(KTSG Online) - Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao được chia làm hai giai đoạn, trong đó, đến năm 2025 kỳ vọng có 200.000 héc ta diện tích sản xuất và đạt 1 triệu héc ta đến năm 2030. Tuy nhiên, trong năm 2025 con số sản xuất có thể không đạt như kế hoạch…
Khó hạ tầng, không dễ có 200.000 héc ta
Mục tiêu nêu trên được xây với kế hoạch ban đầu là sử dụng phần diện tích khoảng 200.000 héc ta thuộc dự án VnSAT (dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững do Ngân hàng Thế giới- WB tài trợ) được triển khai từ năm 2015 đến tháng 6-2022 ở 8 địa phương ĐBSCL, gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang. Đây là phần diện tích đã được đầu tư cơ bản về điều kiện hạ tầng, có thể áp dụng sang đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao rất thuận lợi.
Tuy nhiên, bên tài trợ vốn triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là WB không đồng ý sử dụng phần diện tích của dự án VnSAT để áp dụng sang đề án mới này. Đây được xác định là thách thức rất lớn đối với đề án 1 triệu héc ta trong mục tiêu đạt 200.000 héc ta trong năm 2025, dù kết quả thí điểm mang lại rất tốt.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, mô hình thí điểm vụ Hè thu 2024 đã giúp giảm 20-30% chi phí vật tư đầu vào; tăng 10% năng suất; tăng 20-25% thu nhập và giảm 5-6 tấn khí Co2 trên mỗi héc ta.
Để áp dụng quy trình của đề án một triệu héc ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải, một trong những yêu cầu quan trọng cần hoàn thiện là phải nâng cấp nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, như nêu ở trên, do không thể sử dụng phần diện tích của dự án VnSAT hay nói cách khác phải triển khai ở nơi mới nên cần phải đầu tư hạ tầng khá lớn, tức đề án gặp thách thức không nhỏ.
Từ vấn đề nêu trên, 12 địa phương ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) đăng ký diện tích thực hiện đề án 1 triệu héc ta để được Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) do WB quản lý chi trả giảm phát thải chỉ hơn 28.000 héc ta.
Tuy nhiên, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề xuất con số triển khai ở mức 20.000 héc ta, thấp hơn 8.000 héc ta so với con số địa phương đăng ký và vẫn còn thấp hơn khá xa so với kế hoạch ban đầu là đạt 200.000 héc ta trong năm 2025.
Lý do Cục Trồng trọt đề xuất giảm vì diện tích đăng ký tham gia đòi hỏi phải có sự sẵn sàng áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ (AWD- Alternate Wetting and Drying irregation) nhằm giảm phát thải, tức cơ sở hạ tầng phải sẵn sàng.
Với những khó khăn như nêu trên, để hiện thực hoá mục tiêu đạt 200.000 héc ta trong năm 2025 của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là rất khó khăn.
Chậm nhưng chắc
Tại hội nghị triển khai mở rộng đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi có kết quả triển khai thí điểm 50 héc ta, toàn bộ diện tích hơn 600 héc ta ở khu vực thí điểm được nông dân… xin vào.
Tuy nhiên, ông Toàn cho biết, cần phải hoàn thiện hạ tầng để áp dụng quy trình nên địa phương không nóng vội, mà triển khai từ từ với phương châm “chậm nhưng chắc”.
Theo giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, khoảng hai tháng qua, đơn vị này tiếp rất nhiều đối tác nước ngoài, ít nhất hai đoàn mỗi tuần đến tìm hiểu triển khai sản xuất. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa ký kết với bên nào hết, mà tiếp tục sản xuất giảm chi phí theo đúng yêu cầu đặt ra, tức phải nâng cao được hiệu quả kinh tế trước. Do đó, không vội liên kết với đơn vị nào", ông giải thích.
Kiên Giang đặt mục đạt 100.000 héc ta sản xuất theo đề án trong năm 2025, nhưng trước mắt chọn nơi tối ưu để thực hiện và nhân rộng. “Chúng tôi làm từng bước đến khi đạt độ vững chắc, chứ không phải chọn một điểm nào đó làm rồi rút đi mất luôn”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chuyển đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang hướng sản xuất lớn là điều cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, vốn đầu tư cho đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao cũng đang là thách thức cần phải vượt qua.
Theo ông, mục đích chính của đề án là tổ chức lại sản xuất để nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời, thực hiện hiện cam kết của Chính phủ với thế giới về giảm phát thải.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các địa phương không nóng vội, mở rộng diện tích vì những thách thức cần phải vượt qua, bao gồm cả về năng lực của hợp tác xã vẫn còn hạn chế; tổ chức liên kết sản xuất và huy động nguồn lực tham gia vào đề án.
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý triển khai chậm, nhưng chắc và từng bước tháo gỡ khó khăn. “Bấy nhiêu đó là được rồi, là có hiệu quả rồi. Quan trọng là các địa phương chọn nơi chủ động tưới và thoát nước, có lực lượng khuyến nông theo đúng tiêu chí, quy trình của đề án”, ông Nam nhấn mạnh.
Liên quan câu chuyện nêu trên, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, nghĩ thì dễ, nhưng triển khai thành công là không hề dễ dàng. Cần có sự phân chia rõ ràng công việc và lợi ích của các bên tham gia, bao gồm doanh nghiệp, nông dân, các nhà hoạch định chính sách và chỉ đạo từ phía quản lý nhà nước. Phải làm rõ vấn đề đã đặt ra, phân công cho hợp lý, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cũng như nghĩa vụ của các bên.
Theo đó, mỗi địa phương tham gia đề án phải có “nhạc trưởng” để chỉ đạo chung, trong đó, các doanh nghiệp tham gia có sự phân vai rõ ràng, bao gồm vật tư nông nghiệp, giống, mua bán, chế biến, xuất khẩu… thì việc thực hiện sẽ nhanh hơn. “Phải có 'nhạc trưởng' dẫn dắt mới được, chứ doanh nghiệp làm như chúng tôi nó sẽ luẩn quẩn mãi không ra", ông Thòn chia sẻ.