Thứ Tư, 14/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

NVIDIA (Mỹ) muốn lập trung tâm công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) vào chiều 10-12 vừa qua. Theo đó, lãnh đạo NVIDIA mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên thế giới, góp phần vào sự phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, Việt Nam đang có những thuận lợi để phát triển ngành chip bán dẫn như có khoảng 6.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: N.K

Chiều 10-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Mỹ), một tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỉ đô la Mỹ, theo Baochinhphu.vn.

Chủ tịch Jensen Huang cho biết, NVIDIA đã đầu tư khoảng 250 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam. Ông khẳng định NVIDIA mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên thế giới, góp phần vào sự phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai… đồng thời, góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam.

Thông tin tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước. Do đó, hai bên cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn.

Thủ tướng đề nghị NVIDIA xác định tầm nhìn chiến lược trong việc hợp tác, đồng hành, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả 3 công đoạn là thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử. Trong đó, hai bên tập trung hợp tác đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, tính toán hiệu năng cao và các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang có những thuận lợi để phát triển ngành bán dẫn như có khoảng 6.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao, ưu tiên đào tạo các kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới