Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ông chủ Tân Hoàng Minh gửi ‘tâm thư’ xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

­(KTSG Online) - Chiều 11-1, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xác nhận với báo chí việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi "tâm thư" xin chấm dứt hợp đồng mua lô đất đấu giá thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong tâm thư đề ngày 10-1-2022 gửi đến Tổng Bí thư, lãnh đạo cao cấp ở Trung ương và TPHCM , ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3 - 12 khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật.

Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất vàng Thủ Thiêm. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Hành động này, theo lời ông Dũng trong bức thư, nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. Bởi ông thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,4 tỉ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường. Đặc biệt là sau khi doanh nghiệp tiếp thu ý kiến, nhận định "đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỉ đồng một mét vuông là bất thường" của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hôm 4-1.

"Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng", ông Dũng viết trong thư.

Mặc dù, sau khi trúng đấu giá, Tập đoàn đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính để đảm bảo đóng tiền theo tiến độ và quy định trong hợp đồng đã kí kết với Trung tâm phát triển quỹ đất TPHCM  và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM . Đồng thời Tập đoàn đã lên phương án kinh doanh - đầu tư mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo thu hồi vốn đầu tư...

Riêng về "động cơ" mua đấu giá lô đất với giá cao, ông Dũng cho rằng ông mong muốn góp sức của mình để TPHCM có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch. Vì vậy ông quyết tâm tham gia đấu giá với mong muốn vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TPHCM  vừa xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp - văn minh - hiện đại và góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của Thủ Thiêm.

Từ đó, ở thời điểm đấu giá, ông Dũng trả cao hơn công ty trả giá cao thứ nhì (là công ty nước ngoài, trả 23.800 tỉ đồng) đến 700 tỉ đồng để lô đất đẹp nhất bán đảo Thủ Thiêm phải thuộc về doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo quy chế đấu giá, nếu Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc gần 600 tỉ đồng. Công ty trả giá cao thứ nhì sẽ được mua lô đất với giá đã trả nếu vẫn có nhu cầu mua lô đất trên.

Trước đó, như KTSG Online đã đưa tin, Công ty TNHH đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất mang ký hiệu 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM  diện tích 10.060 m2 với giá 24.500 tỉ đồng.

Lô đất 3-12 có giá trị cao nhất trong tổng số 4 lô đất tại Thủ Thiêm được TPHCM  bán đấu giá trong ngày 10/12/2021 với mức 24.500 tỉ đồng.

Phiên đấu giá lô đất này có sự cạnh tranh gay gắt giữa Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty CP Capital One Financial. Trong lượt trả giá cuối cùng, Công ty CP Capital One Financial đưa ra mức giá là 23.800 tỉ đồng.

TPHCM đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với mức giá 37.350 tỉ đồng, cao gấp 7 lần giá khởi điểm.

Cụ thể, 4 lô đất mang số hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 được các nhà đầu tư mua vào với giá trị lần lượt là 3.820 tỉ đồng, 4.000 tỉ đồng, 5.026 tỉ đồng và 24.500 tỉ đồng.

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Cuộc chơi chưa kết thúc. Thị trường sẽ tự điều chỉnh lại sau những tác động đột biến nhất thời. Cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu lại quy trình đấu giá và bỏ cọc, đảm bảo sự minh bạch, công bằng, và quan trọng nhất là không chỉ tôn trọng quy luật cơ chế thị trường mà cả những người tham gia kiến tạo thị trường. Qua đó lựa chọn chính xác nhưng người chơi đầy đủ phẩm cách. Sự kiện này không phản ánh sự khiếm khuyết của thị trường mà là lỗ hổng từ phong cách quản lý.

  2. Đối với những lô đất có vị trí đắc địa/ diện tích lớn/ giá trị cao/ giá đấu dự kiến bình quân cao gấp đôi thị trường đều phải yêu cầu người tham gia đấu giá chứng minh năng lực tài chính/ hoặc có cam kết bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Đó là một trong những tiêu chí bắt buộc.

  3. Được nhiều hơn mất. Được thấy rõ khiếm khuyết của cơ chế quản lý/ tiềm năng lớn của Thủ thiêm/ sức mạnh của dư luận phản biện công khai. Mất uy tín một khi doanh nghiệp thiếu cân nhắc và lượng sức để tham gia thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới