Thứ Sáu, 18/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu còn tăng mạnh trong những năm tới

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh trong những năm tới khi nền kinh tế thế giới hồi phục sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và dầu vẫn được kỳ vọng giữ ngôi vị số 1 trong cơ cấu năng lượng trong những thập niên tới, đóng góp 28% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2045, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định trong một báo cáo công bố hôm 28-9.

Nhu cầu phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2022

Báo cáo cho rằng trong năm 2022, nhu cầu dầu sẽ phục hồi trở về mức của năm 2019 và sẽ tăng thêm 1,7 triệu trùng trong năm 2023, lên mức 101,6 triệu thùng/ngày.

OPEC cho rằng dầu sẽ vẫn giữ ngôi vị số 1 trong cơ cấu năng lượng toàn cầu trong những thập niên tới. Ảnh: Reuters

Trong lời mở đầu của báo cáo, Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo viết: “Nhu cầu dầu và năng lượng toàn cầu cải thiện mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi trải qua cú sụt giảm mạnh trong năm 2020. Tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục trong dài hạn”.

Ông cho rằng ngành vận tải đường bộ, ngành hàng không và ngành hóa chất sẽ dẫn dắt tăng trưởng nhu cầu dầu.

Theo OPEC, dù trong ngắn hạn, nhu cầu đi lại vẫn còn bị hạn chế do tác động của đại dịch Covid-19, số lượng xe cộ cá nhân, xe vận tải thương mại và máy bay sẽ tăng mạnh trong dài hạn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong dài hạn do những thay đổi về thói quen đi lại của người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch và do sự cạnh tranh từ xe điện.

Tổ chức này nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ bắt đầu bão hòa sau năm 2035. Báo cáo của OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt mức 106,6 triệu thùng/ngày vào năm 2030, giảm 600.000 thùng so với con số dự báo đưa ra vào năm ngoái.

Báo cáo OPEC viết: “Làm việc từ xa đã trở thành điều bình thường mới đối với nhiều công ty do tác động của đại dịch. Tăng trưởng nhu cầu dầu trong dài hạn cũng sẽ bị hạn chế do sự phổ cập của xe điện”.

Tuy nhiên, Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, cho rằng số lượng xe điện lưu hành trên thế giới sẽ đạt khoảng 500 triệu chiếc vào năm 2045, chiếm khoảng 20% tổng lượng xe cộ. Xe động cơ đốt trong được dự báo vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 76% thị phần vào năm đó.

Dù dự báo nhu cầu tăng trong những năm tới nhưng OPEC cho rằng mức tăng chủ yếu giúp Mỹ và các nước sản xuất khác được hưởng lợi, do vậy, sản lượng dầu của OPEC trong năm 2026 có thể chỉ đạt 34,1 triệu thùng/ngày, dưới mức của năm 2019.

OPEC thay đổi quan điểm hồi năm ngoái khi nhìn nhận rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trong tương lai. OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu về mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, thấp hơn 900.000 thùng so với dự báo đưa ra trong năm 2020.

Dù vậy, OPEC vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu trong tương lai và dự báo thị phần dầu của OPEC sẽ tăng vào cuối thập kỷ này khi sự cạnh tranh của các đối thủ ngoài OPEC giảm xuống. OPEC nhận định sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.

Từ nay đến năm 2045, cần đầu tư thêm 11,8 ngàn tỉ đô la

Với nhu cầu đang phục hồi, OPEC và các nước đồng minh bao gồm Nga, hay còn gọi là liên minh OPEC+, đang thu hẹp thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục được triển khai vào năm ngoái khi nhu cầu tiêu thụ lao dốc do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy OPEC+ không thể tăng nhanh sản lượng một phần do thiếu đầu tư và điều đó đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong những tuần gần đây, giữa lúc nhiều nơi trên thế  giới bao gồm châu Âu và Trung Quốc đang thiếu thốn năng lượng.

Giá dầu Brent ở London đã vượt qua ngưỡng 80 đô la/thùng hôm 28-9, mức cao nhất trong 3 năm qua. Mức tăng mạnh của giá cả năng lượng đang gây ra tác động lan tỏa trong nền kinh tế toàn cầu, đẩy chi phí sản xuất lên cao hơn và rốt cục, sẽ gây tổn thương cho người tiêu dùng do giá hàng hóa tăng.

Báo cáo của OPEC nhấn mạnh, thế giới cần tiếp tục đầu tư phát triển các mỏ dầu để tránh nguy cơ thiếu hụt năng lượng và bất ổn địa chính trị ngay cả khi tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang tăng tốc.

Quan điểm của OPEC đối lập với các tổ chức khác bao gồm Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), từng khuyến cáo các nhà đầu tư dừng rót tiền vào các dự án khai thác dầu mới nếu thế giới muốn tiến đến mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng.

Năm ngoái, OPEC+ nhất trí thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ ngày, tương đương 10% nguồn cung dầu toàn cầu. Với nhu cầu đang hồi phục, những thùng dầu bị cắt giảm này đang được đưa trở lại thị trường nhưng OPEC nhấn mạnh rằng cần phải tăng cường đầu tư phát triển nguồn cung để tránh nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai.

Năm ngoái, chi tiêu đầu tư toàn cầu cho mảng thượng nguồn dầu khí (tìm kiếm, thăm dò và khai thác) giảm gần 30%, về mức 240 tỉ đô la do tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Barkindo viết: “Rõ ràng việc thiếu đầu tư vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ. Nếu thiếu vắng những khoản đầu tư cần thiết, có nguy cơ thị trường năng lượng sẽ biến động mạnh hơn và xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tương lai”.

Ông cho rằng nếu các khoản đầu tư cần thiết không được triển khai, điều này có thể không chỉ dẫn đến những hậu quả bao gồm giá khí đốt tăng vọt như đang xảy ra ở châu Âu và những nơi khác mà còn gây ra những tổn thương trong dài hạn đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Ông nói từ nay đến năm 2045, thế giới cần đầu tư thêm 11,8 ngàn tỉ đô la cho mảng thượng nguồn, trung nguồn (vận chuyển, lưu trữ và phân phối) và hạ nguồn (lọc, hóa dầu) của ngành công nghiệp dầu mỏ.

Reuters, Aljazeera

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới