Nuôi cá kèo tại ĐBSCL tăng mạnh
Các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã đưa 800 héc ta mặt nước vào nuôi cá kèo, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Trong đó, tỉnh Sóc Trăng có 400 ha cá kèo tập trung tại các huyện tuyến biển: Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên; tỉnh Bạc Liêu có gần 300 ha tập trung tại huyện Đông Hải, đây là hai địa phương có diện tích cá kèo lớn nhất khu vực duyên hải ĐBSCL.
Ngoài tiêu thụ nội địa dưới dạng tươi sống và làm khô, cá kèo thời gian qua còn là nguồn thủy sản mới có giá trị chế biến xuất khẩu cao. Hiện nay, có hai hình thức nuôi cá kèo tùy theo đặc điểm địa hình, thủy văn, vốn liếng và trình độ nuôi của người dân. Đó là nuôi kiểu thâm canh với mật độ thả dày, quản lý chăm sóc tốt, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp và nuôi kiểu quảng canh với mật độ thả thưa.
Vùng duyên hải tỉnh Sóc Trăng gồm các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung thường nuôi cá kèo dưới dạng thâm canh có thể cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/héc ta, không thua gì nghề nuôi tôm sú. Trong khi đó, các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu phổ biến hình thức nuôi quảng canh. Đáng chú ý nuôi cá kèo luân vụ trên ao tôm sú hoặc trong ruộng muối đang được nhân dân các địa phương trên áp dụng rộng rãi nhờ hiệu quả cao, ít rủi ro lại tạo được mô hình thủy sản bền vững có lợi cho môi trường và đời sống.
Tại vùng sản xuất muối nổi tiếng Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu sau khi thu hoạch vụ muối xong, mưa nhiều, độ mặn giảm nông dân lại thả thêm một vụ cá kèo sau 4 đến 5 tháng nuôi đạt năng suất 150 đến 200 kg/héc ta, lãi thêm 15 triệu đồng/héc ta. Tại Gò Công Đông (Tiền Giang) có ông Nguyễn Văn Chà sau khi thu hoạch tôm sú xong thả tiếp vụ cá kèo trên 1,5 héc ta ao nuôi thu 6 tấn cá thương phẩm lãi 100 triệu đồng. Ông Chà hiện là nông dân nuôi thủy sản giỏi tiêu biểu trên vùng đất mặn Gò Công.
Mặc dù việc nuôi cá kèo thuận lợi nhiều mặt nhưng hạn chế là nguồn con giống lệ thuộc vào khai thác tự nhiên nên chưa thể tăng nhanh diện tích trong tương lai gần.
Theo TTXVN