Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Nuôi’ nguồn hàng chất lượng để thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư lớn, cần gia tăng số lượng hàng hóa có chất lượng tốt trên thị trường qua việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân lên sàn.

Hệ luỵ từ tình trạng “khan hiếm” hàng hoá

Trái ngược với sự tăng trưởng về dòng vốn và số lượng nhà đầu tư tham gia TTCK, số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới có xu hướng chững lại những năm gần đây. Số liệu của UBCKNN cho thấy số lượng chứng khoán niêm yết trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM là 1.603 tính tới cuối tháng 6-2024 - giảm nhẹ so với mức 1.655 và 1.641 tại thời điểm cuối năm 2020 và 2021.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới sụt giảm, thị trường diễn biến không thuận lợi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chậm cũng khiến số lượng doanh nghiệp có quy mô vốn hoá trên 1 tỉ đô la Mỹ mới dừng ở con số 42.

Việc thiếu hàng hoá mới khiến nhà đầu tư bị hạn chế lựa chọn bỏ vốn. Ảnh: Lê Vũ

Tại một hội thảo mới đây, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBCKNN cho biết, số lượng doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỉ đô là “không hề ít”, nếu so sánh với các thị trường trong khu vực. Nhưng qua trao đổi thực tế, có những doanh nghiệp lớn chia sẻ rằng, họ đang chờ đợi thị trường chứng khoán nâng hạng mới niêm yết.

Thực tế, việc thiếu vắng cổ phiếu vốn hoá lớn niêm yết mới khiến TTCK rơi vào tình trạng nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ chiếm tỷ trọng áp đảo trong nhiều năm. Điển hình là nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hiện chiếm khoảng 40% vốn hoá sàn HOSE, theo sau là bất động sản, hàng hoá cơ bản.

Với riêng nhóm VN30, có 13 cổ phiếu ngân hàng, 3 cổ phiếu bất động sản (VHM, VRE, BCM), 2 cổ phiếu hàng hóa (HPG, GAS) và 2 cổ phiếu tài chính (BVH, SSI). Đây là những cổ phiếu có tính chu kỳ, lợi nhuận thường biến động mạnh theo “hình sin” và phụ thuộc vào các giai đoạn của nền kinh tế.

Việc ngành bất động sản và ngân hàng chiếm hơn 40% tổng quy mô vốn hóa trên sàn, theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán Yuanta, đã đặt thị trường vào tình trạng rủi ro cao trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Vị này cho rằng sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam đòi hỏi sự đa dạng hóa ngành nghề, vượt lên trên sự phụ thuộc vào hai ngành truyền thống là bất động sản và ngân hàng.

“Để đạt được sự ổn định lâu dài và thu hút đầu tư bền vững, thị trường cần mở rộng sang các lĩnh vực mới như viễn thông và công nghệ, vốn được coi là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế thịnh vượng và ít rủi ro hơn”, ông Minh nói.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm phân tích, Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI) lo ngại, tình trạng chỉ một nhóm nhỏ doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn sẽ dẫn đến tình trạng tập trung thị trường. Điều này khiến các doanh nghiệp lớn có thể có nhiều ảnh hưởng hơn, tác động không tốt đến cạnh tranh và cản trở sự đổi mới.

Với nhà đầu tư, vị này lo ngại số lượng niêm yết mới suy giảm đồng nghĩa với việc có ít cổ phiếu được giao dịch hơn, phạm vi lựa chọn để phân bổ vốn cũng hẹp hơn. Điều này không chỉ hạn chế lựa chọn bỏ vốn của nhà đầu tư, mà còn tác động đến tính thanh khoản, tức khó mua hoặc bán cổ phiếu nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến giá cả.

Với bản thân doanh nghiệp, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học kinh tế TPHCM cho rằng, việc người chủ/ban lãnh đạo doanh nghiệp không niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, dù đã đủ điều kiện, giúp họ điều hành hoạt động theo ý chí của mình. Về mặt doanh nghiệp cũng không phải bị ràng buộc bởi các quy định về công bố thông tin. Đây là yếu tố có thể gây ra những rủi ro cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực cần giữ bí mật kinh doanh, hoặc hạn chế công bố thông tin như ngành công nghệ.

Ngược lại, doanh nghiệp khó có thể vươn tầm trở thành các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả và minh bạch nếu không niêm yết trên sàn. Điều này dẫn tới hệ luỵ là khó thu hút được nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt từ nhà đầu tư lớn, để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Thậm chí, doanh nghiệp sẽ khó vươn ra các thị trường lớn trên thế giới, nơi đòi hỏi mọi hoạt động kinh doanh - quản trị phải thật sự chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tìm nguồn cung hàng hóa từ đâu?

Thực tế, có nhiều tiêu chí để đánh giá chất lượng hàng hoá. Nhưng lãnh đạo UBCKNN cho rằng, yếu tố chất lượng hàng hóa thể hiện nhiều nhất ở chỉ tiêu tình hình tài chính, quản trị công ty, cũng như hoạt động công bố thông tin. Do đó, không nhất thiết phải là doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng là những nguồn cung hàng hóa tiềm năng cho thị trường.

Nâng cao chất lượng hàng hoá sẽ là mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn tới. Ảnh: LÊ VŨ

Để khuyến khích DNNVV niêm yết, ông Trần Anh Tuấn cho rằng cần giải quyết yếu tố chi phí tuân thủ và các yêu cầu pháp lý liên quan đến việc niêm yết.

“Chính phủ và các cơ quan liên quan có thể cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc các chương trình khuyến khích đặc biệt để giảm bớt gánh nặng cho các DNNVV khi niêm yết”, ông Tuấn đề xuất.

Cũng theo vị này, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện quy trình đăng ký và tư vấn về quản lý và tài chính để chuẩn bị cho việc niêm yết. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường chứng khoán một cách dễ dàng, hiệu quả và minh bạch.

Thực tế, trở ngại lớn nhất với DNNVV là sự minh bạch về tài chính và thông tin. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp tư vấn, chuẩn hóa yếu tố này ngay từ đầu và tối ưu từng điểm, cho đến ngày niêm yết thành công trên sàn. Quá trình này thường kéo dài 3-5 năm hoặc dài hơn.

Ngoài ra, các tài sản mềm như: thương hiệu, tầm nhìn sứ mệnh, giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp, quy trình, quy chế là những nền tảng cần được chuẩn bị.

Bổ sung, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng có thể phát triển thị trường UPCoM thành một ‘sân chơi’ để các DNNVV rèn luyện, trưởng thành. Thị trường này cũng sẽ trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho các DNNVV và san sẻ áp lực với kênh ngân hàng.

Theo ông Huân, khi thị trường đủ sức hấp dẫn thì các doanh nghiệp sẽ không ngần ngại để tham gia nhằm tìm kiếm lợi ích. Vì vậy, cần tái cấu trúc toàn bộ TTCK theo hướng minh bạch, thủ tục đơn giản, tinh gọn, và giảm bớt các chi phí phát hành, niêm yết, cũng như ứng dụng công nghệ để quy trình niêm yết trở nên tinh gọn và dễ dàng hơn.

Hiện UBCKNN và các cơ quan quản lý đã tìm kiếm giải pháp để rút ngắn thời gian từ IPO đến niêm yết/đăng ký giao dịch qua việc rà soát, sửa đổi quy định tại Nghị định 155/2020 về chào bán IPO, niêm yết, đăng ký giao dịch.

“Doanh nghiệp muốn thu hút nhà đầu tư tham gia vào IPO gặp khó khăn vì thời gian có cổ phiếu trên thị trường không kéo dài. Do đó, UBCKNN đã đưa ra các giải pháp để tích hợp IPO và niêm yết, nhằm giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn”, ông Bùi Hoàng Hải nói và cho biết UBCKNN đã có giải pháp ban đầu, thời gian tới sẽ đưa vào các dự thảo thông tư và nghị định.

Bên cạnh nhóm DNNVV, ông Trần Anh Tuấn cho rằng có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI lên sàn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp từng “đánh tiếng” việc niêm yết tại TTCK Việt Nam như: Seoul Metal Việt Nam, Ngũ Kim Fortress Việt Nam (cuối năm 2017), Tập đoàn CT&D (năm 2020), Tập đoàn AEON (năm 2021), CP Việt Nam (năm 2022).

“Việc giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI vẫn cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tránh những rủi ro cho nhà đầu tư nhưng cũng nên tạo một hành lang pháp lý để tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp FDI niêm yết, giúp đa dạng hóa thị trường và thu hút thêm dòng vốn FDI”, ông Tuấn cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới