Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

OECD: Thế giới có thể tránh suy thoái nhờ các nền kinh tế lớn châu Á

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm hơn nữa trong năm 2023 nhưng thế giới có thể sẽ tránh được suy thoái kinh tế nhờ các nền kinh tế lớn của châu Á, theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và phát triển triển kinh tế (OECD).

Báo cáo của OECD cho biết, lạm phát dai dẳng, giá năng lượng cao, tăng trưởng thu nhập thực tế của các hộ gia đình suy yếu, niềm tin giảm sút và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn cầu trong năm tới. Ảnh: Ecoscope

Trong báo cáo công bố hôm 22-11, OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,1% trong năm nay trước khi suy yếu còn 2,2% vào năm 2023. ​​Các triển vọng mong manh với nền kinh tế toàn cầu là kết quả trực tiếp của cuộc chiến Nga – Ukraine vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng thúc đẩy lạm phát trên toàn thế giới.

“Lạm phát dai dẳng, giá năng lượng cao, tăng trưởng thu nhập thực tế của các hộ gia đình suy yếu, niềm tin giảm sút và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng”, báo cáo của OECD cho biết.

Tổ chức này cảnh báo, nếu giá năng lượng tiếp tục tăng hoặc nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ còn yếu hơn dự kiến. Tăng trưởng toàn cầu trong năm tới phụ thuộc rất nhiều vào các nền kinh tế lớn của châu Á, được dự báo đóng góp 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu khi kinh tế Mỹ và châu Âu giảm tốc mạnh.

“Triển vọng toàn cầu cũng đang ngày càng trở nên mất cân bằng, với các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn của châu Á chiếm gần 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023”, báo cáo cho hay.

Ấn Độ được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới, (chỉ sau Saudi Arabia) ở mức 6,6% trong năm 2022 và  5,7% vào năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng tăng trưởng 3,3% trong năm nay, sau đó sẽ cải thiện lên 4,6% vào năm 2023.

Ngược lại, Mỹ dự kiến chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 0,5% vào năm 2023. OECD nhận định tăng trưởng của 19 quốc gia Liên minh châu Âu sử dụng đồng euro (eurozone) sẽ giảm mạnh trong năm tới, chỉ còn 0,5% so với  mức 3,3% tronh năm hiện tại.

Theo Tổng thư ký OECD Matthias Cormann, các nền kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn tăng trưởng một phần là nhờ chính phủ trợ cấp năng lượng và các chính sách thúc đẩy đầu tư. Các khoản tích lũy của các hộ gia đình và doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 cũng sẽ giúp hỗ trợ sức tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.

“Việc chấm dứt chiến tranh và thiết lập một nền hòa bình công bằng cho Ukraine sẽ là cách hiệu quả nhất để cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay”, Cormann nói.

OECD dự đoán lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ duy trì ở mức trên 9% trong năm nay và giảm về mức 6,6% trong năm 2023.

Các ngân hàng trung ương lớn đặt mục tiêu lạm phát gần 2% và đã tăng mạnh lãi suất trong năm nay trong nỗ lực kìm hãm đà tăng giá cả. Tuy nhiên, chiến dịch thắt chặt tiền tệ này cũng đang làm tăng rủi ro cho nền kinh tế bằng cách đẩy tăng chi phí trả nợ của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.

“Lãi suất cao hơn, mặc dù cần thiết để kiểm soát lạm phát, sẽ làm tăng thách thức tài chính đối với cả hộ gia đình và doanh nghiệp”, OECD nhận định.

Báo cáo của OECD cho rằng các nước có thu nhập thấp sẽ vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Trong đó, các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể làm tăng gánh nặng nợ nần đối với họ.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một triển vọng kinh tế rất khó khăn. Kịch bản trung tâm của chúng tôi không phải là suy thoái kinh tế toàn cầu mà là sự suy giảm tăng trưởng đáng kể đối với kinh tế thế giới vào năm 2023, cũng như lạm phát vẫn ở mức cao”, nhà kinh tế trưởng của OECD Alvaro Santos Pereira nói.

Tuy nhiên, ông lưu ý, rủi ro về việc mọi thứ diễn ra không như ý muốn đang gia tăng so với những tháng trước. Vào năm 2021, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời nhưng một năm sau, lạm phát của Mỹ vẫn ở gần mức cao nhất trong bốn thập niên.

Trong một bài viết đăng hôm 23-11 trên tờ Wall Street Journal, hai cây bút bình luận kinh tế Paul Hannon và Sarah Chaney cũng nhận định, bước sang năm 2023, một số nước giàu lớn có thể sẽ chứng kiến tăng trưởng thụt lùi nhưng đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể bù đắp sự suy yếu đó, giúp nền kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.

Theo bài viết, một số nhà kinh tế cho rằng, có thể nền kinh tế Mỹ sẽ phải chịu hai quí thu hẹp liên tiếp trong nửa đầu năm tới do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn.

Dù nhiều nước giàu nhất thế giới có thể trải qua một khởi đầu yếu kém vào năm tới, các nhà kinh tế vẫn thận trọng với dự báo kinh tế toàn cầu suy thoái, thường được định nghĩa là tốc độ GDP hàng năm thấp hơn tốc độ tăng dân số hiện tại là khoảng 1%.

Với việc Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi sau một năm 2022 yếu kém bất thường, nhiều nhà kinh tế nhận thấy GDP toàn cầu sẽ tăng khoảng 2% trong năm tới, giảm tốc mạnh so với năm nay nhưng vẫn tạo ra sự gia tăng nhỏ về sản lượng trên đầu người.

Theo CNN, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới