Nước rửa tay sát khuẩn - nhiều 'tay đua' gia nhập thị trường
Thanh Phong
(TBKTSG Online) – Trong vòng 2 tháng qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, thị trường nước rửa tay khô sát khuẩn cũng trở nên sôi động bởi nhu cầu tiêu thụ tăng vọt trong mục tiêu vệ sinh, giữ gìn sức khỏe và phòng ngừa sự lây lan của virus corona.
Bột giặt Lix lên tiếng về lùm xùm nhãn 'sạch khuẩn 99,9%' của On1
![]() |
Nhiều thương hiệu nước rửa tay khô đua chen trên các kệ hàng siêu thị. Ảnh: TP. |
Tại thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm đua nhau tung ra thị trường các loại nước rửa tay sát khuẩn, trong đó bao gồm cả mặt hàng nước rửa tay khô (gel rửa tay khô).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong nước rửa tay khô cần có tối thiểu 60% lượng cồn để có thể dùng như dung dịch sát khuẩn. Từ sau Tết Nguyên đán 2020, khi những động thái về phòng chống dịch Covid-19 bắt đầu được triển khai ở Việt Nam, nhiều thương hiệu mỹ phẩm nội địa đã kịp cho ra nhiều sản phẩm sát trùng với đủ loại kích cỡ, từ dạng chai to để sử dụng trong cơ quan, công sở, hộ gia đình cho đến các sản phẩm có bao bì nhỏ gọn, thuận tiện cho việc mang đi nhiều nơi.
Không kể đến các thương hiệu ngoại nhập như Bath & Body Works, The Body Shop, Hand & Nature... cuộc cạnh tranh trên thị trường nước rửa tay khô nội địa càng ngày càng nóng bỏng, khi lợi thế “lấn lướt” trên kệ hàng siêu thị của gel rửa tay khô On1 (của Bột giặt Lix) không còn nữa, bị thay thế bởi nhiều thương hiệu khác của các nhà sản xuất lớn nhỏ khác nhau.
Sản phẩm On1 Của Công ty cổ phần Bột giặt Lix được cho ra mắt từ đầu tháng 2-2020, sau khoảng thời gian khá ngắn trong công đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D), rồi sau đó đưa vào sản xuất và tung hàng ra thị trường. Có thể nói, On1 gần như “gặp thời” khi thị trường lúc đó rất hiếm hoi các thương hiệu nội địa, các thương hiệu nổi trội vẫn thuộc các công ty nước ngoài thâm nhập thị trường đã lâu, trong đó có Green Cross.
Nhiều kênh phân phối sau đó được "phủ" đầy sản phẩm của Lix, với giá bán được đại diện Lix cho rằng là "hợp lý" với thị trường, cộng với các chương trình khuyến mãi ở các kênh phân phối đã thu hút rất nhiều người dân mua về sử dụng, tích trữ hoặc làm quà.
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 3 này, bên cạnh những lùm xùm về nhãn hàng hóa và những nghi ngại của người tiêu dùng về chất lượng, On1 cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ trên các kênh phân phối.
![]() |
Nhiều sản phẩm gel rửa tay khô tại quầy siêu thị. Ảnh: Thanh Phong |
Cuộc ghi nhận thị trường của TBKTSG Online được thực hiện tại 2 thời điểm, vào đầu tháng 3 và cuối tháng 3, cho thấy cuộc chiến trên kệ hàng của siêu thị trở nên khốc liệt hơn, khi sản phẩm Lix cũng đang dần nhường chỗ cho nhiều thương hiệu khác. Rõ ràng nhiều công ty đang dần bắt nhịp với cuộc đua của thị trường, trong đó có cả những công ty nhỏ, tập đoàn lớn trong nước lẫn công ty đa quốc gia.
Có thể liệt kê một số thương hiệu nước rửa tay khô đang trở nên quen thuộc như Select (là nhãn hàng riêng của siêu thị Coopmart), Lifebuoy (của hãng Unilever), Kleen (Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn), S.P.Ca. (Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Rạng Đông S.PCA), hay Latino (Công ty cổ phần Song Hoa), Grasse (công ty ISP Việt Nam), SNK (HTP Pharma). Care+ (Công ty TNHH TM-DV-SX Mỹ phẩm Bảo Ngọc).
Tương tự, khảo sát tại một siêu thị Big C và hệ thống Vinmart, Vinmart+, thương hiệu On1 xuất hiện khá hiếm hoi, thay vào đó vẫn là những nhãn hàng khác như Kleen (Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn – cũng là đơn vị gia công cho nhãn Select của Coop). Ghi nhận tại một số cửa hàng tiện lợi cũng cho thấy thương hiệu nước rửa tay khô cũng rất đa dạng hơn rất nhiều.
Như vậy, khác với bối cảnh thị trường khan hiếm nước rửa tay vào giai đoạn Tết Nguyên đán, đến nay thị trường gần như “chật chội” với rất nhiều thương hiệu. Đáng chú ý là sản phẩm Netcare (của công ty cổ phần bột giặt Net (Masan hoàn tất thâu tóm vào dịp đầu năm 2020) chưa thấy bày bán trên các kênh phân phối hiện đại, kể cả hệ thống bán lẻ của Vincommerce (sáp nhập vào Masan vào cuối năm 2019), nhưng đã có “rao vặt” qua các trang thương mại điện tử.
![]() |
Một kệ hàng tại cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Thanh Phong |
Nước rửa tay và nước rửa tay sát khuẩn Người tiêu dùng cũng cần lưu ý đến các loại nước rửa tay chỉ có tác dụng chăm sóc da tay, nhưng không có chức năng sát khuẩn (tham khảo trong thành phần). Một số sản phẩm có ghi rõ thành phần và tỷ lệ, nhưng một số thì chỉ ghi thành phần. Sở Y tế TPCHM công bố danh sách các cơ sở sản xuất dung dịch rửa tay khô kháng khuẩn cập nhật đến ngày 25-2-2020. Tuy nhiên cũng cần lưu ý thị trường còn rất nhiều các sản phẩm nằm ngoài địa bàn TPHCM quản lý. Theo quy định hiện tại, toàn bộ nguyên liệu trong dung dịch rửa tay sát khuẩn đều phải được phép sử dụng trong thực phẩm, ngay cả cồn cũng phải sử dụng cồn thực phẩm. Các tinh chất làm mềm da tay, hương liệu tạo mùi đều phải là loại được phép sử dụng và an toàn. |