Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ở đáy trong bao lâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ở đáy trong bao lâu?

Tấn Đức

(TBKTSG) – Trong cuộc tọa đàm về cuộc khủng hoảng và giải pháp hậu khủng hoảng cho Việt Nam, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào tuần trước, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra bi quan về khả năng phục hồi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển (IDS), nhắc lại sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, phải mất gần ba năm kinh tế Việt Nam mới gượng dậy được. Khác với nhiều nước trên thế giới, dù đang bị khủng hoảng, nhưng kinh tế vẫn có nền tảng ổn định, suy thoái kinh tế của Việt Nam xảy ra giữa lúc kinh tế Việt Nam còn nhiều bất ổn. “Nền kinh tế Việt Nam có những bất ổn vĩ mô từ 10 năm qua”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh.

Cụ thể là tốc độ tăng vốn đầu tư luôn vượt trội so với mức tăng GDP và đỉnh điểm là vào năm 2007; mức tăng tiêu dùng cũng tăng vọt kể từ sau 2001; lạm phát sau một thời gian chậm, đã tăng nhanh kể từ năm 2005; tốc độ tăng nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu, dẫn đến nhập siêu ngày càng cao; hiệu quả sử dụng vốn, biểu thị qua chỉ số ICOR, ngày càng thấp.

Ngoài ra, chương trình kích cầu đầu tiên, được triển khai vào năm 1999, tuy có giúp GDP trong những năm sau đó tăng lên một chút, nhưng do kéo dài quá lâu, nhiều công trình đến nay vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng, nên đã góp phần không ít tạo nên mầm mống lạm phát.Từ kinh nghiệm không mấy thành công của chương trình kích cầu trước, các chuyên gia kinh tế tỏ ra khá thận trọng với hiệu quả của các gói kích cầu đang được áp dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng: “Dường như đây là gói cứu trợ doanh nghiệp và ngân hàng thương mại là chính”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Trọng Nhi cũng đồng tình với nhận xét trên. Đồng thời, ông còn cho rằng, nếu Việt Nam không rút được những kinh nghiệm từ chương trình kích cầu trước, khả năng không thành công của giải pháp kích cầu hiện nay sẽ khá cao. Một trong những bất cập cần khắc phục nhanh là khả năng hấp thu và hiệu quả sử dụng vốn.

Ông Lê Trọng Nhi nói: “Từ năm 2003, Chính phủ đã huy động được 300.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu, nhưng đến nay mới giải ngân được một phần ba. Đây là bằng chứng cho thấy khả năng hấp thụ vốn rất kém của nền kinh tế”.

Một vấn đề khác, được bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nêu ra là chúng ta hay tìm những lý do khách quan để bào chữa cho những yếu kém của mình, nên không nỗ lực tối đa để sửa chữa những bất cập về cơ cấu.

Đến nay, dù sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng tăng trở lại, GDP vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, nhưng bà Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam không thể chủ quan đã sớm thoát khỏi khủng hoảng, khi mà xuất khẩu (có giá trị tương đương 70% GDP) vẫn gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân đang giảm mạnh.

Bên cạnh đó, ngoài các số liệu lạc quan về kinh tế, đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về các chỉ số an sinh xã hội. Liệu tỷ lệ nghèo có tăng hay không và tỷ lệ thất nghiệp đến mức nào? “Không thể nói chúng ta đã ra khỏi khủng hoảng khi tỷ lệ nghèo và thất nghiệp tăng”, bà Phạm Chi Lan kết luận.

Để nền kinh tế Việt Nam có thể sớm phục hồi và tăng trưởng bền vững, ngoài những bất cập vĩ mô phải khắc phục, các chuyên gia kinh tế tại cuộc tọa đàm đề nghị nên tránh tình trạng cào bằng, bao cấp tràn lan trong kích cầu.

Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, dựa trên chỉ số ICOR, khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là động lực phát triển mà còn là nhóm có hiệu quả sử dụng vốn cao nhất, gấp 2,3 lần so với khối doanh nghiệp nhà nước và gần gấp đôi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, kích cầu vào khu vực này sẽ mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các gói kích cầu cũng cần tập trung vào các ngành có độ lan tỏa lớn, như: sản xuất lúa gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến lương thực, sản xuất vật liệu xây dựng… Quan trọng hơn là không nên thực hiện kích cầu theo kiểu bao cấp, cào bằng để trở thành phao cứu sinh cho những doanh nghiệp kém hiệu quả tiếp tục sống lây lất.

Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên, nguồn lực trước hết phải để phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước, không phải để chuyển nguồn lực đó ra ngoài (thông qua xuất khẩu khoáng sản thô, dựa vào giá nhân công rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới