(KTSG) - Số hóa nông nghiệp không thể là quyết định nóng vội và nửa vời, bởi đó là quá trình lâu dài, bền bỉ trong nhiều năm.
- ’Nông nghiệp xanh’… từ việc số hóa ruộng đồng
- Để phụ phẩm, chất thải nông nghiệp thật sự là ‘mỏ vàng’
Vừa rồi ở Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị Cách mạng công nghệ lần thứ 4 và hợp tác Việt - Hàn. Ở sự kiện này, ông Kang Boo Sung, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, cho rằng tương lai của ngành nông nghiệp là hình thái quản lý trồng trọt và thu hoạch một cách tiện lợi, bền vững trong các nông trại thông minh (NTTM).
Hàn Quốc là đất nước của kỹ thuật, công nghệ phát triển nên nông nghiệp đã sớm được phát triển theo mô hình NTTM với quy trình quản lý và vận hành khép kín trong khu nhà kính.
Nông trại là một hệ thống có máy đo độ ẩm của đất, không khí, phân tích nhu cầu phân bón của cây, lượng nước tưới tiêu… và có thể đưa ra các giải pháp gợi ý giúp giải quyết tình trạng sâu bệnh (nếu có) nhờ vào việc phân tích dữ liệu. Nhờ đó, NTTM ít chịu ảnh hưởng của các hiệu ứng về địa lý và khí hậu, rau củ, trái cây được sản xuất liên tục bất kể mùa vụ, chất lượng sản phẩm cũng được kiểm soát.
Ngoài ra, kiểu nông trại này giúp giảm số lượng người làm và còn tận dụng được tối đa quỹ đất, không gian sẵn có. Có thể nói, NTTM trở thành giải pháp cho vấn đề thiếu nhân lực trẻ và quỹ đất nông nghiệp hiện tại của Hàn Quốc.
Nông trại thông minh thẳng đứng
Một trang trại thẳng đứng thông minh đã được xây dựng trong một đường hầm bỏ hoang tại Hàn Quốc. Đường hầm dài 600 mét được Công ty NextOn sử dụng để trồng rau và trái cây. Tại đây, thực phẩm được trồng trọt hoàn toàn bằng phương pháp thủy canh, không sử dụng đất, rễ cây được cắm trong dung dịch dinh dưỡng.
Theo ghi nhận, các kệ trồng rau xanh dài 200 mét gồm 14 tầng, cho sản lượng hàng năm đạt 300 tấn, tương đương với phương pháp canh tác truyền thống trên diện tích 165.000 mét vuông. Còn cuối đường hầm là các kệ dài 300 mét, dành riêng cho việc trồng dâu tây ở nhiệt độ thấp, cho năng suất khoảng 100 tấn mỗi năm.
Ngoài ra, trang trại trồng được 60 loại trái cây và rau củ, trong đó có 42 loại được chứng nhận không có thuốc trừ sâu, không có thuốc diệt cỏ và không biến đổi gen.
NextOn không đề cập đến chi phí xây dựng, nhưng theo họ, các công ty có thể cắt giảm đáng kể chi phí bằng cách thuê lại những công trình bỏ hoang như đường hầm Okcheon, đồng thời tự phát triển hệ thống đèn chiếu sáng, tưới tiêu và công nghệ riêng. Nhờ đó, họ có thể tiết kiệm nước, năng lượng và giảm chi phí nhân công. Cây trồng vì thế sẽ có chi phí canh tác thấp hơn so với phương pháp hữu cơ truyền thống.
Lợi thế của mô hình nông trại thẳng đứng này là tận dụng tối đa không gian để thiết kế nên các tầng kệ trồng rau củ và trái cây, vậy nên sản lượng sản xuất được có tiềm năng lớn.
Một ví dụ khác cho mô hình này là Công ty Farm8 chuyên về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Hàn Quốc, bên cạnh việc áp dụng xen kẽ canh tác nhà kính và canh tác thẳng đứng (xây dựng các giá kệ trồng cây) để cho ra nguồn rau sạch, không thuốc trừ sâu thì họ còn cung cấp mô hình trang trại thẳng đứng ở mọi quy mô. Như trang trại container có giá 130.000 đô la Mỹ (số liệu năm 2020)
Ông Min Seung Kyu, Giáo sư Đại học Sejong, nguyên Thứ trưởng bộ Nông lâm, Chăn nuôi và Thực phẩm Hàn Quốc, chia sẻ việc kết hợp công nghệ thông tin bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và nông nghiệp tạo ra sự chuyển đổi trong năng lực cạnh tranh nông nghiệp.
Ông cũng cho hay một số NTTM ở Hàn Quốc giúp giảm 90% số lượng nhân công, số lượng công việc của một nhân công cũng được giảm tải đáng kể sau khi đưa máy móc, AI vào vận hành.
Bài học cho Đà Nẵng
Từ ví dụ ở Hàn Quốc nói trên có thể thấy trong phát triển nông nghiệp bền vững thì nông nghiệp công nghệ cao là lộ trình phải đi. Và những địa phương có diện tích đất nông nghiệp khiêm tốn tại Việt Nam cũng có thể ứng dụng được.
Trong đó, tại Đà Nẵng - nơi núi, biển và sông chiếm diện tích đáng kể - một số doanh nghiệp cũng bắt đầu hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững thông qua nông nghiệp công nghệ cao.
An Phú Farm là một ví dụ. Họ có nông trại sản xuất rau hữu cơ để cung cấp cho chuỗi cửa hàng của chính mình, chuyên bán các nông sản hữu cơ. Hiện nay, trong chăn nuôi trang trại An Phú cũng đã áp dụng công nghệ vi sinh, quy chuẩn ISO, công nghệ thông tin vào trong sản xuất và phân phối nông sản.
Bên cạnh đó, ở An Phú Farm đang áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ khép kín tuần hoàn. Ngoài ra, đây cũng là nơi triển khai, áp dụng các công nghệ, mô hình trồng trọt chăn nuôi hữu cơ kiểu mẫu để hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân.
Chi phí đầu tư luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp cũng như người nông dân khi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần có các chính sách hỗ trợ cũng như tạo điều kiện cho nông dân và đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Những năm đầu trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để tạo ra nguồn rau sạch cũng như thúc đẩy nền kinh tế địa phương. UBND huyện Hòa Vang đã có những chính sách hỗ trợ chi phí cho các hộ dân tại hai xã Hòa Ninh và Hòa Phú chuyển đổi sang trồng rau công nghệ cao.
Mô hình trồng rau sạch của ông Trương Ngọc Sơn, ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú đang được nhân rộng. Trên mảnh đất 1 héc ta, với số vốn ban đầu là 2,8 tỉ đồng, trong đó huyện Hòa Vang hỗ trợ 50% chi phí, ông Sơn đầu tư hệ thống cơ sở vật chất nhà lưới khung thép bao quanh, cùng với đó là hệ thống tưới tiêu tự động và hệ thống máy thông gió, đảm bảo không khí trong vườn lúc nào cũng được điều hòa phù hợp cho cây phát triển.
Ngoài các loại đang trồng như rau muống, mồng tơi, rau cải, ớt chuông, cà chua, ông Sơn còn trồng thêm dưa lưới. Chỉ mới thử nghiệm trên 1.500 mét vuông, dưa lưới đã mang về cho ông Sơn mức lợi nhuận 50 triệu đồng. Một năm có thể làm được ba vụ - một kết quả mà ông Sơn cũng không ngờ đến.
Tại xã Hòa Ninh, mô hình trồng rau sạch, nhất là trồng rau thủy canh của ông Lê Mạnh Dân và ông Nguyễn Thắng cũng mang đến nhiều thành công. Ông Dân cho biết đã thực hiện mô hình trồng rau thủy canh hơn 1 héc ta; trồng được hai lứa rau xà lách, mỗi lứa 20.000 cây, mỗi cây ra giống giá 150 đồng. Sau 40 ngày, rau thành phẩm bán được 8.000 đồng một cây, qua hai lứa ông thu lãi ròng 120 triệu đồng.
Những khó khăn
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 2.986 héc ta, tập trung tại huyện Hòa Vang, lĩnh vực trọng tâm là rau, hoa, nấm và giống cây trồng.
Theo tìm hiểu của người viết, trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng cũng đã được tập trung thực hiện như chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi tiên tiến; kỹ thuật xử lý sâu bệnh hại; tưới tiết kiệm, xử lý môi trường trong chăn nuôi… đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng chỉ mới dừng lại ở một số mô hình, chưa tạo sự phát triển đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Chính vì vậy, chính quyền thành phố Đà Nẵng kêu gọi, thu hút doanh nghiệp từ các quốc gia có ứng dụng mô hình này như Hàn Quốc, Hà Lan đầu tư vào Đà Nẵng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Công ty cổ phần dược Danapha (dự án sản xuất cây dược liệu đinh lăng, nghệ... tại Hòa Phú, Hòa Ninh); Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Afarm (dự án rau công nghệ cao tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú); Hợp tác xã rau hoa củ quả Hòa Vang…
Những ghi nhận trên tại Hàn Quốc cũng như tại Đà Nẵng cho thấy có thể có nhiều cách giải cho bài toán số hóa ngành nông nghiệp miễn đáp án vẫn là: “Hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường”. Vấn đề là doanh nghiệp, nông dân, chuyên gia và địa phương phải chọn được một hướng đi phù hợp với địa phương mình, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường và nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.
Những thách thức khi làm nông nghiệp CNC
Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không đơn thuần chỉ là việc xây dựng các ứng dụng (app). Đó phải là sự tổng hợp của công nghệ sinh học (tạo và lai giống, bảo quản nông sản, thực phẩm,…), công nghệ nano (phòng trừ bệnh hại, phân bón cho cây trồng,…), và các thành tựu đột phá của công nghệ thông tin.
Thế nên việc hoàn chỉnh một mô hình NTTM đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn để có thể xây dựng mô hình khép kín, máy móc tự động hóa, nhà màng, nhà lưới, các thiết bị cảm biến...
Chi phí là thử thách lớn đối với những nhà nông và doanh nghiệp nhỏ.
Việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cũng buộc nhà nông phải thay đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại.
Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải xây dựng lại quy trình từ lập kế hoạch sản xuất, quản lý và giám sát... và tìm cách bù đắp lỗ hổng quá lớn về nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.
Hàn quốc, khi họ bắt đầu khởi nghiệp họ cũng chả hơn gì ta. Đơn giản/ phức tạp. Dám/ Không dám chấp nhận thử thách. Tất cả là do quan niệm của nhà kinh doanh. Chung quy lại là vấn đề thị trường. Đây là lý do quan trọng nhất để người kinh doanh tồn tại và sống sót lâu dài. Không thể lấy lý do “số hóa/ công nghệ hóa/ hiện đại hóa…” để phủ nhận sự tồn tại của quy luật kinh tế. Những thứ đó chỉ là phương tiện. Có lãi là tốt. Không có lãi cũng chả chết ai. Vấn đề cuối cùng là có nhà kinh doanh có dám đi đến cùng, có được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi hay không mà thôi.