Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

OECD: Kinh tế toàn cầu sáng hơn nhờ tiến triển về vaccine Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

OECD: Kinh tế toàn cầu sáng hơn nhờ tiến triển về vaccine Covid-19

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) dự báo đến năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ trở về mức trước đại dịch nhờ các tiến triển của vaccine Covid-19 và hàng loạt chương trình kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ của các chính phủ và ngân hàng trung ương.

OECD: Kinh tế toàn cầu sáng hơn nhờ tiến triển về vaccine Covid-19
Anh vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine BNT162b2  của hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức). Ảnh: MedPage Today

Tránh được tác động tồi tệ nhất của đại dịch

Báo cáo của OECD, có trụ sở ở Paris, công bố vào hôm 1-12, nhận định: “Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, nền kinh tế toàn cầu có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Các tiến triển về vaccine Covid-19 và phương thuốc điều trị đã nâng các kỳ vọng, đẩy lùi bất ổn”.

Trong những tuần gần đây, có ba vaccine Covid-19 đạt kết quả an toàn và hiệu quả trong cuộc cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, bao gồm vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford, có giá bán chỉ khoảng 3 đô la Mỹ/liều,  đang nhận được sự quan tâm của nhiều chính phủ và các tổ chức trên thế giới.

OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,2% trong năm nay, cải thiện so với mức dự báo suy giảm 4,5% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 và sẽ tăng trưởng đạt mức trung bình 4% trong hai năm tới ( tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,7% trong năm 2022).

Theo OECD, trong những tháng tới, điều quan trọng nhất đối với các nước là tăng tốc triển khai vaccine Covid-19 cũng như thiết lập hệ thống xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly hiệu quả để giúp các biện pháp giãn cách xã hội có thể dần được dỡ bỏ. “Những nước thành công nhất nhất trong nỗ lực này có thể tăng trưởng kinh tế tốt hơn”, báo cáo của OECD nhận định.

OECD, tổ chức giám sát và tư vấn chính sách kinh tế cho 37 nước thành viên, bày tỏ sự lạc quan ở mức thận trọng rằng kinh tế toàn cầu có thể duy trì động lực tăng trưởng đến năm 2022.

Theo OECD, các tiến bộ về khoa học, vaccine Covid-19 và các điều chỉnh trong thói quen của người dân và hoạt động doanh nghiệp là những yếu tố giúp kiểm soát đại dịch Covid-19, cho phép dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại nhanh chóng. Đà phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ mạnh hơn khi các hoạt động kinh tế tái mở cửa ngày càng lan rộng.

Báo cáo của OECD cảnh báo tình hình vẫn bất ổn đối với nhiều nhóm dân số, doanh nghiệp và quốc gia dễ tổn thương đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới duy trì hỗ trợ có trọng điểm với những nhóm dân số và doanh nghiệp dễ bị tổn thương để giảm ‘những vết sẹo’ do cuộc khủng hoảng Covid-19 để lại. Báo cáo ghi nhận: “Những người dân nghèo và thường ít được bảo vệ bởi mạng lưới an sinh xã hội đang chứng kiến tình trạng kinh tế thậm chí ngặt nghèo hơn”.

OECD kêu gọi các chính phủ sử dụng các công cụ chính sách một cách chủ động để bảo đảm những người dân bị tác động nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng Covid-19 nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Ngân hàng Thế giới dự báo trong năm nay, đại dịch Covid-19 sẽ đẩy thêm 88-115 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực, có thu nhập dưới 1,9 đô la/ngày. Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, kêu gọi các chính phủ đảo ngược xu hướng này và phải xem nỗ lực thu hẹp bất bình đẳng thu nhập là một nhiệm vụ ưu tiên.

Mức tăng trưởng của một số quốc gia trong năm 2020 và 2021 theo dự báo của OECD. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm 2020 với mức tăng 1,8%. Ảnh: OECD

Đà phục hồi của các nước không đồng đều

OECD nhận định đà phục hồi của các nước sẽ không đồng đều với Trung Quốc chiếm đến đến 1/3 mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021, trong khi đó, châu Âu và Bắc Mỹ đóng góp nhỏ hơn so với tỷ trọng GDP của họ trong nền kinh tế toàn cầu.

OECD dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm nay với mức tăng 1,8%. Nền kinh tế tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 8% trong năm 2021 và 4,9% vào năm 2022. Nền kinh tế Mỹ dự kiến sụt giảm 3,7% trong năm 2020 trước khi bật dậy với  mức tăng trưởng 3,2% và 3,5%, lần lượt trong năm 2021 và 2022.
Bức tranh kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền euro (eurozone) sẽ ảm đảm đạm hơn.

OECD dự báo eurozone chứng kiến GDP suy giảm đến 7,5% trong năm nay, trước khi trở lại tăng trưởng 3,6% và 3,3% vào năm 2021 và 2022. Đến cuối năm 2021, trong số các nền kinh tế lớn ở châu Âu, chỉ có duy nhất Đức phục hồi quy mô kinh tế về gần sát mức trước đại dịch. GDP của Đức vào cuối năm 2021 dự kiến sẽ thấp hơn 1,7% so với thời điểm cuối năm 2019.

Những nước trải qua các thời kỳ phong tỏa dài bao gồm Anh bao sẽ phục hồi chậm hơn. OECD dự báo GDP của Anh vào cuối năm 2021 vẫn thấp hơn 6% so với trước đại dịch.

Báo cáo của OECD lưu ý hợp tác toàn cầu để ứng phó khủng hoảng Covid-19 yếu kém hơn hơn so với thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, nói: ‘Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu toàn diện đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và được ứng phó mạnh mẽ ở cấp quốc gia nhưng các biên giới đóng cửa và có rất ít hợp tác quốc tế”.

Bà nhấn mạnh các nước phải tổ chức phối hợp sản xuất, phân phối vaccine Covid-19 và các phương thuốc điều trị hữu hiệu, nhanh chóng, rộng khắp để giúp nền kinh tế toàn cầu mau chóng phục hồi từ đại dịch.

Hôm 2-12,  Cơ quan quản lý sản phẩm chăm sóc y tế và thuốc men (MHRA) thuộc Bộ Y tế Anh đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covid-19, có tên gọi BNT162b2, của hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức).

Động thái này đưa Anh trở thành nước phương Tây đầu tiên cấp phép cho một vaccine Covid-19, dọn đường cho việc triển khai tiêm chủng đối với những nhóm dân số thuộc diện rủi ro cao. Anh đã mặt mua 40 triệu liều vaccine BNT162b2 và những lô vaccine đầu tiên sẽ được chuyển đến nước này trong những ngày tới.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng cho thấy vaccine này đạt hiệu quả ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 ở mức 95%. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã cấp phép sử dụng các vaccine Covid-19 do các công ty trong nước sản xuất dù họ vẫn đang chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối.

Theo Financial Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới