Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nước mắm truyền thống: thử nhìn cơ trong nguy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nước mắm truyền thống: thử nhìn cơ trong nguy

Đức Tâm

Nước mắm truyền thống: thử nhìn cơ trong nguy
Chiết xuất nước mắm tại một nhà thùng ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh minh họa: MINH TÂM

(TBKTSG Online) – Vụ "khủng hoảng arsen" làm nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống lo lắng. Nhiều nỗi lo xuất hiện nhưng thử tỉnh táo nhìn nhận, ta thấy chính trong mối nguy đã có sẵn cơ hội để phát triển.

Chiều 21-10 người viết đến chợ Tân Định – quận 1 tìm mua nước mắm truyền thống và có được một số thông tin thú vị qua câu chuyện với chị bán hàng.

– Chị ơi, có nước mắm Liên Thành không?
– Có chứ, đây.
– Còn Hồng Hạnh và Hạnh Phúc?
– Có hết.
– Những loại này nghe nói nhiễm arsen, ăn có sao không chị?
– Không sao đâu em. Báo đài nói arsen trong cá là arsen hữu cơ, ăn không sao cả. Nhiều người lo lắng cũng hỏi như em, chị giải thích, họ hiểu và vẫn chọn mua như bình thường.
– Nhà chị dùng loại gì?
– Trước giờ chị dùng Liên Thành.
– Còn bây giờ?
– Vẫn dùng Liên Thành. Ăn lâu rồi, có sao đâu mà lo.

Chị kể thêm dù nước mắm truyền thống có tăng giá, ví dụ như Hồng Hạnh, chai 650 ml, trước 45.000 đồng, nay tăng lên 55.000 đồng; hoặc như Hạnh Phúc, trước khoảng 70.000 đồng/chai, nay tăng lên 92.000 đồng, nhưng khách vẫn chọn mua bình thường. Trong khi đó, có loại nước mắm công nghiệp tên tuổi kia, rẻ hơn, và dù giá không tăng nhưng bán vẫn không được. Dưới góc nhìn của chị, khách vẫn mua sản phẩm nước mắm truyền thống vì họ ăn đã quen và hiểu giá trị của sản phẩm.

Câu chuyện chị chia sẻ làm tôi nhớ lại bài viết “Nước mắm truyền thống đang… hồi sinh” được đăng trên TBKTSG vào cuối tháng 6-2016. Trong bài viết, ta thấy có nhiều tin tích cực, ví như trong khoảng ba năm gần đây, lượng tiêu thụ nước mắm Hạnh Phúc tăng trưởng ổn định, đặc biệt tại thị trường TPHCM, Hà Nội và một số đô thị lớn khác. Hoặc theo nhìn nhận của ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc tiếp thị của Saigon Co.op – chủ sở hữu hệ thống Co.op Mart và Co.op Foods – cho đến thời điểm này, các sản phẩm nước mắm truyền thống vẫn chưa thể là đối thủ và có thể cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm đang nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường là Chin-su, Nam Ngư của Masan, nhưng cũng đã có sự tăng trưởng nhất định.

Đang có một sự dịch chuyển trong sự lựa chọn sản phẩm của một bộ phận khách hàng. Họ thay nước mắm công nghiệp bằng nước mắm truyền thống mặc dù nước mắm truyền thống có giá cao hơn 2-5 lần so với nước mắm công nghiệp.

Thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự biến chuyển trong nhận thức của tầng lớp này. Theo xu hướng tiêu dùng sạch, ngày nay con người ngày càng sợ hóa chất và quay về với nước mắm truyền thống.

Rõ ràng, tỉnh táo nhìn lại, có thể thấy rằng, nước mắm truyền thống đã có một phân khúc khách hàng riêng cho mình hình thành một cách tự nhiên mà không cần quảng cáo. Dù muốn hay không, đây là một sự thật không thể chối cãi.

Điều này được thấy rõ hơn trong cuộc “khủng hoảng arsen” những ngày qua. Chỉ cần lướt qua các mạng xã hội, ai cũng có thể nhận thấy điều này hay như chính câu chuyện của cô bán hàng nêu trên là một minh chứng cụ thể nhất.

Qua đó, ta sẽ thấy nước mắm truyền thống vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục duy trì đà hồi sinh. Họ có một phân khúc khách hàng riêng, có thu nhập, có hiểu biết, đến với sản phẩm vì nhận thức rõ ràng.

Họ không phải là số đông nhưng là những khách hàng trung thành và có tầm ảnh hưởng. Định vị rõ và phục vụ tốt phân khúc này, nước mắm truyền thống sẽ xây dựng cho mình những hạt nhân vững chắc tạo đà cho sự phát triển.

Nhìn như vậy để thấy trong nguy có cơ. Thấy như vậy không phải để chủ quan mà thêm niềm tin để vượt qua giai đoạn nguy nan này.

Mời xem thêm:

Nước mắm nhiễm arsen: nửa sự thật không là sự thật!

Nước mắm truyền thống đang… hồi sinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới