(KTSG) - Nghệ An được biết đến là địa phương nuôi hươu đầu tiên trên cả nước, tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Nghề nuôi hươu đã có ở Quỳnh Lưu từ năm 1926. Lúc cao điểm, một con hươu được định giá tới 12 cây vàng, sau đó sụt giảm mạnh vào những năm 1994-1995. Nhưng trải qua mọi vần xoay của thời cuộc, người dân nơi đây vẫn trụ lại với nghề nuôi hươu lấy lộc nhung. Họ đang ngày ngày làm giàu cho gia đình bằng nghề nuôi hươu và ước mơ biến “Nhung hươu Quỳnh Lưu” thành thương hiệu quốc gia, vươn ra thế giới.
Với hơn 1.160.242 héc ta, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (tách ra từ huyện Quỳnh Lưu năm 2013) có địa hình đa dạng, phức tạp, được chia làm ba vùng gồm miền núi - bán sơn địa; đồng bằng và ven biển. Đầu thế kỷ 20, khai thác các sản vật rừng vẫn là một trong những nghề phổ biến của người dân nơi đây. Rồi từ chỗ chỉ thuần túy khai thác rừng, người ta tiến đến việc nuôi trồng các sản vật rừng. Nghề nuôi hươu lấy lộc nhung cũng vậy.
Cái nôi của nghề nuôi hươu lấy lộc
Người dân ở xã Quỳnh Tiến và xã Quỳnh Phong (từ năm 1969 sáp nhập thành xã Tiến Thủy), huyện Quỳnh Lưu đã nuôi hươu từ năm 1926, sau đó nghề lan dần ra các xã khác trong huyện. Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, nghề nuôi hươu đặc biệt phát triển ở huyện Quỳnh Lưu và huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Tuy nhiên, cơn sốt hươu những năm này chủ yếu là sốt con giống, đã đẩy giá con giống hươu lên rất cao.
“Như năm 1990, khi nhiều người xuất khẩu lao động từ Đức trở về; lại có một số người trúng đá đỏ ở Quỳ Châu nên rất sẵn tiền. Họ bỏ tiền ra mua hươu với số lượng lớn hy vọng sẽ nhanh chóng gặt hái được lợi nhuận. Hươu vì vậy tăng giá khủng khiếp. Tăng theo cấp số nhân, tăng theo ngày. Lúc cao điểm, một con hươu được định giá tới 12 cây vàng, phải năm bảy hộ góp tiền “chung nóng” mới mua được. Nhưng lên nhanh thì xuống cũng nhanh. Khoảng năm 1994-1995, giá hươu tuột dốc không phanh. Rất nhiều người nuôi hươu nản chí. Thế là đổ xô bán. Thậm chí họ làm thịt hươu bán rẻ hơn cả thịt chó”, ông Lê Trần Tráng, ở xóm 22, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, kể lại vụ đầu cơ hươu ngày ấy.
Năm 1983, Lê Trần Tráng là một thợ sơn tràng chưa đầy 30 tuổi, nghe chuyện người ta góp tiền “chung chân, chung móng” để nuôi hươu. Bản tính tò mò nên Tráng la cà đi các nơi tìm hiểu ngọn nguồn. Hóa ra nuôi hươu để lấy lộc nhung là thứ mà thời xa xưa chỉ có vua chúa, quan lại mới có mà ăn, uống để bồi bổ sức khỏe. Đến như các vua nhà Nguyễn mỗi lần cũng chỉ được dùng một chỉ, năm chỉ hoặc một lạng lộc nhung trong các bài thuốc.
Tìm đọc sách của các danh y như Tuệ Tĩnh (Tuệ Tĩnh toàn tập), Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hải Thượng y tông tâm lĩnh) viết về công dụng của nhung hươu, Tráng mới biết đây là một trong “tứ thượng dược” (sâm, nhung, quế, phụ) có vị ngọt, tính ôn, mặn, vào kinh thận, tâm can, tâm bào. Nhung hươu được các danh y dùng trong việc bồi bổ khí huyết; điều hòa cơ thể; tăng cường sinh lực. Đồng thời bổ sung dinh dưỡng, cải thiện cơ bắp, khỏe mạnh xương cốt.
Nghĩ đây là giống động vật quý, giá trị cao, nếu nuôi được sẽ có kinh tế, nên ông đã dồn tiền vốn và vay mượn thêm để mua hươu về nuôi. Cũng vì đam mê và hiểu giá trị của nhung hươu, nên ngay cả lúc giá hươu rớt thê thảm, ông vẫn kiên định duy trì trại hươu với số lượng hàng trăm con. Ông nuôi để cung cấp nhung cho gia đình, người thân, mối hàng thân thiết với niềm tin cái gì tốt thì sẽ bền vững. Gia đình ông có năm héc ta vườn đồi trồng toàn cây mít, loại cây có lá dày, nhiều mủ, là thức ăn rất tốt cho hươu.
Hiện nay gia đình ông vẫn nuôi 60 con hươu, cho thu nhập đều đặn mỗi năm hàng tỉ đồng. Mỗi khi có lộc nhung được thu hoạch, ông Tráng gọi điện là có thợ đến tận chuồng cắt. “Nhu cầu nhiều, bao nhiêu lộc nhung người ta cũng thu mua hết, chỉ sợ mình không có mà bán”, ông Tráng nói.
Người làm mới nghề nuôi hươu Quỳnh Lưu
Vào nghề từ năm 2018, anh Nguyễn Hữu Tình - chủ thương hiệu Nhung hươu Bảo Long - là người đầu tiên ở xã xây dựng thành công mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nhung hươu, thu lợi nhuận hơn một tỉ đồng mỗi năm. Để có thành công ấy, anh đã trải qua cả một chặng đường đầy sóng gió.
Năm 2011, tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghiệp TPHCM với tấm bằng xuất sắc, kỹ sư Nguyễn Hữu Tình tiếp tục học thạc sĩ quản trị kinh doanh và làm giảng viên của trường Cao đẳng Nghề số 8, Bộ Quốc phòng vào năm 2012. Thời điểm đó, anh Tình vẫn nghĩ mình sẽ gắn bó với kỹ thuật và nghề giáo suốt cuộc đời. Nhưng đến năm 2018, anh quyết định nghỉ việc, bán nhà, chia tay đất Biên Hòa (Đồng Nai) để về Quỳnh Lưu làm mới nghề nuôi hươu đã có hàng chục năm của gia đình.
Về quê, Tình bỏ lối bán nhung hươu tươi theo kiểu truyền thống của địa phương vì giá bán nhung dạng thô thấp lại khó bảo quản, vận chuyển và tiếp thị. Anh cho rằng chỉ có chế biến sâu mới gia tăng được giá trị cho sản phẩm và quyết tâm khởi nghiệp. Với kiến thức của một kỹ sư công nghệ thông tin, Tình tìm tòi thông tin, mày mò thử nghiệm các cách chế biến phối hợp nhung hươu với các loại dược liệu khác như rượu, mật ong, đông trùng hạ thảo…
Bởi theo anh, nhung nai không tốt bằng nhung hươu, phần đế nhung không tốt bằng phần thân nhung. Nhưng nhiều người làm ăn gian dối thì xay nhỏ trộn lẫn nhung nai với nhung hươu, đế nhung với thân nhung để bán được giá. Càng buồn lòng với những con sâu làm rầu nồi canh, anh càng nỗ lực để chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiếp thị, minh bạch nguồn gốc sản phẩm…
“Mọi thứ đều bỡ ngỡ, từ việc vận hành máy, thiết kế bao bì, tiếp thị... Tôi đã mất hơn bốn năm vừa nghiên cứu vừa dồn hết vốn liếng tích góp để tập trung sản xuất. Dịch Covid-19 cũng khiến việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp nhiều trở ngại”, anh chia sẻ.
Nhưng càng khó khăn càng phải cố gắng. Làm đến đâu chắc đến đấy. Đó là phương thức làm việc của Tình. Tháng 10-2021 là một dấu mốc quan trọng của anh khi Cơ sở Sản xuất Nhung hươu Bảo Long được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Các sản phẩm được cấp phép gồm bột, rượu, cao nhung hươu, mật ong ngâm nhung hươu và nhung hươu thái lát.
Tình đang nuôi 70 con hươu, trong đó có 45 con cho thu hoạch nhung. Mùa xuân hươu cho lộc, thời gian cắt lộc nhung hươu thường từ tháng 1-4 Âm lịch hàng năm, rộ nhất là tháng 2 Âm lịch. Đến tháng 6 Âm lịch, hươu sẽ cho thêm một lần cắt lộc trái vụ. Thông thường, nhung hươu đạt từ 1,5-2 ki lô gam. Nhờ chăm sóc tốt nên năm 2023, 45 con hươu của Tình cho sản lượng 40 ki lô gam nhung. Giá nhung dao động từ 9-12 triệu đồng/ki lô gam (thấp hơn năm 2022 từ 2-3 triệu đồng/ki lô gam).
Về kỹ thuật nuôi hươu, ông chủ sinh năm 1988 này cho biết, việc chăm sóc, ăn uống của hươu đơn giản, nhưng để nuôi hươu thành công, khâu chọn con giống rất quan trọng. Hươu là loài động vật dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, dễ trồng như cỏ voi, các loại lá cây, rau khoai, lá và thân cây ngô non, chuối… Thức ăn của hươu phong phú, đa dạng, lá gì cũng ăn được, miễn là sạch sẽ. Loài này lại cực kỳ ít bệnh tật. Hươu cái hai tuổi, nuôi một năm sau thì sinh sản. Hươu đực thì nuôi ba năm mới được cắt lộc. Sau đó thì mỗi năm được cắt một cặp. Nếu không cắt thì nó hóa thành gạc.
Điều cần lưu ý là trong vòng năm tháng (từ tháng 10 Âm lịch năm trước đến tháng 2 Âm lịch năm sau) cần tập trung bồi bổ cho hươu để kích lộc. Ngoài cho ăn các loại rau cỏ thông thường, cần cho hươu ăn thêm những thức ăn giàu chất béo như: hạt ngô, hạt đậu tương, gạo nếp, cây mía để tăng chất dinh dưỡng, giúp hươu phát triển khỏe mạnh và cho nhung to.
“So với các loài vật nuôi khác thì con hươu vẫn cho lợi nhuận cao nhất, ổn định nhất và việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Chi phí ban đầu (giống, chuồng trại) tương đối lớn (con giống 20-30 triệu đồng/con; chuồng trại 7-8 triệu đồng/con, thức ăn 2 triệu đồng/con/năm. Nhưng vòng đời của con hươu tương đối dài (20 năm), trong đó 15-17 năm cho thu hoạch nhung. Tùy thuộc vào giống hươu, chất lượng lộc mà định giá. Có con cho cặp lộc 2 ki lô gam bán được 50 triệu đồng. Còn trung bình thì giá lộc khoảng từ 10,5-13 triệu đồng/ki lô gam. Tính trung bình mỗi năm nuôi hươu lấy lộc cho thu nhập 15 triệu đồng/con; nuôi hươu sinh sản thu về 20 triệu đồng/con. Tính ra, nếu chăm sóc tốt, không bị dịch bệnh thì nuôi hươu hiệu quả kinh tế cao”, anh Nguyễn Hữu Tình phân tích.
Năm 2023, Tình vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay tạo việc làm và hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu. Anh mua máy thái nhung hươu, máy sấy nhung hươu, máy nghiền bột, máy nghiền tươi, máy ép chân không, máy dán màng seal để chế biến sâu nhung hươu và đồng bộ quá trình sản xuất, làm thương hiệu.
Ngoài việc chế biến nhung hươu thu hoạch từ trang trại của gia đình, Tình còn ký các hợp đồng thu mua sản phẩm nhung hươu cho người dân địa phương, tư vấn kỹ thuật giúp người chăn nuôi tăng đàn, đảm bảo chất lượng. Anh cũng tăng cường kết nối, nỗ lực đưa sản phẩm nhung hươu Quỳnh Lưu vươn ra thị trường, từng bước tạo ra chuỗi liên kết giá trị cao trong thu mua, chế biến và tiêu thụ. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo đà cho người dân yên tâm phát triển đàn hươu.
Ông Hồ Đình Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Bảng, chia sẻ: “Cơ sở sản xuất nhung hươu Bảo Long của anh Nguyễn Hữu Tình là điển hình về chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm truyền thống của địa phương. Từ cách đầu tư và quảng bá sản phẩm có lộ trình và cách làm bài bản, triển khai hợp lý, anh là người đầu tiên chế biến thành công các sản phẩm từ nhung hươu tại địa phương”.
Theo điều tra của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, hiện nay, tổng đàn hươu của tỉnh ước đạt khoảng 30.000 con, sản lượng nhung lên đến 18-20 tấn, doanh thu ước đạt hàng trăm tỉ đồng/năm.
Trong đó, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai là hai địa phương có nghề phát nuôi hươu phát triển nhất. Người dân nuôi chủ yếu là giống hươu sao (Cervus nippon pseudaxis). Tổng đàn hươu nuôi của hai địa phương này là 10.174 con, trong đó có 7.910 con hươu đực, 2.273 con hươu cái, 7.468 con đến tuổi khai thác nhung và sản lượng nhung hàng năm đạt 6.205,9 ki lô gam, mang lại giá trị sản phẩm cho người chăn nuôi gần 65 tỉ đồng/năm.
Ngày 17-9-2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có Quyết định số 76345/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu số 363561 bảo hộ cho sản phẩm từ nhung hươu, nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu”. Nhãn hiệu chứng nhận “Nhung hươu Quỳnh Lưu” được đăng ký bảo hộ, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng đặc thù.