(KTSG Online) – Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là liên minh OPEC+, nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng chính thức đến hết năm 2025. Đồng thời, liên minh này cũng đồng ý kéo dài hai thỏa thuận giảm sản xuất tự nguyện của một số thành viên quan trọng bao gồm Saudi Arabia và Nga theo hai thời hạn khác nhau.
- OPEC+ kéo dài thỏa thuận tự nguyện giảm sản lượng dầu
- Thị trường dầu bước vào ‘chu kỳ gấu’, gây áp lực lên OPEC
Sau hội nghị cấp bộ trưởng ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia hôm 2-6, OPEC+ đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm 2 triệu thùng/ngày thêm 12 tháng, thay vì kết thúc vào cuối năm nay theo kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, OPEC + cho phép Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng dần sản lượng cơ bản trong năm 2025 thêm 300.000 thùng/ngày.
Một thỏa thuận khác của 8 thành viên OPEC nhằm giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ dự kiến hết hạn vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, theo thông báo Bộ Năng lượng Saudi Arabia, thỏa thuận này sẽ tiếp tục được thực hiện đầy đủ trong quí 3, sau đó sẽ được nới lỏng dần trong 12 tháng tiếp theo.
Thêm một thỏa thuận giảm sản lượng tự nguyện gần 1,7 triệu /ngày của 9 thành viên OPEC cũng được gia hạn đến hết năm 2025, thay vì chấm dứt vào cuối năm nay. Số thùng dầu cắt giảm sản xuất trong 3 thỏa thuận nói trên chiếm khoảng 6% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày.
“Chúng tôi sẽ duy trì cách tiếp cận thận trọng và phủ đầu, bao gồm khả năng tạm dừng hoặc thậm chí đảo ngược việc loại bỏ dần sản lượng cắt giảm”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nói với các phóng viên sau cuộc họp.
Động thái mới nhất của OPEC+ cho thấy liên minh này vẫn lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu. Gần đây, giá dầu thô trên thị trường quốc tế suy giảm trong bối cảnh triển vọng phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc vẫn mong manh và tốc độ giảm lãi suất ở các nền kinh tế công nghiệp lớn bị hoài nghi. Trong tháng trước, giá dầu Brent ở London giảm 7,1%.
Các nhà phân tích nhận định trái chiều về tác động từ động thái mới nhất của OPEC+. “Thỏa thuận trên loại bỏ một lượng dầu đáng kể khỏi tính toán của chúng tôi trong cả năm nay và năm tới. Điều này sẽ giúp OPEC+ nắm quyền kiểm soát thị trường dầu thô toàn cầu”, Amrita Sen, giám đốc nghiên cứu kiêm đồng sáng lập của hãng tư vấn Energy Aspects nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác hoài nghi về khả năng hấp thụ của thị trường đối với những thùng dầu trong thỏa thuận cắt giảm tự nguyện được đưa trở lại thị trường trong tháng 10.
“Chúng tôi coi kết quả cuộc họp của OPEC+ là tin bi quan đối với giá dầu”, các nhà phân tích của Goldman Sachs viết trong một báo cáo. Nếu giá dầu tiếp tục giảm trong năm nay, điều đó có thể cải thiện triển vọng kinh tế ở các nước phát triển bao gồm Mỹ, nơi các ngân hàng trung ương đang vật lộn kiềm chế lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, giá dầu thấp sẽ đe dọa doanh thu của các nhà sản xuất như Saudi Arabia, nơi cần giá gần 100 đô la Mỹ/thùng để tài trợ cho kế hoạch chi tiêu đầu tư tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman, Thủ tướng Saudi Arabia.
Thỏa thuận hôm 2-6 cũng giúp giải quyết tạm thời về các tranh cãi về công suất dầu mỏ của một nước thành viên OPEC+. Liên minh này đã thuê bên thứ ba đánh giá năng lực sản xuất của các thành viên với mục đích thiết lập lại mức sản xuất cơ bản được sử dụng để tính toán số thùng dầu cắt gảm của họ trong năm 2025. Nhưng giờ đây, OPEC+ nhất trí lùi thời hạn hoàn thành quá trình đánh giá đó đến tháng 11-2026.
Một số nhà xuất khẩu lớn của OPEC+ đang tìm cách nâng mức sản xuất cơ bản, có thể gây rủi ro cho nỗ lực ổn định thị trường dầu của liên minh này. Trong cuộc họp hôm 2-6, OPEC+ cho phép UEA tăng mục tiêu sản xuất thêm 300.000 thùng/ngày trong năm tới. Quốc gia vùng Vịnh này đã đầu tư mạnh vào các dự án dầu mỏ mới trong những năm gần đây.
“Đây không phải là sự thiện vị UAE”, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman nói, và giải thích thêm sự điều chỉnh chỉ nhằm đưa tỷ lệ cắt giảm sản lượng so với mức sản xuất cơ bản của UEA phù hợp với các thành viên khác.
Để các điều kiện thị trường vẫn thắt chặt, OPEC+ cần đảm bảo rằng các thành viên đang thực hiện đầy đủ các mức cắt giảm theo cam kết của họ. Trong khi một số thành viên gồm Saudi Arabia, Kuwait và Algeria tuân thủ mức cắt giảm theo cam kết, các thành viên khác như Iraq, Kazakhstan và Nga lại trì hoãn và tiếp tục vượt quá hạn ngạch được chỉ định của họ tổng cổng vài trăm ngàn thùng mỗi ngày.
Trong nhiều năm qia, Iraq phản đối các giới hạn sản xuất của OPEC+ vì nước này cần doanh thu để xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh và các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Nga cần doanh thu dầu mỏ để hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến ở Ukraine.
Kazakhstan đang muốn triển khai các khoản đầu tư mới vào năng lực sản xuất dầu. Tại cuộc họp hôm 2-6, cả 3 nước này cam kết thực hiện cắt giảm bổ sung để bù đắp cho tình trạng sản xuất quá hạn ngạch trước đây.
Theo Bloomberg, CNBC