Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ô nhiễm: “thủ phạm” từ các khu công nghiệp!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ô nhiễm: “thủ phạm” từ các khu công nghiệp!

Một người dân sống gần KCN Lê Minh Xuân đang sử dụng nguồn nước giếng khoan ngay sát miệng cống xả nước thải đen ngòm từ khu công nghiệp này – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Những con kênh xanh vùng ngoại ô TPHCM giờ chỉ còn là ký ức của người đã lớn tuổi, vì nay đang bị nước thải từ các nhà máy, các khu công nghiệp hủy hoại dần, biến chúng trở thành những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối và tàn phá sức khỏe của chính người dân.

Nhiều năm qua, ô nhiễm do các khu công nghiệp (KCN) đã trở thành nỗi bức xúc của người dân, họ liên tục lên tiếng khiếu nại, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm ra tay vì một môi trường trong lành, thế nhưng câu chuyện giải quyết ô nhiễm vẫn còn trong vòng luẩn quẩn.

Nhìn dòng nước con kênh 8 đen ngòm bốc mùi hôi thối nằm ngăn cách giữa khu công nghiệp Lê Minh Xuân và khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, ngay vùng giáp ranh 2 xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, chắc sẽ không ai nghĩ rằng, chỉ hơn 10 năm trước thôi, người dân đi làm đồng về còn có thể tắm giặt, bắt cá nơi đây.

“Mười năm trước, người dân chúng tôi đi làm ruộng về còn tắm rửa, bắt cá ở các dòng kênh, từ khi có KCN Lê Minh Xuân đến nay, chăn nuôi cũng không phát triển được, còn trồng mía, lúa thì năng suất giảm phân nửa”, ông Nguyễn Văn Phúc, một người dân gần đó nói.

Ông Phúc nói người dân quanh khu vực này bức xúc vì lên tiếng hoài mà mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, thậm chí ô nhiễm ngày càng nặng nề thêm. Nhân buổi khảo sát hồi tháng 9 của lãnh đạo các sở ngành và HĐND TPHCM, ông Phúc đã đến trình bày rằng số lượng người già và trẻ em mắc các chứng bệnh về mắt và đường hô hấp gần đây đã tăng đến mức báo động.

“Cây cối còn đổi màu, con kiến con ong nhiều khi qua một đêm là chết vàng cả sân nhà chỉ vì khí thải độc hại, vậy ai dám đảm bảo cho sức khỏe người dân chúng tôi không bị ảnh hưởng gì?”, ông Phúc nói.

Theo phản ảnh của người dân hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, không chỉ đang gánh chịu môi trường bị ô nhiễm cao, đời sống sinh hoạt của họ còn đang bị tấn công của hàng trăm cơ sở sản xuất nhớt tái chế, nấu chì nằm len lỏi trong khu dân cư.

Ông Trương Văn Thạnh, Phó chủ tịch xã Lê Minh Xuân cho biết, hiện cả xã có đến 154 cơ sở tái chế nhớt nằm len lỏi khu  dân cư, gây ô nhiễm môi trường cực kỳ nghiêm trọng.

Thế nhưng, mặc dù xã đã kêu chủ doanh nghiệp lên làm việc nhiều lần, xử phạt và thậm chí tịch thu dụng cụ sản xuất, thế nhưng các cơ sở sản xuất này vẫn không sợ, vẫn tiếp tục sản xuất và gây ô nhiễm mỗi lúc mỗi trầm trọng hơn suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân, theo ông Thạnh là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

Theo đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực dân cư ở hai xã này đã không còn ở mức “báo động” nữa, mà đang tàn phá sức khỏe của người dân từng ngày, từng giờ.

Ông Khoa đưa ra số liệu mới nhất chứng minh, hiện có đến 173 doanh nghiệp trong tổng số gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Lê Minh Xuân hoàn toàn không có hệ thống xử lý khí thải trong khi khói thải từ các nhà máy sản xuất ở đây rất độc hại, hậu quả rất khó lường.

“Để ô nhiễm kéo dài nhiều năm qua, tôi cho rằng trước tiên lỗi thuộc về các doanh nghiệp, kế đến là do sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và vô cảm của các cơ quan chức năng thành phố trước sức khỏe của người dân”, ông Khoa bức xúc nói tại buổi tham vấn ý kiến người dân về tác động ô nhiễm môi trường tại KCN Lê Minh Xuân mới đây.

Theo ông Khoa, mỗi KCN, mỗi nhà máy khi đi vào hoạt động phải đăng ký bảo vệ môi trường, phải có hệ thống xử lý theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Vấn đề là các doanh nghiệp dù hiểu biết rất rõ điều này, nhưng vì lợi nhuận đã bỏ qua chuyện xử lý và các cơ quan quản lý nhà nước dù luật pháp đã có, nhưng lại thực thi luật một cách yếu ớt.

Khi tham gia chương trình “Nói và Làm” do Đài truyền hình TPHCM tổ chức ngày 5-10 vừa qua, một lần nữa, ông Khoa chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM rằng: “Khi để môi trường ô nhiễm như hôm nay, chúng ta trách doanh nghiệp một, thì cần trách cơ quan quản lý nhà nước đến mười mới phải!”.

Trên thực tế, KCN Lê Minh Xuân chỉ là một trong số 13 KCN, KCX đang hoạt động trên địa bàn TPHCM. Và qua những gì các cơ quan giám sát lên tiếng thì KCN này vẫn đang gây ô nhiễm môi trường, làm chết con kênh 8 và cây cỏ xung quanh bạc màu, thế nhưng khi công bố số liệu thì có vẻ như các KCN của TPHCM đang làm rất tốt. Theo Hepza, tính đến nay, đã có 12/13 KCN, KCX đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung và đang vận hành, chỉ còn lại KCN Tân Phú Trung là sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Trước một thực tế rằng tình trạng ô nhiễm có phần do các KCN gây ra, ông Ngô Anh Tuấn, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết trong tổng số 950 doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN, có đến khoảng 330 doanh nghiệp có phát sinh nước thải gây ô nhiễm, trong đó, hầu hềt doanh nghiệp phát sinh nước thải có quy mô lớn.

Ông Tuấn cho rằng, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã xây hệ thống xử lý nước thải cục bộ, nhưng chất lượng nước thải sau xử lý của nhiều doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ chỉ để đối phó với cơ quan chức năng, chỉ vận hành khi có kiểm tra.

“Mặc dù biết rõ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, nhưng rất khó cho cơ quan chức năng phát hiện vì thường việc kiểm tra bấy lâu nay luôn được báo trước cho doanh nghiệp!,” ông Tuấn nói. 

Một trong những khó khăn được ông Tuấn nêu ra tại một hội nghị về môi trường được tổ chức mới đây là các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, vừa thiếu vừa chồng chéo, chưa có hệ thống chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe doanh nghiệp vi phạm.

“Hepza vừa trình UBND thành phố dự thảo ban hành quy chế cho phép Hepza được triển khai kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử phạt ngay các doanh nghiệp vi phạm chứ không còn phải chuyển hồ sơ doanh nghiệp vi phạm cho thanh tra Sở Tài nguyên- Môi trường xử phạt như hiện nay”, ông Tuấn cho hay.

Thế nhưng, liệu việc xử phạt có giải quyết vấn đề hay không là điều mà dư luận rất bức xúc. Với các vụ xử phạt vừa qua, mức xử phạt như “đùa” chỉ khiến các doanh nghiệp bị phạt “cười thầm” trong bụng.

Hôm nay, 7-10, HĐND thành phố sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề về môi trường. Qua đó, tổng kết các ý kiến phản ánh của người dân, các ý kiến bức xúc trước vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố thời gian qua.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới