Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nuôi tôm công nghệ cao: Để doanh nghiệp, nông dân sống được với ‘bền vững’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nuôi tôm công nghệ cao được xem là “chìa khoá” giúp ngành hàng này bứt phá, tạo lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và người nông dân, nhưng thực tế chưa như kỳ vọng. Vậy, đâu mới là “bài toán” giúp người nuôi, doanh nghiệp ngành tôm có được lợi nhuận cao với ngành hàng này?

Tôm công nghệ cao là bài toán bền vững cho ngành tôm. Ảnh: Trung Chánh

Lời giải có phải là… “tôm công nghệ cao”?

Nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng công nghệ cao hay nuôi tôm công nghệ cao được nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xác định là hướng đi để hiện thực hoá mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp và người nông dân.

Tại hội thảo "Nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả" được tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu mới đây, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, với 56 km bờ biển cùng với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng nên địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản.

Theo ông, sau khi Chính phủ cho phép xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, địa phương cũng đã phê duyệt và tổ chức thực hiện từ năm 2020. “Đến nay, đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, khẳng định việc xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài”, ông cho biết và nhấn mạnh, đây không là động lực phát triển kinh tế của địa phương, mà còn góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Ông Lâm Tỷ, đến từ Chi cục thuỷ sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2015 đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, về diện tích nuôi, nếu năm 2015 chỉ có 76 héc ta, thì đến 2022 có 4.607 hé ta và 6 tháng đầu năm nay là 3.478 héc ta.

Còn về sản lượng, nếu năm 2015 đạt 1.570 tấn, thì đến 2022 đạt 77.119 tấn và dự kiến cả năm 2023 sản lượng tôm siêu thâm canh của tỉnh Bạc Liêu là 83.000 tấn.

Trong khi đó, số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia vào mô hình này cũng tăng mạnh thời gian qua, mà cụ thể, nếu như năm 2015 chỉ có một tổ chức và một hộ gia đình tham gia, thì đến 2022, có 25 tổ chức và 818 hộ tham gia.

Tuy nhiên, theo ông Tỷ, năng suất của mô hình nêu trên lại có xu hướng sụt giảm dần qua các năm, cụ thể nếu như năm 2015 đạt năng suất bình quân 20,66 tấn/héc ta, thì đến năm 2022 còn 17,47 tấn/héc ta và 6 tháng đầu năm nay là 16,28 tấn/héc ta. “Điều này chứng tỏ thời gian qua có xu thế hơi khó khăn”, ông nói.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú- đơn vị được mệnh danh là “vua tôm”  của Việt Nam cho biết, Minh Phú đã quay lại điểm xuất phát sau một thời gian tham gia mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Theo đó, năm 2006, Minh Phú bắt đầu nuôi tôm sú với mô hình nuôi thưa 30 con/m2 cho kết quả rất thành công. Sau đó, đơn vị này chuyển sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ thả nuôi 50-70 con/m2 cũng khá thành công. “Tiếp theo, chúng tôi gia tăng mật độ thả nuôi lên 100-120 con/m2, thì cũng có lãi nhưng ít”, ông cho biết và thông tin, khi Minh Phú chuyển sang nuôi siêu thâm canh công nghệ cao thì kết quả thua lỗ.

Chính vì lẽ đó, khi rà soát lại, “vua tôm” Minh Phú đã quyết định quay trở lại với hình thức nuôi ban đầu. “Bây giờ Minh Phú chuyển về, tức đi một vòng rồi bây giờ mình trở về ban đầu, thì có hiệu quả nhất, có lợi nhuận tốt nhất”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Quang, dù quay lại điểm xuất phát ban đầu, nhưng hiện nay đã có sự phát triển cao hơn. “Chẳng hạn, với tôm giống, ngày xưa chỉ có 1 loại, nhưng hiện có nhiều loại, bao gồm tôm siêu lớn nhanh; tôm lớn nhanh; tôm tiêu chuẩn và cân bằng, tức có khả năng chống chịu môi trường”, ông dẫn chứng và cho rằng, tuỳ điều kiện ao nuôi, có sự lựa chọn phù hợp, thì nuôi mới có hiệu quả.

"Kéo" giá đầu vào xuống bằng nâng tỷ lệ nuôi thành công

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thuỷ sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mấu chốt quan trọng nhất của ngành tôm hiện nay là giá thành quá cáo, đặc biệt là thức ăn. “Tôi trao đổi nhiều với các doanh nghiệp (doanh nghiệp sản xuất thức ăn- PV), thì được biết họ cũng phải chật vật giữ chân khách hàng, chứ không sung sướng gì”, ông cho biết và đặt câu hỏi “vậy ai là người hưởng lợi trong khâu này?”

Ông Quang của Minh Phú cho rằng, việc đổ lỗi giá thức ăn cao là chưa đúng, bởi lẽ đơn vị này đang mua thức ăn tôm từ nhà máy với giá chỉ 26.500 đồng/kg. “Tuy nhiên, để có được mức giá này, chúng tôi phải có bảo lãnh của ngân hàng, có cam kết là phải trả được tiền”, ông cho biết.

Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là tại sao bà con nông dân nuôi tôm phải mua thức ăn cho tôm với giá lên đến 30.000-40.000 đồng/kg?

Theo ông Quang, do việc nuôi tôm của nông dân chịu rủi ro rất lớn, trong khi thiếu đảm bảo sẽ trả được tiền, cho nên, họ phải mua qua đại lý cấp 1, 2 và 3 khiến giá tăng cao. “Họ dự phòng cái khả năng có lấy được tiền bán hàng hay không nên giá mới bị đẩy lên 30.000-40.000 đồng/kg”, ông giải thích.

“Vua tôm” Minh Phú dẫn chứng, ông có một người bạn mở đại lý thức ăn với số vốn 30 tỉ đồng, nhưng sau 3 năm kinh doanh không chỉ mất sạch vốn, mà còn bán luôn nhà cửa vì nông dân nuôi tôm thua lỗ không có khả năng trả nợ.

Theo ông Quang, đối với trường hợp của Minh Phú, hiện đơn vị này đang tiếp cận giá thức ăn cạnh tranh hơn cả mức giá mà các đơn vị của Ecuador và Ấn Độ tiếp cận. Chẳng hạn, thức ăn 34 độ đạm, các doanh nghiệp Ecuador và Ấn Độ đang tiếp cận là 1,2 đô la Mỹ/kg. “Vậy, giá Việt Nam cao hay thấp?”, ông đặt câu hỏi.

Từ thực trạng nêu trên, ông Quang cho rằng, nếu nuôi tôm thành công, có lời, thì doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp thức ăn với giá thấp, trong khi ngân hàng cũng sẵn sàng “cầm tiền” cho doanh nghiệp, người nông dân vay. “Vấn đề là chúng ta có trả được không, có cam kết trả đúng không”, ông Quang một lần nữa nhấn mạnh.

Theo ông, để giải quyết câu chuyện giá thành, bài toán của ngành tôm là phải nâng cao tỷ lệ nuôi thành công. “Khi chúng ta nuôi thành công, có lợi nhuận, thì không phải lo gì hết, tất cả sẽ đến phục vụ, chúng ta chỉ cần ngồi “rung đùi” thôi cũng hưởng được những dịch vụ tốt nhất với giá cạnh tranh nhất”, ông Quang nói.

Vậy làm sao để nuôi tôm thành công?

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến việc nuôi tôm không thành công, đó là thiếu sự chuẩn bị trong quá trình nuôi ban đầu của người nông dân. “Ví dụ, phải tính tỷ lệ ao lắng, ao chứa nước, ao sẵn sàng và ao nuôi sao cho phù hợp nhất”, ông dẫn chứng và cho rằng, thông thường diện ao nuôi chỉ chiếm khoảng 20-30% trong tổng diện tích các ao là đạt chuẩn, nhưng nông dân thường mở rộng lên 40-50%, khiến quá trình vận hành nước không đủ cung cấp dẫn đến thất bại.

Một lý do khác, theo ông, đó là thiếu nhận sự thường trực phụ trách ao nuôi để quản lý về mặt kỹ thuật, trong khi con tôm lại diễn biến hàng ngày, hàng giờ. “Phải có người trực tiếp trong ao nuôi mới được, chứ 2 -3 ngày mới kiểm tra một lần, thì sẽ trở tay không kịp”, ông nói.

Còn về nguồn nước đầu vào, ông Nhiệm cho rằng, đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, có quyết định đến thành công của ao nuôi nên cần phải “nuôi nước” kỹ lưỡng. “Đó là một trong những yếu tố quyết định đến thành công và thất bại của ao nuôi hiện nay”, ông nhấn mạnh.

Rõ ràng, khi tỷ lệ nuôi thành công được nâng lên đồng nghĩa doanh nghiệp và người nông dân sẽ có điều kiện tiếp cận được các dịch vụ với giá hợp lý hơn. Khi đó, giá thành nuôi tôm của Việt Nam sẽ được kéo giảm đáng kể hay nói cách khác sẽ tăng được lợi nhuận hơn so với hiện nay. "Nếu kéo được giá thức ăn xuống, nông dân và doanh nghiệp chỉ cần ngồi "rung đùi" cũng có được lợi nhuận 20-30%", ông Quang của Minh Phú nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới