(KTSG) - Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã gửi thông điệp qua giới truyền thông về mục tiêu, giải pháp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước(1).
UBCKNN có kỳ vọng lớn rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Nhưng trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.
UBCKNN cho biết: “Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước.
Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả”.
Thông điệp của UBCKNN nói đến mục tiêu, giải pháp ổn định thị trường chứng khoán.
Nhưng ổn định thị trường chứng khoán cụ thể là ổn định cái gì? Phải chăng UBCKNN muốn ổn định chỉ số chứng khoán? Hay muốn ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán để nhà đầu tư bớt sợ hãi mà bán tháo cổ phiếu và/hoặc rời bỏ thị trường? Hay muốn cả hai điều này?
Nếu câu trả lời là muốn ổn định chỉ số chứng khoán thì câu hỏi tiếp theo là UBCKNN muốn chỉ số chứng khoán ngừng xu hướng lao dốc, chững lại ở điểm hiện tại (và, do đó, đạt được sự “ổn định”), hay muốn chỉ số này không chỉ ngừng lao dốc mà còn đảo chiều tăng lên (mức đỉnh cũ đạt được gần đây)?
Nếu UBCKNN muốn ổn định thị trường ở góc độ ổn định tâm lý nhà đầu tư, cụ thể bằng biện pháp tuyên truyền để nhà đầu tư đỡ sợ hãi hơn, thì sự tuyên truyền này không thể trái ngược với thực tế, chỉ toàn màu hồng mà không hề có gam màu tối.
Nếu UBCKNN trả lời rằng muốn chỉ số chứng khoán ngừng giảm và chững lại thì cơ quan này phải có cách nào đó, làm cái gì đó để ít nhất là một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngừng giảm giá. Đây là tham vọng quá tầm của UBCKNN, dù có thực hiện các giải pháp nêu ở trên hoặc bất cứ giải pháp nào có thể nghĩ ra, kể cả giải pháp mang ngân sách nhà nước ra để đỡ giá chứng khoán (xin được nói thêm về điều này ở đoạn cuối của bài).
Chẳng hạn, dù Ủy ban có thành công trong việc ổn định tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư, nhưng nếu triển vọng lạm phát gia tăng, lãi suất tăng, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng, khẩu vị của nhà đầu tư (nội, ngoại) thay đổi vì một số nhóm cổ phiếu đã/sẽ trở nên không còn hấp dẫn nữa (tương tự điều xảy ra với nhóm cổ phiếu công nghệ ở Mỹ)... thì sẽ không thể tránh được có nhiều cổ phiếu bị áp lực tiếp tục bán tháo.
Nói cách khác, thành công của việc ổn định giá chứng khoán phụ thuộc vào không chỉ ý chí quyết tâm của nhà quản lý. Nỗ lực này của UBCKNN chắc chắn sẽ chỉ thành công khi kiểm soát được lạm phát, lãi suất, tỷ giá không biến động đáng kể và thị trường chứng khoán trong nước hoàn toàn không liên thông với thị trường chứng khoán nước ngoài. Dễ thấy là tất cả các điều kiện cần này đều đang bị vi phạm và/hoặc ở mức độ rủi ro lớn. Ví dụ, lạm phát của Việt Nam không chỉ phụ thuộc các điều kiện trong nước mà còn phụ thuộc các điều kiện không kiểm soát được ở nước ngoài.
Nếu UBCKNN lại còn muốn chỉ số chứng khoán đảo chiều tăng lên thì đồng nghĩa với việc các điều kiện cần nêu trên càng phải ít rủi ro hơn nữa và, do đó, sự “ổn định” càng chỉ là ý chí chủ quan của nhà quản lý.
Nếu UBCKNN muốn ổn định thị trường ở góc độ ổn định tâm lý nhà đầu tư, cụ thể bằng biện pháp thông tin tuyên truyền, đây không phải là biện pháp tồi. Điều đáng nói là Ủy ban tuyên truyền thế nào để nhà đầu tư đỡ sợ hãi hơn?
Sự tuyên truyền này không thể trái ngược với thực tế, chỉ toàn màu hồng mà không hề có gam màu tối. Xin hãy rút bài học kinh nghiệm để tránh lặp lại hành động tuyên truyền theo kiểu trước đây của một vị quan chức, khi thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lao dốc mạnh, rằng “nếu có tiền thì tôi cũng mua vào chứng khoán”.
Những căn cứ màu hồng cho công tác tuyên truyền, ví dụ như quyết tâm của các cơ quan hữu trách trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh... chưa thể là căn cứ bởi quyết tâm này lúc nào cũng vẫn ở đó, vẫn được tuyên bố dày đặc như thường lệ, và, quan trọng là, kết quả của nó (sự quyết tâm) vẫn (sẽ) chỉ là ở thời tương lai.
Minh họa cho khả năng can thiệp hạn hẹp của nhà quản lý vào xu hướng lao dốc của thị trường là việc UBCKNN trong thông điệp về quyết tâm ổn định thị trường nêu trên cũng chỉ có thể nêu: “Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước”.
Để bổ trợ cho lập luận về khả năng can thiệp hạn hẹp của nhà quản lý, mà tốt nhất là không can thiệp gì, xin được nêu về thái độ khá là khách quan và thậm chí là... “dửng dưng” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen về các biến động mạnh hiện nay trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, “bà và các quan chức tài chính hàng đầu không ngạc nhiên khi chứng kiến thị trường biến động mạnh đến hết mùa hè do đại dịch và xung đột Nga - Ukraine có thể gia tăng sức ép lên kinh tế toàn cầu”(2). Ở ý này cũng có mấy yếu tố khách quan được nhắc đến là đại dịch và xung đột Nga - Ukraine như ngầm minh họa cho sự “bất lực” của chính quyền Mỹ đối với chính thị trường của họ.
Không muốn nói là đến nhà chức trách Mỹ còn không muốn, không thể can thiệp để thị trường của họ thôi biến động mạnh thì ở Việt Nam các nhà quản lý cũng khó có thể làm gì tốt hơn được.
----------
(1) https://cafef.vn/thong-diep-nong-cua-lanh-dao-uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-giua-luc-thi-truong-chung-khoan-giong-bao-20220513082543109.chn
(2) https://cafef.vn/vi-sao-co-phieu-cong-nghe-rot-tham-20220513135423648.chn
Mỹ không phải luôn luôn đúng, Mỹ cũng có lúc không phải là thước đo chuẩn 100%. Có lúc chính quyền Mỹ không can thiệp TTCK nhưng cũng có lúc chính quyền Mỹ can thiệp. Ở tất cả các nước thì vai trò của UBCK đối với TTCK là rất quan trọng. Vai trò của cơ quan quản lý là không thể thiếu trong việc hoạch định cơ chế chính sách phát triển thị trường cả ngắn hạn và dài hạn và giữ vai trò giám sát sự hoạt động lành mạnh của thị trường, đảm bảo công bằng, minh bạch và chống thao túng. Muốn TTCK phát triển bền vững thì cần có được lòng tin của dân vào TTCK, muốn vậy cần đảm bảo nó công bằng, minh bạch, không bị thao túng. Không thể thả nổi cho thị trường muốn ra sao thì ra, khi ấy các đội lái sẽ biến TTCK thành cái sòng bạc để lừa nhau