Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nuôi cá hô: chưa nên vội!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nuôi cá hô: chưa nên vội!

Cá hô có giá trị kinh tế khá cao nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định nuôi đại trà. Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG) – Thông tin về việc một số hộ ở An Giang nuôi được cá hô, loại cá quý hiếm được Ủy ban Sông Mekong đưa vào Sách Đỏ, đang khiến nhiều người háo hức tìm mua giống cá này. Nhưng liệu có quá sớm để thúc đẩy việc nuôi cá hô trở thành phong trào?

Theo Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, nơi đã thành công trong việc nhân giống cá hô, hiện người dân các tỉnh phía Nam đặt mua rất nhiều giống cá này. Tuy vậy, cung không đủ cầu do trung tâm chỉ có thể đáp ứng khoảng 0,2 triệu con giống/năm.

Cá hô là loại quý hiếm, thuộc họ cá chép nhưng trọng lượng cá sống ngoài thiên nhiên có thể lên tới 300 ki lô gam. Thịt cá ngọt, dai, có thể chế biến thành nhiều món ăn rất hấp dẫn.

Những năm trước, một số ngư dân ở Vàm Nao (An Giang) thỉnh thoảng vẫn bắt được những chú cá hô nặng trên 100 ki lô gam, được các nhà hàng mua với giá hơn 150.000 đồng/ki lô gam. Tuy nhiên, hiện nay cá hô ngoài tự nhiên còn rất ít và hơn một năm qua chưa có ngư dân nào ở ĐBSCL bắt được con cá nào nặng hơn 100 ki lô gam.

Theo ông Châu Minh Chinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông ngư quốc tế (IFACO), người tiên phong đưa con cá hô về nuôi trong ao, bè ở An Giang, ông rất sợ chuyện nuôi cá hô sẽ thành phong trào. “Chúng tôi thả nuôi, nhưng cũng chưa tính đến hiệu quả kinh tế cụ thể ra sao”, ông nói.

Từ đợt thả 5.000 con cá giống đầu tiên tại An Giang vào ngày 15-10-2008, tính đến nay IFACO đã cung cấp 20.000 con cá giống cho năm hộ nuôi.

Ông Lê Thành Nam ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, là người nuôi nhiều nhất với 10.000 con. Sau khoảng năm tháng, có con đã đạt trọng lượng hơn 1 ki lô gam. “Nhưng phải sau ba năm, khi trọng lượng cá đạt hơn 10 ki lô gam thì mới có thể xuất ao bán”, ông Chinh cho biết.

Theo ông Chinh, với thời gian nuôi khá dài như vậy thì cá hô khó có thể so sánh về hiệu quả với những loại thủy sản nuôi khác. Đồng thời, người nuôi cũng phải tự lo đầu ra bởi đến nay chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề thu mua.

Ông Thái Văn Hưởng, ở phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, cũng cho rằng 1.000 con cá mà ông đang nuôi chưa biết sẽ tiêu thụ ở đâu. “Sẵn ao đang nuôi cá điêu hồng… nên thử thả nuôi ghép luôn cá hô, thấy cá cũng dễ nuôi nên cứ để vậy”, ông nói. Còn như ông Nam, do đang nuôi 12 héc ta cá tra, nhưng còn trống một ao diện tích 1 héc ta dành để thả cá tra quá lứa, nên cũng thử thả cá hô nuôi ghép khi đã có mối quen biết, có thể tiêu thụ ở một số nhà hàng tại TPHCM…

Như vậy, tính ra nếu nuôi cá hô, người nuôi phải chấp nhận khoản đầu tư không nhỏ là 10.000-15.000 đồng/con giống, mật độ thả nuôi lại thấp (khuyến cáo dành đến 5 mét vuông/con), thời gian nuôi quá dài và đầu ra chưa ổn định. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, theo ông Chinh, là hiện nay tài liệu kỹ thuật, thông tin chuyên môn về con cá hô còn rất hạn chế, do đó chính người nuôi phải tự mày mò. Ngay cả chất lượng cá hô nuôi có tương tự như cá tự nhiên hay không cũng không ai biết.

Ông Chinh cho biết, do nhiều người nuôi cá tra ở An Giang đang nản lòng vì giá cá tra bấp bênh nên quyết định đưa cá hô về nuôi thử. “Vấn đề trước mắt mà chúng tôi và các hộ nuôi tiên phong tính đến là bảo tồn, giữ nguồn giống loài cá quý hiếm này”, ông nói. Trong khi đó, gần đây nhiều nông dân ở Hậu Giang, Sóc Trăng… lại hăm hở tìm đến IFACO ngỏ ý mua cá giống, tính chuyện kinh tế.

Thực tế cho thấy cá hô có thể sống trong ao có độ sâu khoảng 4 mét, sức đề kháng rất tốt, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi thử hầu như không đáng kể. Mặt khác, giống cá này cũng dễ nuôi, có thể tự tìm thức ăn từ nguồn phiêu sinh trong ao, bè và ăn cả thức ăn hỗn hợp dành cho cá tra. Do đó việc đầu tư nghiên cứu thêm về con cá này có lẽ cũng là điều cần thiết.

Liệu con cá hô có thể trở thành loài thủy sản nuôi ghép với các loại cá khác? “Vấn đề hiện nay là các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, hoàn chỉnh những vấn đề về kỹ thuật như hệ số chuyển hóa thức ăn, đầu ra…”, ông Chinh nói.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới