Nước ngầm đang cạn
(TBKTSG) - Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng một số nhà khoa học vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên nước ngầm ở ĐBSCL. Quan niệm sai lầm nguồn nước ngầm là vô tận đã khiến nảy sinh tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi làm nhiều túi nước có thể mất hàng trăm năm sau mới khôi phục lại được.
Vừa xài, vừa phá!
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), kể rằng ông rất đau lòng những khi đi xuống vùng Cà Mau, Bạc Liêu... thấy rất nhiều người dân bơm nước ngọt từ giếng lên để pha vào vuông tôm làm giảm độ mặn. “Quá phung phí. Thiếu gì cách để có nước đúng độ mặn nuôi tôm, sao lại lấy nước ngầm?”, ông nói.
Và ông kể rằng, thậm chí nhiều người dân cứ nghĩ rằng nguồn nước ngầm là vô tận, nên cứ giếng này không còn sử dụng được là bỏ, khoan giếng khác. Họ không nghĩ rằng chính những cái giếng bỏ không ấy sẽ là nơi dẫn nguồn nước ô nhiễm từ mặt đất xuống, phá hại mạch nước bên dưới.
Thậm chí tại một số khu quy hoạch, người dân còn vô tư khoan giếng dù chẳng có nhu cầu, chỉ để chờ... được đền bù. Hàng loạt các nhà thầu tư nhân sẵn sàng khoan giếng hàng trăm mét theo yêu cầu và túi tiền của người dân, mà chẳng cần quan tâm nguồn nước thế nào, khả năng được khai thác đến đâu...
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện ở ĐBSCL có hàng chục ngàn giếng khai thác nước ngầm với quy mô, chiều sâu khác nhau.
Hầu hết các thành phố, thị xã... khai thác nước ở các tầng chứa ở độ sâu từ 100-300 mét để cấp nước, thậm chí có một số đô thị ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sử dụng 100% nước ngầm. Còn tại Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang... người dân khai thác nước ở độ sâu từ 90-120 mét để... nuôi trồng thủy sản, trong đó riêng Bến Tre đã có khoảng 1.070 giếng! Ước tính, tổng lượng nước ngầm khai thác toàn vùng trên dưới 1 triệu mét khối/ngày.
“Người dân lại đang có khuynh hướng chuyển sang dùng nước ngầm nhiều, khi mà nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm”, Tiến sĩ Võ Thành Danh, Phó khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ), người vừa có đề tài nghiên cứu khoa học về nước ngầm ở ĐBSCL nhận xét.
Trong khi đó, chính Bộ Tài nguyên - Môi trường thừa nhận, hiện việc nghiên cứu, đánh giá trữ lượng các tầng chứa nước - đặc biệt là các tầng sâu bên dưới, còn rất hạn chế. Tài liệu, số liệu điều tra không đồng bộ, thiếu... chính xác. Chính vì thế, số liệu về lượng nước có thể khai thác tối đa hàng ngày, hàng năm là bao nhiêu để không ảnh hưởng nguồn tài nguyên, là điều chưa ai trả lời được.
Điều đáng lo, theo ông Danh, “nhiều người vẫn đang khai thác và sử dụng nước ngầm với suy nghĩ rằng đấy là tài nguyên không bao giờ cạn!”.
Nguồn nước “teo” dần
Ông Danh cho biết, các tầng nước ngầm được hình thành theo thời gian, gắn với lịch sử sa bồi và định hình vùng đất ĐBSCL. Nhưng nếu không có giải pháp tốt để quản lý việc khai thác, thì không lâu nữa nhiều túi nước sẽ không thể sử dụng được và phải mất hàng trăm năm mới hồi phục được. Bởi thực tế lượng nước ngầm có thể tự tái tạo, bổ sung bằng nước mưa, nước sông... nhưng chất lượng nước thì khó “hồi phục”.
Ông dẫn chứng, nhiều vùng tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), cách đây khoảng năm năm người dân vẫn có thể sử dụng được nước ngầm, nhưng nay đành phải vận chuyển nước từ nơi khác về do nước ngầm bị nhiễm mặn. Còn tại Cà Mau, vào mùa khô thì tầng chứa nước đã “tụt” xuống 5-7 mét. “Càng khai thác, các túi nước càng cạn, khô và nếu một túi nước bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn thì sẽ “lây” sang nhiều túi khác và người dân không thể sử dụng”, ông Danh cho biết thêm.
Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng thừa nhận, mực nước ngầm ở các khu vực khai thác lớn như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... đang có xu hướng tụt giảm liên tục và đã bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn, nhiễm phèn cục bộ. Đáng lo hơn là chuyện nước ngầm bị nhiễm asen cũng đã được phát hiện tại Đồng Tháp, Long An...
Tại Bến Tre, theo các cơ quan chức năng, chất lượng nước ngầm ở vùng giồng cát thay đổi theo mùa và tùy thuộc vào độ sâu của giếng. Nhưng nhiều nơi, nước giếng đã bị nhiễm mặn do khai thác quá mức cho phép. Có nơi nước bị nhiễm bẩn do làm muối, nuôi tôm, chăn nuôi súc vật, thải ra nhiều chất hữu cơ.
Sụt lở đất do khai thác bừa bãi nước ngầm cũng là điều mà ông Danh lo ngại: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, có vùng đất ở Brazil đã bị sụt 5-6 mét do ảnh hưởng từ việc khai thác nước ngầm”. Còn tại Việt Nam, mới đây, tại thị trấn Quốc Oai (Hà Nội), chính quyền đã phải di dời khẩn cấp 20 hộ dân do đất bị sụt lún từ việc khoan giếng khai thác nước ngầm.
Trong khi đó, theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch khai thác, bảo vệ nước ngầm và cũng chưa nắm được thực trạng ô nhiễm, cạn kiệt đến mức nào.
HỒ HÙNG