Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nộp quỹ phòng, chống thiên tai: Mức thu trên vốn điều lệ hay doanh thu, như thế nào mới là hợp lý?

LS. Nguyễn Hoàng Hải - LS. Võ Thị Như Quỳnh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khoản 1 điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP (Nghị định 78) về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai có quy định về nguồn tài chính của quỹ phòng, chống thiên tai như sau: “Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31-12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan thuế, nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức”.

Như vậy, quỹ phòng chống thiên tai là quỹ bắt buộc phải nộp đối với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không nộp sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Mức thu hiện nay căn cứ trên tổng tài sản

Căn cứ quy định nêu trên thì cơ sở để xác định mức đóng góp vào quỹ phòng, chống thiên tai là tổng giá trị tài sản và mức nộp sẽ là 0,02% trên tổng giá trị tài sản. Tổng tài sản được ghi nhận trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm: (i) tiền và các khoản tương đương tiền; (ii) các khoản đầu tư tài chính, các khoản phải thu; (iii) hàng tồn kho, tài sản cố định; (iv) bất động sản đầu tư, xây dựng cơ bản dở dang và tài sản khác.

Tổng tài sản của doanh nghiệp là tổng của các khoản nợ phải trả cộng với vốn chủ sở hữu. Do đó, tổng giá trị tài sản không phản ánh hết được tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp trong năm đó. Vì vậy, việc lấy tổng giá trị tài sản là cơ sở để xác định mức nộp quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm là không phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí, trong khi giá trị tài sản chưa phản ảnh hết khả năng sinh lời từ tổng tài sản của doanh nghiệp. Hoặc nhiều khi giá trị tài sản của doanh nghiệp chỉ là thư giá được ghi nhận trên sổ sách kế toán chứ chưa phải là giá trị thật, giá thị trường.

Hơn nữa, xét trên tổng tài sản của doanh nghiệp thì trong cơ cấu của nó có các khoản phải thu, là khoản thu kỳ vọng trong tương lai nên chưa chắc chắn thuộc về doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Do đó, mức đóng góp của doanh nghiệp dựa trên khoản này là không hợp lý.

Nếu trích quỹ dựa trên doanh thu sẽ hiệu quả hơn, vì động lực lớn nhất của doanh nghiệp là tồn tại, phát triển, khi doanh nghiệp hoạt động, có doanh thu thực tế thì điều đó chứng minh doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính “tự lo cho mình” và giúp đỡ cho xã hội.

Một điểm bất hợp lý nữa là nếu doanh nghiệp thành lập và hoạt động chưa đủ 12 tháng của một năm hoặc doanh nghiệp không có hoạt động, tức không có phát sinh doanh thu trong năm đó thì trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ ghi nhận tổng giá trị tài sản ít nhất là bằng số vốn điều lệ của doanh nghiệp. Theo quy định của Nghị định 78 thì doanh nghiệp vẫn phải nộp ở mức 0,02% trên tổng giá trị tài sản. Đây điều hết sức bất hợp lý vì trong năm qua doanh nghiệp có hoạt động gì đâu mà phải nộp mức phí này.

Mức thu nên dựa trên doanh thu hàng năm

Thay vào đó, nếu mức thu dựa trên trên doanh thu của doanh nghiệp, theo báo cáo tài chính, sẽ hợp lý hơn vì chỉ số này phản ảnh hoạt động thật sự trong năm qua của doanh nghiệp.

Bởi lẽ, căn cứ quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp(1) thì doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng. Thông tư 200/2014/TT-BTC(2) quy định “Doanh thu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của các cổ đông. Doanh thu được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền”.

Ngoài ra, theo Chuẩn mực kế toán số 14 được quy định tại Quyết định 149/2001/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu”. Do đó, doanh thu là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp trong năm tài chính, nó thể hiện tổng giá trị tiền mà doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định (trong kỳ báo cáo tài chính, năm tài chính kế toán), chỉ khi nào doanh nghiệp có doanh thu, hiểu đúng hơn là có “thu thực tế” và đảm bảo cho sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp thì mới có điều kiện để chia sẻ, đóng góp cho xã hội.

Hơn nữa doanh thu trong một năm phản ánh đầy đủ tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm ấy, mà doanh nghiệp trong năm hoạt động nhiều thì trách nhiệm đóng góp góp phần khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra là hợp lý. Trong khi đó, doanh nghiệp đăng ký vốn cao nhưng điều này không đồng nghĩa với việc số vốn này phản ánh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trong năm đó. Ví dụ như doanh nghiệp mới thành lập nhưng chưa có hoạt động gì hoặc doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư thì chỉ có chi phí chứ chưa có doanh thu. Hoặc các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và đang ở trong tình trạng “chết lâm sàng”, nghĩa là các doanh nghiệp này chờ làm thủ tục giải thể hoặc mở thủ tục phá sản.

Theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai thì quỹ phòng, chống thiên tai là một tổ chức được thành lập tại cấp tỉnh, chịu sự quản lý của UBND cấp tỉnh, quỹ này không được tài trợ từ ngân sách nhà nước và không bao gồm nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Mục tiêu chính của quỹ phòng, chống thiên tai là hỗ trợ các hoạt động liên quan đến phòng, chống thiên tai, với ưu tiên cho các mục tiêu sau: cung cấp trợ giúp khẩn cấp liên quan đến lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết cho những người bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ trong việc tu sửa nhà ở, cơ sở y tế và trường học; và cải thiện vệ sinh môi trường tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Việc sẵn sàng và chuẩn bị quỹ phòng, chống thiên tai trước và sau thiên tai là vô cùng quan trọng, thể hiện trách nhiệm xã hội và sự chia sẻ khó khăn do thiên tai gây ra để giảm bớt thiệt hại và khắc phục phần nào hậu quả. Đóng góp vào việc xây dựng quỹ phòng, chống thiên tai không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là một nhiệm vụ quan trọng của mọi công dân. Bằng cách đóng góp vào quỹ phòng, chống thiên tai, chúng ta có thể thúc đẩy tinh thần “lá lành đùm lá rách” và giúp những gia đình ở các vùng thiên tai có tiền để tái thiết và ổn định cuộc sống.

Chúng ta đều biết rằng việc đóng góp cho xã hội là điều tất yếu thể hiện tính tương thân tương ái, nhưng bắt buộc doanh nghiệp trích tiền từ tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp hiện có theo tổng tài sản được ghi nhận trong báo cáo tài chính là tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm thay đổi bản chất của sự giúp đỡ là tính tự nguyện, sự phù hợp với khả năng kinh tế của người giúp đỡ, hỗ trợ. Ngược lại, nếu trích quỹ dựa trên doanh thu sẽ hiệu quả hơn, vì động lực lớn nhất của doanh nghiệp là tồn tại, phát triển, khi doanh nghiệp hoạt động, có doanh thu thực tế thì điều đó chứng minh doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính “tự lo cho mình” và giúp đỡ cho xã hội.

(*) Công ty Luật Credent
(1) Điều 8 luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
(2) Khoản 1 điều 78, Thông tư 200/2014/TT-BTC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới