Ông Donald Trump thay đổi như thế nào luật lệ kinh doanh của Mỹ? (3)
Thái Bình
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. Ảnh Internet |
(TBKTSG Online) - Tuy chưa chính thức lãnh đạo nước Mỹ nhưng Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã liên tục can thiệp vào hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn. Điều đó làm dấy lên hy vọng về một phương thức điều hành kinh tế mới mẻ, nhưng cũng gây lo ngại sâu sắc. Tuần báo kinh tế nổi tiếng The Economist vừa có bài phân tích hiện tượng này, xin thuật lại để bạn đọc tham khảo...
Phần 1: Ông Donald Trump thay đổi như thế nào luật lệ kinh doanh của Mỹ?
Phần 2: Giúp số ít bằng thiệt hại của số đông
Phần 3: Lấy lòng đức vua và xin xỏ ân huệ (phần cuối)
Dù sao, cách giải quyết của ông Trump cũng rất đáng lo.
Không giống như thời Đại suy thoái (1930-1932), khi Tổng thống Hoover và sau đó là Tổng thống Roosevelt bắt buộc các doanh nghiệp phải hành động theo những cách thức (thường là sai lầm) được coi là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ; cũng không giống năm 2009 khi Tổng thống Obama thâu tóm hệ thống ngân hàng và cứu nguy các hãng xe hơi ở Detroit, nước Mỹ ngày nay không ở trong cuộc khủng hoảng nào cả.
Vì vậy sự can thiệp của ông Trump vào hoạt động kinh tế có khả năng biến thành một sự bình thường mới. Tệ hơn nữa, sở thích dọa nạt đầy hận thù và thường không lường trước được của ông có khả năng phá hủy nhiều hơn là những hành động ban phát mà phần lớn các chính trị gia khác ưa thích (Worse, his penchant for unpredictable and often vindictive bullying is likely to be more corrosive than the handouts most politicians favour).
Nếu như đây là “giọng điệu” chính trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump thì các doanh nhân thận trọng sẽ đặt ưu tiên cho việc lấy lòng ngài tổng thống và né tránh những hành động có thể làm cho ông ta phật ý (If this is the tone of the Trump presidency, prudent businesses will make it their priority to curry favour with the president and avoid actions that might irk him). Dấu hiệu của chuyện này đã trở nên rõ ràng khi nhiều giám đốc điều hành hàng đầu – nhiều người trong số đó đã phê phán ông Trump khi ông này ra tranh cử - nay nhiệt tình và vội vã tham gia vào các ban cố vấn mới của ông.
Cũng đừng quên những sự giúp đỡ dành cho Tổ chức Trump – nơi quy tụ các doanh nghiệp của tân tổng thống – và gia đình ông Trump. Vai trò của các tay vận động hành lang sẽ tăng lên – thật là một nghịch lý buồn cười vì ông Trump đã hứa rằng ông sẽ “dọn sạch cái bãi lầy Washington” khỏi các nhóm lợi ích (The role of lobbyists will grow—an irony given that Mr Trump promised to drain the Washington swamp of special interests).
Lúc đầu cái giá phải trả cho sự dịch chuyển này vẫn chưa được nhận biết, vì nó bị che phủ bởi sự bùng nổ các biện pháp kích thích kinh tế và cải cách hành chính. Và với tư cách tổng thống của nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Trump có thể chèn ép các doanh nghiệp một cách tùy tiện trong thời gian dài hơn là các chính trị gia ở những nền kinh tế nhỏ.
Nhưng theo thời gian, những thiệt hại sẽ được tích lũy lại: nguồn vốn bị phân bổ sai, sức cạnh tranh giảm đi và niềm tin vào các định chế của Mỹ cũng sa sút (But over time the damage will accumulate: misallocated capital, lower competitiveness and reduced faith in America’s institutions). Những người bị thiệt hại nặng nề nhất lại chính là những người lao động mà ông Trump hứa hẹn sẽ giúp đỡ.
Đó là lý do tại sao, nếu như ông muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, ông Trump cần phải bãi bỏ ngay chế độ bảo hộ và ngay từ bây giờ ông phải tránh xa cái cung cách đe dọa doanh nghiệp (That is why, if he really wants to make America great again, Mr Trump should lay off the protectionism and steer clear of the bullying right now).