Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

OPEC+ duy trì hạn chế sản lượng dù dầu Nga bị áp giá trần

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên minh OPEC+, gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, nhất trí duy trì hạn chế sản lượng sau khi phương Tây hạn chế giá dầu của Nga. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh họ lo ngại sự gia tăng các đợt phong tỏa mới liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc và sự không chắc chắn về khả năng xuất khẩu dầu của Nga.

OPEC+ quyết định duy trì mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương 2% nhu cầu toàn cầu, như đã thỏa thuận trong cuộc họp hồi hồi tháng 10. Ảnh: leadership.ng

Sau cuộc họp trực tuyến hôm 3-12, OPEC+ đã đồng ý duy trì việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11-2022 đến cuối năm 2023 như đã thỏa thuận ban đầu vào tháng 10. Quyết định này cho phép OPEC+ có thời gian đánh giá tác động thị trường của mức trần giá dầu Nga 60 đô la Mỹ/thùng mà Liên minh châu Âu (EU) và khối cường quốc công nghiệp G7 vừa nhất trí vào cuối tuần qua.

Một số thành viên OPEC+ trước đây đã xem xét khả năng tăng sản lượng để lấp khoảng trống có thể xảy ra đối với sản lượng dầu của Nga sau khi lệnh cấm vận dầu Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực vào ngày 5-12. Nhưng họ cũng thận trọng vì lo ngại nếu bơm thêm dầu, giá dầu có thể xuống thấp hơn sau khi đã giảm 13% trong tháng qua.

Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10 do tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc và toàn cầu cũng như lãi suất cao hơn, khiến thị trường đồn đoán OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng một lần nữa.

Chốt phiên giao dịch hôm 2-12, giá dầu Brent chuẩn quốc tế tại London ở mức 85,42 đô la Mỹ và giá dầu Tây Texas của Mỹ ở mức 80,34 đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức 90 đô la Mỹ/thùng mà OPEC+ kỳ vọng, theo các nhà phân tích.

Giá dầu chịu áp lực giảm do các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc khiến OPEC+ lo nhu cầu dầu suy yếu. Giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi thị trường đón nhận tin EU đạt được thỏa thuận áp giá trần dầu Nga.

Các thương nhân không tin cơ chế giá trần này sẽ buộc Nga phải dừng xuất khẩu một lượng lớn dầu, có thể gây ra cú sốc nguồn cung. Giá dầu Urals của Nga đã giao dịch với mức chiết khấu sâu trong năm nay. Theo Argus Media, giá dầu Urals đang ở mức chỉ khoảng 48 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn nhiều so với mức trần giá 60 đô la Mỹ mà phương Tây áp đặt.

Mỹ và các đồng minh thiết kế mức giá trần này để cắt giảm doanh thu dầu mỏ của Moscow nhưng vẫn giúp duy trì dầu của Nga, một phần quan trọng trong nguồn cung toàn cầu, có sẵn trên thị trường.

Cơ chế giá trần tận dụng sự tập trung của các dịch vụ hàng hải quan trọng ở phương Tây để hạn chế nguồn thu xuất khẩu năng lượng phục vụ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Theo lệnh trừng phạt mới của EU, các công ty điều hành tàu chở dầu sẽ bị cấm sử dụng dịch vụ bảo hiểm, tài chính, vận chuyển của các công ty phương Tây nếu vận chuyển dầu của Nga được mua với giá cao hơn giá trần 60 đô la Mỹ.

Hôm 3-12, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng Nga sẵn sàng cắt giảm sản lượng hơn là bán dầu dưới mức giá trần. Nhiều nhà phân tích cho rằng mức giá trần có thể không hiệu quả vì Moscow bán phần lớn dầu cho những nước đã từ chối lên án cuộc chiến ở Ukraine như Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, các đại biểu của OPEC cho biết sản lượng có thể được nâng lên vào đầu năm tới. Họ ước tính xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm hơn 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày do cơ chế giá trần. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán mức giảm xuất khẩu của Nga là 1,4 triệu thùng mỗi ngày.

Trong tháng 10, Nga xuất khẩu trung bình 9,9 triệu thùng/ngày. Liên minh OPEC+ không có kế hoạch xem xét lại sản lượng cho đến cuộc họp tiếp theo vào ngày 4-6-2023. Nhưng hôm 3-12, OPEC cho biết họ sẵn sàng họp bất cứ lúc nào và thực hiện các biện pháp bổ sung ngay lập tức để ứng phó các diễn biến của thị trường nếu cần.

Các nhà phân tích của Ngân hàng JP Morgan nhận định, OPEC+ có thể xem xét lại sản lượng trong năm mới dựa trên dữ liệu mới về xu hướng nhu cầu của Trung Quốc và sự tuân thủ của các nước nhập khẩu dầu đối với giới hạn giá dầu Nga và lưu lượng tàu chở dầu của Nga.

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ hồi tháng 10 đã khiến Nhà Trắng và Đảng Dân chủ ở Mỹ tức giận vì họ cho rằng điều này làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế nguồn lực tài chính hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Nhưng theo nguồn tin, các quan chức Mỹ trong những ngày gần đây cho biết họ sẽ không phàn nàn với OPEC+ nếu liên minh này tiếp tục duy trì mức giảm sản lượng hiện nay vì giá dầu đã giảm đáng kể.

Theo WSJ, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới