngành bằng cách tập trung canh tác hàng ngày hơn là tăng trưởng. Leaf Farms dự kiến đạt doanh thu 100 triệu đô la trong năm nay và sẽ có lãi.
Tình cảnh khốn đốn của các công ty nông nghiệp trong nhà đánh dấu nỗ lực bất thành mới nhất của các doanh nhân nhằm sử dụng công nghệ để hỗ trợ các ngành kinh doanh lâu đời. WeWork tự khẳng định là một công ty công nghệ, không phải công ty cho thuê văn phòng dùng chung. Nhưng giá cổ phiếu của công ty hiện nay giảm chỉ còn 0,2 đô la so với mức đỉnh 13,71 đô la. Carvana, công ty nổi tiếng với các tòa nhà bán xe tự động, cho biết sẽ dụng công nghệ để đổi mới phương thức kinh doanh trên thị trường xe cũ. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Carvana cũng giảm hơn 95% so với mức đỉnh. Sau khi “đốt” sạch 3 tỉ đô la với tham vọng sử dụng công nghệ để cách mạng hóa ngành xây dựng, công ty Katerra phá sản vào năm 2021.
Giống như các nông dân canh tác theo cách truyền thống, các startup trang trại trong nhà cũng đối mặt chi phí cao của vật tư, năng lượng và nhân công. Dù canh tác trong nhà giúp họ tránh được tác động từ các thay đổi thất thường của thời tiết, nhưng không giúp loại bỏ được sâu bệnh.
Có hai loại canh tác trong nhà chủ yếu: phiên bản hiện đại của nhà kính sử dụng năng lượng từ mặt trời để trồng cây theo chiều ngang; và các trang trại thẳng đứng với luống cây trồng xếp chồng lên nhau bên dưới ánh sáng nhân tạo.
Nhiều nhà phân tích tin rằng nhà kính công nghệ cao có thể hoạt động có lãi ở Mỹ vì chúng đã được vận hành thành công ở châu Âu và Canada. Nhưng trang trại thẳng đứng là một câu chuyện khác. Cho đến nay, chưa có công ty trang trại thẳng đứng nào kiếm được lợi nhuận khi vận hành khi vận hành trên quy mô lớn.
Các startup ở cả hai phương thức canh tác trong nhà này tự xem họ là giải pháp xanh cho hệ thống sản xuất thực phẩm của Mỹ, vốn từ lâu vật lộn với những thách thức như thời tiết khắc nghiệt, sử dụng nhiều tài nguyên và phụ thuộc vào một số khu vực đất đai phì nhiêu. Họ đã thu hút được các nguồn vốn đầu tư từ những công ty nông nghiệp và bán lẻ thực phẩm hàng đầu của Mỹ như Cargill và Walmart.
Những vào năm ngoái, khi chi phí gia tăng khiến việc xây dựng và vận hành các trang trại trong nhà mới tốn kém hơn dự kiến. Một số khoản chi phí tốn kém nhất bao gồm sưởi ấm và thông gió. Chỉ riêng chi phí chiếu sáng cũng đủ khiến cho các trang trại thẳng đứng kém khả thi kinh tế. Với lợi nhuận vẫn còn xa với, các startup này dễ tổn thương khi lãi suất tăng và các nhà đầu tư bắt đầu xa lánh các công ty từng gây sốt.
Công ty nông nghiệp nhà kính AppHarvest gặp thêm khó khăn khi sâu bệnh tấn công cây cà chua và dâu tây của họ tại các cơ sở sản xuất ở bang Kentucky vào năm 2021 và 2022. Tháng trước, sự xuất hiện của vi khuẩn listeria đã buộc công ty này phải tạm dừng hoạt động một nhà kính.
AppHarvest dự kiến doanh số bán hàng sẽ tăng lên khoảng 25 triệu đô la vào năm 2021 và 60 triệu đô la vào năm 2022 khi mở thêm nhiều nhà kính. Cổ phiếu của AppHarvest đã tăng vọt vào đầu năm 2021, đẩy vốn hóa vượt mức trên 3,5 tỉ đô la. Tuy nhiên, thực tế, công ty chỉ đạt doanh thu khoảng 9 triệu đô la vào năm 2021 và 15 triệu đô la vào năm ngoái. AppHarvest cảnh báo sẽ không thể tiếp tục hoạt động nếu không huy động được nguồn vốn bổ sung đáng kể. Kể từ đó, công ty đã huy động được một số tiền mặt bằng cách phát hành thêm cổ phiếu và bán một trong nhà kính cho đối tác, rồi thuê lại. Vốn hóa của AppHarvest hiện nay chỉ còn khoảng 75 triệu đô la.
Trong khi đó, Công ty Local Bounti đã huy động tiền bằng cách bán một nhà kính, sau đó thuê lại và tăng vay nợ từ đối tác Cargill. Công ty này sử dụng trang trại thẳng đứng để trồng rau quả khi chúng còn nhỏ, sau đó, chuyển chúng vào nhà kính khi chúng trưởng thành. Craig Hurlbert, đồng CEO của Local Bounti, tự tin rằng nguồn vốn mới và việc mở cơ sở sản xuất mới có thể giúp hoạt động của công ty có lãi trong vòng hai năm.
Theo WSJ