Nước Đức nhọc nhằn “cai” than
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Chính phủ Đức đặt tham vọng giảm một nửa sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 so với hiện nay nhằm đạt mục tiêu giảm ít nhất 55% khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính so với thập niên 1990. Song tiến trình “cai” than của Đức vấp phải nhiều thách thức bao gồm những tác động kinh tế xã hội nảy sinh từ các quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.
![]() |
Một mỏ than ở vùng Đông Đức. Ảnh: NY Times |
22.500 việc làm bị đe dọa nếu “cai” than
Vào một ngày Chủ nhật trong tháng 9, 600 người dỡ mũ bảo hộ khỏi đầu và đặt chúng trên những chiếc ghế xếp ở quảng trường trước tòa thị sảnh Cottbus, một thị trấn công nghiệp ở bang Brandenburg, miền đông nước Đức khi block F của nhà máy nhiệt điện than Jänschwalde gần đó đóng cửa vĩnh viễn.
Đó là một cuộc biểu tình lặng lẽ để đánh dấu số việc làm bị mất do nhà máy nhiệt điện than này thu hẹp hoạt động như là một phần kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính của chính phủ Đức. “Bạn phải nghĩ rằng mọi người ở đây đều cần có một công việc, một khoản thu nhập để nuôi gia đình. Khi bạn nhìn thấy cảnh tượng như vậy, đó thực sự là con số rất lớn”, Mathias Felsch, một công nhân mỏ than 26 tuổi ở Cottbus, nói.
Dù vậy, đối với nước Đức, con số việc làm phải cắt giảm này vẫn chưa đủ. Nếu Đức thực hiện cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris để giảm khí thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 và 80-95% vào năm 2050 so với các mức vào thập niên 1990, nước này phải giải quyết các tác động kinh tế và xã hội đối với 22.500 người có việc làm phụ thuộc vào ngành than khi họ mất kế sinh nhai. Đó là chưa kể hàng chục ngàn công việc gián tiếp khác.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với các thách thức ngày càng dâng cao, bao gồm sức ép từ phe cực hữu ở các vùng miền đông nước Đức, nơi có nhiều việc làm trong ngành than sẽ mất mát. Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), phe đối lập cực hữu ở Đức, không tin khí thải carbon gây biến đổi khí hậu và muốn duy trì các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ hiện đại. Không chỉ đảng AfD mà một số đảng khác bao gồm đảng trung tả Dân chủ xã hội cũng ủng hộ ngành than. Đảng AfD đặc biệt được ủng hộ mạnh mẽ ở ba bang miền Đông nước Đức, nơi tập trung các mỏ than. Các bang này cũng là nơi có nền kinh tế yếu nhất nước, do vậy, những vấn đề liên quan đến việc làm là câu chuyện rất nhạy cảm.
Ông Philipp Zirzow, một lãnh đạo công đoàn đại diện cho các công nhân mỏ than ở bang Brandenburg, cho biết mọi người ở đây vẫn nhớ đến thời kỳ đau đớn khi Đông Đức sáp nhập Tây Đức vào thập niên 1990, gây ra những xáo trộn kinh tế, khiến 9/10 việc làm bị mất mát. Zirzow đã tổ chức cuộc biểu tình của thợ mỏ ở trước tòa thị sảnh ở thị trấn Cottbus, thủ phủ than của nước Đức để phản đối quyết định đóng cửa block F của nhà máy nhiệt điện than Jänschwalde Zirzow. Ông cho biết chính quyền địa phương cam kết tạo ra những việc làm mới cho những thợ mỏ mất việc nhưng cho đến nay, điều đó chưa bao giờ được thực hiện, khiến mọi người càng giận dữ và xa lánh chính quyền.
Lỡ mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính
![]() |
Công nhân mỏ than biểu tình ở quảng trường trước tòa thị sảnh Cottbus ở bang Brandenburg, đông Đức để phản đối nhà máy nhiệt điện than Jänschwalde thu hẹp hoạt động. Ảnh: NY Times |
Cách đây hơn 15 năm, Đức bắt tay thực hiện kế hoạch đầy tham vọng nhằm chuyển tiếp sang các nguồn năng lượng tái tạo. Nỗ lực thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng có tên gọi Energiewende đã giúp bà Merkel được cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ và được đặt biệt danh “Thủ tướng khí hậu”. Tuy vậy, ngay cả khi bà Merkel là một lãnh đạo tiên phong thiết lập các mục tiêu tham vọng để giảm khí thải nhà kính và quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của Đức vào năm 2022, các chính phủ liên tiếp dưới quyền lãnh đạo của bà đã không đưa ra được các quyết định chính trị khó khăn nhưng cần thiết để “cai” than hoàn toàn: nhanh chóng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.
Hiện tại 23% sản lượng điện của Đức phụ thuộc vào hoạt động đốt than lignite, hay còn gọi là than nâu, một trong những nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất, khiến Đức trở thành nước dẫn đầu thế giới về khai thác và đốt than nâu, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế. Ngoài ra, 14% sản lượng điện khác của Đức phụ thuộc vào hoạt động đốt than đen.
Hồi tháng 8, Bộ Môi trường Đức cho biết Đức sẽ không thể đạt được các mục tiêu tham vọng nhằm cắt giảm khí thải carbon xuống 40% vào 2020 so với các mức của thập niên 1990 vì không thể nhanh chóng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.
Tình hình ở vùng Đông Đức cũ đặc biệt nan giải. Để tạo việc làm mới ở vùng này đòi hỏi phải thu hút được các nhà đầu tư mới. Song ngành công nghiệp ở vùng này chẳng có gì nhiều ngoài các mỏ than nâu. Một trong những doanh nghiệp lớn nhất và sử dụng nhiều lao động nhất ở Đông Đức cũ là công ty năng lượng LEAG đang sở hữu vài mỏ than và một số nhà máy điện nhiệt điện than, tạo ra 8.000 việc làm.
Tại Tây Đức, các căng thẳng liên quan đến hoạt động khai thác than cũng đang diễn ra. Tháng trước, cảnh sát và những người biểu tình bảo vệ môi trường đã xô xát khi công ty năng lượng RWE tiến hành giải tỏa 200 ha diện tích rừng ở bang Bắc Rhine - Westphalia để mở rộng mỏ than nâu Hambach. Dù RWE sở hữu khu rừng này nhưng các tổ chức bảo vệ môi trường phản đối kế hoạch giải tỏa vì lo ngại một số loài động vật quý hiếm sẽ không còn môi trường sống.
Cuối cùng, một tòa án hành chính địa phương đã ra phán quyết yêu cầu RWE tạm dừng kế hoạch giải tỏa khu rừng để chờ xem xét khu rừng có thuộc diện được bảo vệ theo luật môi trường của Liên minh châu Âu (EU) hay không.
RWE cảnh báo việc dừng kế hoạch giải tỏa rừng sẽ gây thiệt hại cho công ty 100 triệu euro mỗi năm. Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường hoan nghênh phán quyết của tòa và xem đây như là bước đi đầu tiên trong quyết định khó khăn nhằm giúp nước Đức dần “cai” than nâu, nhiên liệu rắn quan trọng nhất và dồi dào nhất của nước này.