Thứ Bảy, 28/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

OECD: Tăng trưởng toàn cầu cải thiện nhưng nợ công tăng nhanh

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nền kinh tế toàn cầu đang cải thiện nhờ lạm phát hạ nhiệt, thương mại tăng trưởng bền bỉ và chính sách nới lỏng tiền tệ gần đây ở nhiều nước, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo về mức nợ công đang tăng nhanh ở nhiều nước.

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu chuyển hướng tích cực với lạm phát giảm và tăng trưởng thương mại mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Nhân Tâm

Lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu

Báo cáo hôm 25-9 của OECD ước tính, tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt mức 3,2% trong năm 2024 và 2025 sau khi tăng 3,1% trong năm 2023. Dự đoán, lạm phát sẽ quay trở về mức mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế G20 vào cuối năm 2025. Lạm phát ở các nền kinh tế G20 dự kiến giảm xuống con 5,4% vào năm 2024 và 3,3% vào năm 2025, từ mức 6,1% vào năm 2023. Riêng đối với nền kinh tế phát triển của G20, lạm giảm dự kiến xuống còn 2,7% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.

OECD lưu ý, lạm phát tiếp tục giảm trong năm nay ở hầu hết các nước, một phần nhờ lạm phát giá thực phẩm tiếp tục giảm và lạm phát giá năng lượng và hàng hóa ở mức thấp hoặc âm. Giá thực phẩm đang suy yếu trên toàn cầu, có thể gây thêm áp lực giảm lạm phát trong ngắn hạn.

“Giá dầu giảm hơn 10% kể từ tháng Bảy trong bối cảnh kỳ vọng về nguồn cung dư thừa trong năm tới và lo ngại nhu cầu dầu suy yếu. Nếu giá dầu vẫn ở mức hiện tại, lạm phát toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm tới”, OECD giải thích.

Theo đó, tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại so với tốc độ nhanh chóng gần đây, với mức tăng trưởng dự kiến ​​2,6% vào năm 2024 và 1,6% vào năm 2025. Tại khu vực sử dụng đồng euro (euro), tăng trưởng dự đoán đạt 0,7% vào năm 2024, trước khi tăng lên 1,3% vào năm 2025 nhờ sự phục hồi của thu nhập thực tế và sự cải thiện tín dụng. Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến ​​giảm xuống còn 4,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025 do nhu cầu tiêu dùng nội địa suy yếu giảm và khủng hoảng bất động sản.

“Nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu chuyển hướng tích cực với lạm phát giảm và tăng trưởng thương mại mạnh mẽ”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nói.

Báo cáo của tổ chức này cũng lưu ý, nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro. Tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt đối với nhu cầu có thể lớn hơn dự kiến. Ngoài ra, những sai lệch số liệu giảm phát suôn sẻ ​​có thể gây ra biến động trên các thị trường tài chính.

Căng thẳng địa chính trị và thương mại dai dẳng, bao gồm xung đột Ukraine-Nga, chiến tranh ở Trung Đông, có nguy cơ đẩy tăng lạm phát trở lại, gây áp lực lên hoạt động kinh tế toàn cầu.

Về mặt tích cực, đà tăng trưởng tiền lương thực tế hiện nay nhờ lạm phát giảm ở nhiều nước có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng. Đồng thời, xu hướng giá dầu toàn cầu suy yếu sẽ củng cố các tiến bộ về lạm phát.

Khi lạm phát hạ nhiệt và áp lực thị trường lao động giảm bớt, các ngân hàng trung ương dự kiện tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, OECD khuyến cáo, thời điểm và phạm vi cắt giảm cần dựa vào dữ liệu kinh tế sắp tới và cần được đánh giá cẩn thận để đảm bảo lạm phát được kiềm chế lâu dài.

Cảnh báo về mức nợ công đang tăng nhanh

Trong khi nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu, OECD cũng cảnh báo về mức nợ công đang tăng nhanh ở nhiều nước. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, nợ công toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 97 nghìn tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, tăng gấp đôi kể từ năm 2010.

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann kêu gọi các chính phủ hành động chính sách quyết liệt để xây dựng lại không gian tài khóa bằng cách cải thiện hiệu quả chi tiêu, phân bổ chi tiêu cho những lĩnh vực hỗ trợ tốt hơn cho việc làm và tăng trưởng cũng như tối ưu hóa nguồn thu từ thuế. Người đứng đầu OECD lưu ý, nợ công ở các nước G20 đã lên tới 113% GDP vào năm ngoái, so với 73% vào năm 2007.

“Cần có các hành động tài khóa quyết liệt để đảm bảo tính bền vững của nợ, tạo cơ hội cho các chính phủ ứng phó những cú sốc trong tương lai và tạo ra các nguồn lực để giúp đáp ứng áp lực chi tiêu trong tương lai”, trích báo cáo.

Theo đó, các chính phủ đang đối mặt với những thách thức tài khóa đáng kể do nợ cao hơn và áp lực tăng chi tiêu cho dân số đang già hóa, các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và nhu cầu tài trợ cho những cải cách mới. OECD kêu gọi các chính phủ có mức nợ công cao tìm cách cải thiện nguồn thu bằng cách tăng thuế bất động sản và môi trường.

Theo oecd.org, Reuters, AFP

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới