Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Padang – thủ phủ Tây Sumatra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Padang – thủ phủ Tây Sumatra

Bài: Nguyễn Kim Oanh – Ảnh: Lệ Huyền

Đảo Pisang Kecil ở bãi biển Air Manis, Padang. Khi nước xuống, du khách có thể lội bộ sang đảo.

(TBKTSG Online) – Sáng hôm sau dậy sớm, chúng tôi ra bến xe đi Padang, nhưng không vào phòng vé mà đi ‘xe dù’. Mỗi người chỉ phải trả 24.000 Rp, rẻ hơn mua vé xe trong bến, đến Padang xe đưa khách về tận nhà hay khách sạn, nhưng phải chờ khá lâu cho đủ 7 người, đầy xe mới chạy.

Kỳ 1: >>> Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia.
Kỳ 2: >>> Một vòng quanh hồ núi lửa Toba.
Kỳ 3: >>> Lên cao nguyên Minangkabau.
Kỳ trước: >>> Mininjau – Viên ngọc bích trên đỉnh núi.

Chúng tôi nói với bác tài rằng muốn tới bến xe Damri ở Padang để đi vịnh Bungus, anh ta đòi mỗi người phải trả thêm 10.000Rp nhưng chúng tôi không chịu, chỉ trả thêm 10.000Rp cho hai người luôn. Khổ nỗi, ngôn ngữ bất đồng nên tôi nói hoài anh ta vẫn không hiểu ý.

Vịnh Bungus.

Thật ra, tôi muốn kêu chở tới Brigittes house, nơi tôi định nghỉ trọ ở Padang nhưng cô bạn đi cùng lại muốn ra bến xe đi Bungus ngay nên tôi đành chiều theo. Cuối cùng chúng tôi đến bến xe Damri tìm hỏi xe đi vịnh Bungus.

Giữa trưa nắng chói chang, hai đứa leo lên xe một chiếc xe Angkots (một loại xe giống xe Daihatshu đời cũ , ở Việt Nam đã ngừng sử dụng từ lâu còn bên này thì đầy xe loại này), trần thấp, xe nhỏ (sức chứa 12 chỗ) nhưng trên xe lúc này chắc khoảng 16 người (chưa tính bác tài), chất đầy đồ đạc nữa nên nóng kinh khủng.

Đến bãi biển Bungus, hai đứa vào một nhà nghỉ sát biển nhưng hết phòng. Chủ nhà nghỉ nói anh ta chỉ còn lều, nếu muốn thuê thì giá khoảng 50.000 – 60.000Rp. Cô bạn tôi đồng ý, nhưng tôi không muốn ngủ lều bãi biển vào mùa mưa thế này. Tôi nói, nếu không tìm chỗ trọ khác thì tôi sẽ quay lại trung tâm thành phố Padang. Thế là hai đứa đeo ba lô lội bộ chừng 5 phút thì gặp được cái nhà trọ tên là Carlos, giá 100.000Rp/đêm, chả có ai ở ngoài hai đứa tôi ra. Nội thất phòng thì ‘miễn bàn’, có chỗ trọ qua đêm là may lắm rồi.

Tới giờ cơm trưa, hai đứa ra cái quán gần đó vào ăn cơm. Quán này chỉ có cơm với cá hay trứng là chính. Người Indo ăn cay thật, đến đâu gọi món gì ra cũng đều có ớt, không ớt xanh thì cũng ớt đỏ xào củ với cá hay ớt sốt cá… Không có nước chấm, nếu có chỉ là nước cari chấm với đọt mì luộc. Bungus là cái vịnh nhỏ, có cầu tàu để đi ra các đảo, nơi hấp dẫn những người thích bơi lặn ngắm san hô như Sukuai hay Pagang… Chứ xung quanh chẳng có dịch vụ du lịch nào khác.

Kéo lưới bắt cá ven bờ vịnh Bungus.

Tôi ra bãi xem một nhóm khoảng hơn 15 người kéo lưới gần bờ trước nhà nghỉ, cứ khoảng hơn nửa tiếng lại kéo một mẻ, mỗi lần kéo lên chỉ vài chú cá to, còn lại toàn cá bé. Nhiều thanh niên xúm lại xem và vài người hỏi mua cá tại chỗ; số cá còn lại họ sẽ đem ra chợ bán. Nghe nói nhóm người kéo lưới làm ăn chia, xem ra cũng không được nhiều vì chỉ đánh bắt sát bờ, nhìn ai cũng nhễ nhại mồ hôi, vất vả kiếm miếng ăn.

Khi mấy người đánh cá vác lưới đi nơi khác, tôi mon men vào quán Carlos hỏi mua trái dừa to, giá 10.000Rp (khoảng 22.000đồng) và ngồi trò chuyện với người làm ở đây. Buổi chiều cũng có một vài gia đình chạy xe từ Padang xuống đây chơi ngồi ngắm hoàng hôn rồi về. Lát sau, mây đen kéo đến ùn ùn và một cơn mưa to như trút, nước tràn vào hiên nhà nghỉ vì cống thoát nước bị nghẹt. Mưa kéo dài tới chiều tối, chả biết làm gì ở cái nhà trọ chỉ có hai đứa tôi ở, nên đành phải mặc áo mưa đi ra tiệm tạp hóa gần đó mua mì gói ăn tối, rồi lăn ra ngủ sớm.

Bình minh yên ả trên vịnh Bungus.

Sáng ra trời quang mây tạnh, bầu trời trong xanh, chúng tôi thức dậy ngắm bình minh, mấy chiếc thuyền neo đậu gần bờ chờ khách đi đảo. Nhà nghỉ Carlos cũng có dịch vụ làm tour lặn ngắm san hô quanh mấy đảo trên hồ. Còn ông chủ nhà nghỉ này hóa ra cũng là một tay đi bụi ‘quốc tế’ có hạng, nhưng hôm qua khi mới gặp anh ta chúng tôi không nhận ra đó là chủ nhân nhà nghỉ này. Mái tóc xoăn dài ngang lưng, chân mang dép lê, quần ngắn và áo thun ba lỗ, trông rất bụi… mãi đến khi cô bạn đi cùng tôi bắt chuyện mới biết anh ta đã đi khắp nơi, từ châu Á sang châu Âu, gần hết mấy nước Đông Nam Á, nhưng chưa lần nào đến Việt Nam!

Khoảng 9 giờ, chúng tôi đón xe về lại trung tâm Padang, thuê xe ôm chở đến Brigittes House. Nhà khách này nằm ở phía nam của thành phố Padang, trong khu China Town. Chúng tôi ở phòng tập thể (dorm – phòng có nhiều giường tầng), mỗi người ở một ngày khoảng 100.000Rp (có suất ăn sáng), cùng phòng với một người Pháp qua đây ở 3 tháng là vì mê lướt sóng. Biển vùng này vốn nổi tiếng thích hợp với môn thể thao lướt sóng.

Hoàng hôn trên biển ở Padang.

Padang là thủ phủ của tỉnh Tây Sumatra, thành phố lớn thứ 3 trên đảo Sumatra, nằm bên bờ Ấn Độ Dương, vùng biển có rất nhiều hòn đảo xinh đẹp như cụm đảo Mentawai, Sukuai hay Pagang dành cho những ai thích bơi lặn ngắm san hô và lướt sóng.

Hôm nay ngày mùng 4 tết Nguyên đán, có lẽ người Hoa ở đây đông hơn trên Bukittinggi, đường phố treo đầy băng rôn mừng xuân và những dây đèn lồng đỏ treo khắp những dãy phố.

Chúng tôi vào một quán ăn người Hoa, gọi ra hai tô mì xào và bảo họ cho nhiều rau xanh vào rồi ngồi ăn no nê như lâu lắm không được ăn rau cải. Vừa ngồi ăn vừa trò chuyện phiếm với bà chủ quán này. Nghe tôi nói tiếng Hoa lưu loát, bà ta tưởng chúng tôi là người ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) qua đây du lịch, đến khi biết hai đứa con gái này là dân Việt nam đi du lịch tự túc thì mọi người trong quán đều trố mắt, ngạc nhiên. Họ nói, chưa hề thấy người Việt nào sang đây du lịch cả. Thế là có đề tài cho cả quán bàn tán rôm rả, có lẽ còn kéo dài sau khi chúng tôi rời khỏi quán.

Thuyền chở du khách ra đảo Pisang Kecil.

Trời Padang chiều nay mưa lất phất, chúng tôi chạy xe máy (thuê ở nhà nghỉ) quanh những con phố gần khách sạn, trên những con đường rợp bóng cây xanh rồi nhắm theo hướng ra biển để ngắm hoàng hôn, đúng lúc mặt trời từ màu vàng cam chuyển sang đỏ lựng đang sà dần xuống biển.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến bãi biển Air Manis nằm về hướng đi vịnh Bungus, cách trung tâm hơn 30 phút chạy xe. Đó là một địa điểm du lịch ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước vì thường có sóng bạc đầu cao, hợp cho môn lướt sóng và khung cảnh đẹp của núi Padang. Ngoài ra còn có hai hòn đảo nhỏ phía xa cách bờ biển này khoảng 200 mét là Pisang Kecil và Pisang Besar. Dân địa phương nói rằng có thể đi bộ qua hai hòn đảo này khi thủy triều xuống.

Chúng tôi tới nơi khi còn sớm quá nên bãi biển còn vắng, mới có vài người lướt sóng. Bãi cát màu xám mịn, rác thải thả bừa bãi vẫn chưa được thu dọn. Nơi chúng tôi gửi xe, có dịch vụ đưa khách sang tham quan hai đảo Pisang Kecil và Pisang Besar với giá 100.000Rp. Sau khi thương lượng, chúng tôi lên được đảo Pisang Kecil với giá 50.000Rp.

Đảo Pisang Kecil ngày vắng khách.

Trên đảo rất vắng, chỉ có hai chúng tôi và hai người chèo thuyền đi cùng, chỉ thấy mấy cái chòi bán hàng bỏ trống nằm giữa vườn dừa. Về lại bờ, chúng tôi tìm đường lên đồi Padang để ngắm toàn cảnh thành phố, nhưng chạy loanh quanh tìm hoài không thấy đường lên nên đành quay về nhà nghỉ trả phòng. Còn khoảng vài giờ nữa chúng tôi mới ra phi trường đáp chuyến bay đêm sang Jakarta, nên còn thời gian để tham quan viện bảo tàng quốc gia Adityawarman nằm trên đường Jl Diponegoro, cách nhà nghỉ Brigittes House khoảng 3km.

Bảo tàng quốc gia này mang tên đức vua Adityawarman, được cho là người đã thành lập vương quốc và trị vì vào khoảng từ 1347 đến 1375. Bảo tàng này có diện tích 2,6 hecta, được khánh thành năm 1977 – là bảo tàng văn hóa quan trọng nhất ở Tây Sumatra, nơi lưu giữ và bảo tồn lịch sử của người Minangkabau (có nguồn gốc từ Malaysia) một trong những nhóm dân tộc lớn ở Indonesia. Bên trong bảo tàng, họ trưng bày những nông cụ và sản phẩm làm ra từ nông nghiệp như các loại bánh và các loại gia vị, phong tục, trang phục mặc trong lễ cưới và ngày thường của người Minangkabau… Giá vé vào cửa tham quan bảo tàng là 2.000 Rp

Trang phục cưới của người Minangkabau được trưng bày trong Bảo tàng quốc gia Adityawarman.

Sắp tới giờ ra sân bay, chúng tôi về lại nhà nghỉ trả xe máy và ra trạm xe buýt ngồi chờ. Ở đó, tình cờ chúng tôi gặp một cô gái người Indo cũng đang ngồi chờ bạn trai đến đón, cả ba trò chuyện vui vẻ. Lát sau, bạn trai cô ấy đến, không biết hai người nói gì mà anh bạn của cô gái nói sẽ đưa chúng tôi ra thẳng sân bay Padang và còn mời chúng tôi ăn bữa tối trên đường đi. Thật bất ngờ, chúng tôi vui vẻ cám ơn và xin đi nhờ xe nhưng từ chối bữa cơm tối; bởi hôm ấy là ngày 14/02 – ngày lễ Tình Nhân – chúng tôi không muốn làm phiền đôi bạn người Indo tốt bụng này nữa.

Không ngờ trước khi tạm biệt hòn đảo này, chúng tôi lại gặp được những người không quen tốt đến như vậy, xem như là món quà may mắn của người thành phố này dành tặng cho chúng tôi như một kỷ niệm đẹp. Tạm biệt Padang, chúng tôi thầm hẹn sẽ quay lại nơi này khi có dịp. Hành trình khám phá Indonesia của chúng tôi sau khi rời Sumatra sẽ là Bali và… Xin hẹn dịp khác trở lại kể tiếp chuyện rong chơi.

Kỳ cuối: Du lịch Sumatra – Đôi điều chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới