Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Nuôi biển’ nhưng đừng gây hại môi trường biển

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Gần đây, tần suất các tin trên báo về tôm hùm chết hàng loạt ở tỉnh này, vùng nuôi kia ngày một dày hơn. Tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên do môi trường không đảm bảo, trước đó thì Tôm hùm bông chết hàng loạt ở Khánh Hòa..., và rất nhiều tin tức khác về tôm hùm đắt giá chết vì đủ thứ nguyên nhân.

Nuôi tôm hùm lồng bè và nhiều hình thức nuôi thủy sản trên biển khác được ngành nông nghiệp gọi chung là “nuôi biển” và có hẳn Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam được thành lập vào năm 2016.

Năm ngoái, số liệu trong một cuộc họp của ngành nông nghiệp cho thấy tiềm năng nuôi biển của Việt Nam lên tới 1 triệu km2. Thủ tướng có quyết định đặt mục tiêu nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn và thực tế con số này đã đạt được trong năm ngoái.

Theo số liệu thống kê đầu năm ngoái, cả nước có 7.500 cơ sở với 250.000 lồng/bè, còn diện tích nuôi biển đã vượt 250.000 héc ta với sản lượng chừng 800.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể đạt 57.000 héc ta, sản lượng 480.000 tấn/năm. Diện tích nuôi cá biển khoảng 11.000 héc ta và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn/năm. Thể tích lồng nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500-3.000 tấn.

Phú Yên và Khánh Hòa là hai địa phương nuôi tôm hùm bằng lồng chủ lực của Việt Nam khi mà du khách đến đảo Bình Ba, vịnh Vân Phong của Khánh Hòa; hay vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đào, đầm Cù Mông của Phú Yên sẽ thấy rất rõ. Phú Yên là thủ phủ nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung với gần 87.600 lồng nuôi, sản lượng 2.000 tấn/năm.

Cũng ở hai tỉnh này, năm nào cũng có tôm hùm chết không ít thì nhiều dù không có dịch bệnh. Thường thì tôm hùm chết mà không tìm ra virus, vi khuẩn lây lan bệnh thì đa phần là từ hàm lượng oxy hòa tan trong nước quá thấp, khiến tôm chết ngạt.

Hàm lượng oxy hòa tan quá thấp là lý do mà vào tháng 5 này, tôm hùm nuôi trong hơn 1.600 lồng ở thị xã Sông Cầu bị chết, gây thiệt hại trên 38 tỉ đồng; sau đó cơ quan nghiên cứu thủy sản khuyến cáo là trong quá trình nuôi phải thường xuyên thu gom tôm, cá chết ngoài tự nhiên, thức ăn dư thừa đưa lên khỏi thủy vực vùng nuôi. Nói cách khác, chất thải trong quá trình nuôi, cùng với rác thải có thể làm hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp; mặt khác, mật độ thả nuôi dày trong một lồng và nuôi quá nhiều lồng trong một khu vực cũng làm giảm hàm lượng oxy trong nước.

Những ai đến vịnh biển Vũng Rô check-in chụp ảnh đều công nhận vịnh biển dưới chân núi Đá Bia ở Phú Yên rất đẹp và lồng bè nuôi tôm cá trên vịnh cứ như những điểm nhấn sắc màu trong "bức tranh biển". Nhưng đó là nhìn từ xa, còn du khách bước chân xuống các lồng bè, nhất là lồng bè có dịch vụ nhà hàng bên trên sẽ cảm nhận được nước ô nhiễm, rác thải sinh hoạt trôi vật vờ, túi nylon, mảnh thùng xốp, xác tôm cá… thật "khủng khiếp". Việc không xảy ra tôm chết ở đây thì người viết cho là do may mắn, còn chuyện tôm chết hàng loạt hay rải rác năm nào cũng có sẽ là chuyện thường xuyên.

Vài năm qua, báo chí liên tục cảnh báo qua những tin/bài như là “Rác thải nhựa bủa vây vùng nuôi tôm hùm trọng điểm”, “Đảo tôm hùm Bình Ba ngập trong biển rác”, “Rác thải từ tôm hùm – ác mộng với môi trường biển”, “Rác thải từ lồng nuôi tôm tàn phá bãi biển Cam Ranh”… Các địa phương, qua báo chí cho biết, dường như đã quá tải với rác sinh hoạt của dân cư ven biển, dân cư trên các đảo; còn rác thải đại dương theo gió mùa trôi đến và rác thải từ chính những người nuôi tôm cá lồng bè thì đa số các địa phương chỉ khuyến cáo, tuyên truyền.

Năm ngoái, một vịnh biển nổi tiếng của Việt Nam và của thế giới đã bị một tổ chức nước ngoài đánh giá là quá nhiều rác thải. Thông tin này ảnh hưởng xấu đến thu hút du khách nước ngoài. Một doanh nghiệp kinh doanh du lịch tàu biển trên vịnh nói với người viết là có nhiều lý do, nào là rác thải đại dương theo gió mùa nơi khác trôi tới, cư dân trên bờ thiếu ý thức thải xuống… Nhưng, quan trọng nhất vẫn là nuôi thủy sản lồng bè trên vịnh, người nuôi thải túi nylon, rác thải sinh hoạt và nhất là các mảnh xốp làm phao, sau khi dọn dẹp vệ sinh lồng bè mỗi vụ nuôi, người nuôi thả phao xốp trôi trên biển... Vậy nên, chính quyền địa phương này trong hơn hai năm qua đã vận động người dân nuôi lồng bè thay 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường.

Mục tiêu của nuôi biển Việt Nam là tới năm 2030 chiếm 25% sản lượng thủy sản của ngành thủy sản và kim ngạch xuất khẩu từ nuôi biển có thể lên 2 tỉ đô la. Không chỉ nuôi biển gần bờ trong các đầm vịnh như hiện nay mà ước mơ tiến ra nuôi biển xa bờ 30.000 héc ta và 3,5 triệu m3 lồng bè.

Nhưng, quan trọng nhất của nuôi biển hiện nay là đừng để người nuôi gặp quá nhiều rủi ro và không khéo còn làm hại môi trường biển, trước khi nuôi biển xa bờ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Biển nuôi người. Người không nuôi biển. Mà phải chung sống hiền hòa với biển. Không riêng gì biển đâu. Những dòng sông cũng đang trải qua câu chuyện đau lòng này. Chỗ nào nuôi trồng, cũng hầu như bị ô nhiễm ít hoặc nhiều, có nơi vô cùng nghiêm trọng. Nhiều dòng sông vô cùng thân thương đã và đang oằn mình, dần dần bị bức tử. Thông tin về công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, 230 km chảy quả 4 dòng sông hùng vĩ, đang dần chết tức tưởi, là minh chứng cụ thể. Đây là hồi chuông báo động bi thương và khẩn cấp. Nếu không hành động kỷ cương và kỷ trị, không chỉ sông, mà biển rồi cũng sẽ bỏ ta mà đi…

  2. Thủ tướng nên trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường/ Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở TNMT nơi có sông/ biển bị ô nhiễm, phải ra tay xử lý tình trạng này sớm. Có phương án và thời hạn hoàn thành cụ thể. Không giải quyết rốt ráo câu chuyện này thì cũng có nghĩa là chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… sẽ mãi chỉ nằm trên giấy, hoặc nói cho hay mà thôi ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới