Chủ Nhật, 26/03/2023, 18:34
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ông Đoàn Văn Kiển: “TKV có tính đến những phương án rủi ro nhất”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ông Đoàn Văn Kiển: “TKV có tính đến những phương án rủi ro nhất”

Ngọc Lan thực hiện

Ông Đoàn Văn Kiển.

(TBKTSG) – Sau kết luận của Bộ Chính trị và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc quy hoạch, thăm dò, khai thác và chế biến bauxite, TBKTSG đã phỏng vấn ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) về hiệu quả kinh tế của dự án bauxite ở Tây Nguyên nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc tham khảo.

TBKTSG: Xét về hiệu quả kinh tế, theo tính toán của chính TKV, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án ở Tân Rai là 11,43%, dự án ở Nhân Cơ là 10,59%, cả hai đều không cao?

– Ông Đoàn Văn Kiển: Vì chúng tôi tính giá trị hiện tại thuần (NPV) và IRR ở thời điểm khủng hoảng, còn nếu tính ở năm ngoái thì NPV sẽ khác. Dù IRR không cao, nhưng đảm bảo 12-13 năm thu hồi được vốn cho dự án 40 năm thì vẫn đầu tư được.

TBKTSG: Được biết hai dự án của TKV có sử dụng vốn trái phiếu, và đây là yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chỉ cần lãi suất trái phiếu thay đổi 1-2 điểm phần trăm trong vài năm, các tính toán về hiệu quả của dự án sẽ thay đổi theo?

– TKV đã tính đến phương án NPV thấp hơn, khi đó thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài hơn, nhưng chúng tôi chịu đựng được vì TKV không kinh doanh đơn ngành mà là đa ngành. Chúng tôi có thể lấy ngành khác bù sang rồi đẩy hiệu quả dự án sản xuất alumina lên. Nếu không có lợi thế đó thì không dám làm. Năng lực tài chính chúng tôi có nên không lo.

TBKTSG: Vốn huy động mỗi dự án cần 680-690 triệu đô la Mỹ. Đến nay, việc đàm phán với các ngân hàng đã đến đâu?

– Về cơ bản đã xong. TKV có 30% vốn. Dự án ở Tân Rai cơ bản đã hoàn tất. Cả ngân hàng trong và ngoài nước đều cho chúng tôi vay (ngân hàng trong nước cho vay hơn 50% nhu cầu vốn của dự án). Ở dự án Nhân Cơ, số tiền trả cho nhà thầu nước ngoài cũng đã thu xếp được. Phần còn lại là phát hành trái phiếu.

Hôm 29-4, chúng tôi đã phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu, vay hợp vốn và tới đây tiếp tục phát hành trái phiếu. Lãi suất trái phiếu là 10,5%/năm tính cho hai năm đầu và lãi suất thả nổi cho những năm tiếp theo. Các ngân hàng trong và ngoài nước đã mua.

TBKTSG: Cả hai dự án đều sử dụng nguồn vốn vay bằng ngoại tệ khá lớn, vậy TKV giải bài toán lãi suất và rủi ro tỷ giá ra sao?

– Ngân hàng nước ngoài cho chúng tôi vay với lãi suất rất cạnh tranh vì tổng dư nợ/vốn chủ sở hữu của TKV chưa đến 3. Chúng tôi có xuất khẩu, dòng tiền tốt và báo cáo tài chính ba năm liên tiếp được kiểm toán độc lập. Việc bảo hiểm tỷ giá cũng được tính đến.

TBKTSG: Thị trường lớn nhất bao tiêu sản phẩm của TKV có phải là Trung Quốc không?

– Trung Quốc là lớn nhất. Thế giới sản xuất alumina ở nơi nào có điện rẻ. Họ có thể đầu tư sản xuất alumina ở một chỗ, điện phân nhôm ở chỗ khác. Cũng có dự án điện phân ngay tại chỗ, như dự án Bình Quả tại Trung Quốc nhưng có dự án tìm đến nơi điện rẻ đầu tư nhà máy nhôm như các dự án của Russal, Alcoa. Thị trường lúc nào cũng có người bao tiêu.

TBKTSG: Vậy giá thành sản xuất nhôm có cạnh tranh được không?

– Phải khẳng định có những năm sẽ lỗ trong toàn bộ cuộc đời dự án, dài 40-50 năm. Theo tính toán, để sản xuất ra một tấn alumina phải tốn từ 150-160 đô la Mỹ. Chúng tôi cũng đã tính đến những lợi thế và bất lợi của TKV khi tính toán hiệu quả của dự án nhằm đảm bảo tính cạnh tranh.

Bất lợi là chi phí vận tải cao hơn bình thường. Ban đầu chi phí bảo vệ môi trường và khai thác cũng  lớn nhưng tính cho cả đời dự án thì không lớn. Bất lợi nữa là chưa có nguồn nhân lực tốt, phải chuẩn bị kỹ. Còn việc khai thác, vấn đề công nghệ, hay việc bảo vệ môi trường thì TKV kiểm soát được và sẽ có các cơ quan khác giám sát.

Về lợi thế, quặng dễ khai thác nên chi phí khai thác thấp. Các nguyên liệu đầu vào hầu hết trong tay TKV, từ than, đá vôi, muối mỏ… Nói tóm lại là chúng tôi lo được đầu vào. Mới đây, chúng tôi có quyền khai thác mỏ muối trữ lượng rất lớn ở Lào, phục vụ cho công nghiệp làm xút, để sản xuất alumina rất lớn.

TBKTSG: Nhưng TKV đã bắt đầu phải tính đến việc đi nhập than cho các nhà máy nhiệt điện và việc đàm phán cũng không dễ dàng, vậy lấy nguồn than ở đâu để sản xuất alumina?

– Đúng là ngành điện đang thiếu than nhưng đó là thiếu khối lượng rất lớn. Còn để làm ra vài triệu tấn alumina, nguồn than không phải là vấn đề lớn.

TBKTSG: Việc xây dựng nhà máy thủy điện cho dự án được tính toán đến đâu, nhất là hiện nay đang thiếu điện?

– TKV đang chờ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện đồng thời chuẩn bị xây dựng một nhà máy điện phân nhôm ngay trong năm 2009 tại Đắc Nông. Nguồn điện cho nhà máy nhôm sẽ lấy từ thủy điện Đồng Nai 5 và một số nơi khác. Nếu nguồn điện không đủ thì sẽ làm nhà máy nhôm ở chỗ khác.

Dự tính đến cuối 2012, sẽ có nhà máy thủy điện 140 MW và dịp đó có thể hoàn thành xây dựng nhà máy điện phân nhôm. Một nhà máy công suất 150.000 tấn nhôm thỏi/năm cần một nhà máy điện công suất 300 MW. Thủy điện Đồng Nai 5 sẽ chỉ giải quyết được một nửa vấn đề.

TBKTSG: Nhưng nguồn cung điện hiện nay đang thiếu?

– Chúng tôi chỉ thuê lưới chứ không mua điện. Giả sử không có điện từ Đồng Nai 5 và một số nơi khác thì TKV sẽ lấy điện từ nhà máy khác của TKV và chỉ thuê lưới thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới