Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Nợ xấu có thể đạt đỉnh vào quí 2-2024

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Nếu đà hồi phục tiếp tục được duy trì, doanh nghiệp bắt đầu có doanh thu, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng, các doanh nghiệp đang mắc nợ có nguồn tiền để thu xếp nợ, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ giảm”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Khó xảy ra “cục máu đông” nợ xấu

KTSG: Nợ xấu tăng trong quí 1-2024 là vấn đề đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước và điều này cũng được thể hiện trong Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quí 1-2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo nhận định của ông, tình trạng trên mang tính kỹ thuật hay nợ xấu thực tế vẫn đang tăng dù Thông tư 02/2023 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn đang có hiệu lực?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân

- PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Tăng trưởng tín dụng bùng nổ trong những ngày cuối của quí 4-2023 khiến nợ xấu toàn ngành ngân hàng giảm từ mức 2,24% của cuối quí 3-2023 xuống còn mức 1,93%. Đó là sự giảm sút mang tính kỹ thuật. Tính đến thời điểm 25-3-2024, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 0,26%, trong khi đó, nợ xấu trong toàn hệ thống được nhận định là tăng cao. Như vậy, nợ xấu đang tăng trên thực tế chứ không phải chỉ mang yếu tố kỹ thuật.

Vậy thì nợ xấu tăng ở đâu? Ngay khi bối cảnh kinh tế trở nên khó khăn hơn, các ngân hàng thương mại đã siết chặt hoạt động cấp tín dụng, chẳng hạn, giảm tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm, hạn chế cho vay với các khách hàng không chứng minh được dòng tiền…, ngăn chặn nguy cơ xảy ra nợ xấu với những khoản vay mới. Vì thế, khả năng thuyết phục hơn là nợ xấu đến từ các khoản vay cũ là các khoản vay dài hạn, hoặc vay dài hạn núp bóng ngắn hạn. Khi tình trạng khó khăn của nền kinh tế kéo dài, doanh nghiệp không thể gồng gánh nổi để trả nợ lãi và buông tay, kết quả là nợ xấu xuất hiện.

KTSG: Ông từng dự báo nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, vậy tới giờ, nhận định ấy có còn được duy trì hay có sự điều chỉnh thế nào? Thông tư 02/2023 và đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng thông tư này nếu được chấp thuận sẽ có tác động ra sao? Xin ông phân tích cụ thể.

- Dù vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, nền kinh tế quí 1-2024 đã có dấu hiệu hồi phục. Đó là tín hiệu rất đáng mừng. Nếu đà hồi phục tiếp tục được duy trì, doanh nghiệp bắt đầu có doanh thu, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng, các doanh nghiệp đang mắc nợ có nguồn tiền để thu xếp nợ, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ giảm. Tôi hy vọng nợ xấu có thể đạt đỉnh vào quí 2-2024, sau đó sẽ đi theo xu hướng giảm từ quí 2-2024 cho tới cuối năm.

Các ngân hàng thương mại cần công bố hai con số, số nợ xấu khi đã áp dụng Thông tư 02/2023 và số nợ xấu nếu không áp dụng Thông tư 02/2023 để nâng cao tính minh bạch cho hệ thống. Nếu công khai các con số này, các ngân hàng thương mại sẽ phải chịu áp lực, đồng thời, cũng có thêm động lực để dự phòng cho những khoản nợ nhiều nguy cơ trở thành nợ xấu và có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Thông tư 02/2023 và đề xuất kéo dài thời gian áp dụng thông tư này là một câu chuyện khác. Mục đích của Thông tư 02/2023 là giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi và trả nợ, vì thế, tôi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, gia hạn áp dụng thông tư này là phù hợp. Điều này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, trong đó, đối với ngân hàng thương mại, họ sẽ thoải mái hơn trong việc cung cấp các khoản tín dụng mới.

Tuy nhiên, phải lường trước tình huống sẽ xảy ra khi Thông tư 02/2023 hết hiệu lực. Ngoài một số lượng nhất định doanh nghiệp đã tận dụng tốt khoảng thời gian được gia hạn để phục hồi sản xuất, có thể tái cơ cấu nợ, sẽ xuất hiện những khoản nợ xấu mới. Nếu tỷ lệ tăng thêm này quá cao, dù đó chỉ là nợ xấu mang tính kỹ thuật, nó vẫn có thể gây những cú sốc nhất định cho nền kinh tế.

Vì vậy, tôi kiến nghị các ngân hàng thương mại cần công bố hai con số, số nợ xấu khi đã áp dụng Thông tư 02/2023 và số nợ xấu nếu không áp dụng Thông tư 02/2023 để nâng cao tính minh bạch cho hệ thống. Khi người dân và nhà đầu tư có cái nhìn đầy đủ về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại, họ có thể có quyết định đúng đắn hơn, lựa chọn những ngân hàng tốt để đầu tư.

Nếu công khai các con số này, các ngân hàng thương mại sẽ phải chịu áp lực, đồng thời, cũng có thêm động lực để dự phòng cho những khoản nợ nhiều nguy cơ trở thành nợ xấu và có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

KTSG: Liệu trong năm 2024 có khả năng xuất hiện tình trạng “cục máu đông” nợ xấu như từng xảy ra hơn 10 năm trước hay không, thưa ông? Nếu điều này xảy ra, hệ lụy sẽ như thế nào?

- Để giảm được tỷ lệ nợ xấu, chỉ có hai cách, bằng mọi cách thúc đẩy nền kinh tế phát triển và phá băng thị trường bất động sản. Do đó, nếu sự hồi phục của nền kinh tế không diễn ra thuận lợi do các tình huống khách quan, bất khả kháng và thị trường bất động sản đóng băng như giai đoạn 2012-2016, tình hình nợ xấu có thể sẽ rất nan giải.

Trong tình huống xấu nhất này, những hệ lụy sẽ lớn hơn so với thời điểm năm 2012. Đây là điều đương nhiên bởi quy mô nền kinh tế năm 2023 đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2012. Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, hơn 10 năm trước, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng chưa đến 3.000 tỉ đồng. Hiện tại, các ngân hàng đều tăng vốn điều lệ lên gấp hàng chục lần. Nợ xấu tính theo số tuyệt đối đã lớn hơn rất nhiều so với năm 2012.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có kinh nghiệm điều hành vượt qua những thời điểm khó khăn. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang được triển khai, tới giờ đã có đề án sáp nhập một số ngân hàng yếu kém vào các ngân hàng tốt hơn để thực hiện tái cấu trúc. Bản thân các ngân hàng thương mại đã áp dụng quản trị rủi ro tốt hơn, theo chuẩn mực quốc tế Basel II và Basel III. Vì thế, xác suất xảy ra “cục máu đông” nợ xấu nghiêm trọng như năm 2012 rất thấp. Trong trường hợp kịch bản 2012 lặp lại, nó sẽ bị giới hạn trong quy mô nhỏ hơn và NHNN sẽ có phương án ứng phó hợp lý.

Tăng tính minh bạch của việc thanh tra, giám sát

KTSG: Nhìn từ góc độ kiểm soát và xử lý nợ xấu, từ trước tới nay, phải chăng chúng ta chỉ đang xử lý phần ngọn, bằng các nghiệp vụ của ngân hàng thương mại hoặc can thiệp về chính sách như việc ban hành Thông tư 02/2023? Để xử lý từ gốc, theo ông, chúng ta nên làm như thế nào?

- Để xử lý dứt điểm nợ xấu, ngân hàng thương mại sẽ phát mãi tài sản bảo đảm và thu hồi nợ song song với trích lập dự phòng rủi ro 100% cho khoản nợ; việc trích lập dự phòng phải được thực hiện trước. Sau các bước thủ tục theo quy định của pháp luật, ngân hàng sẽ phát mãi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, và sẽ hoàn nhập dự phòng, khoản hoàn nhập được gọi là thu nhập khác.

Tuy vậy, nếu thực hiện trích lập dự phòng rủi ro 100%, các ngân hàng thương mại phải sử dụng tới vốn tự có, hiện tại ở một ngân hàng là vào khoảng 5% tổng tài sản. Mức nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đang dưới 3% nhưng nếu xét theo từng ngân hàng, sẽ có trường hợp nợ xấu vượt quá 5% nên nếu xử lý triệt để, ngân hàng đó sẽ không còn vốn, thậm chí âm vốn tự có.

Nhìn chung, từ trước tới nay, chúng ta không xử lý nợ xấu mà chỉ che nợ xấu, giấu nợ xấu theo kiểu “giấu bụi vào thảm”, chờ khi kinh tế tốt lên, thị trường bất động sản hồi phục thì phát mãi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Trong thời kỳ nợ xấu trầm trọng bắt đầu từ năm 2012, chúng ta lập ra Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), giúp các ngân hàng thương mại giảm nợ xấu trên sổ sách và có nguồn tiền để duy trì hoạt động. Sau 10 năm hoạt động, nhiều khoản nợ được bán cho VAMC vẫn chưa xử lý xong, nghĩa là, nếu để xảy ra nợ xấu đến mức phải xử lý theo phương án áp dụng cách đây 10 năm, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ mất thêm ít nhất 10 năm để xử lý các khoản nợ xấu.

Khi xảy ra cú sốc từ nền kinh tế, đặc biệt từ thị trường bất động sản, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng. Đó là rủi ro hệ thống, ngân hàng thương mại không đủ khả năng phòng tránh. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng thương mại áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro tiên tiến như Basel II, Basel III, khi gặp rủi ro hệ thống, họ sẽ chỉ phải đối diện với căng thẳng tài chính, chứ không đến mức mất thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu có tăng nhưng không vượt qua con số báo động. Chỉ khi ngân hàng thương mại cố tình làm sai, như trường hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa qua thì họ mới phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng đến vậy.

KTSG: Từ góc độ quản lý vĩ mô, tái cơ cấu và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại được cho là giải pháp căn cơ nhất để xử lý tình trạng nợ xấu. Quan điểm của ông như thế nào? Xin ông đưa ra một vài gợi ý…

- Lĩnh vực tài chính ngân hàng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chẳng hạn, ngăn chặn hoàn toàn sở hữu chéo dẫn đến cho vay sân sau rất khó bởi vì dù các quy định đã có và tương đối chặt chẽ, các cách lách luật lại tinh vi, khó phát hiện hơn. Quyết tâm là một chuyện, thực tế xảy ra là một câu chuyện khác.

Vậy nên, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để hạn chế những vấn đề do con người tạo ra. Từ phía cơ quan quản lý, nghiệp vụ thanh tra, giám sát của NHNN phải được nâng cao, kịp thời phát hiện sai phạm trước khi quá muộn. Để tăng cường hơn tính minh bạch, cần một cơ quan độc lập theo dõi, đánh giá hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN, chẳng hạn Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm tra chéo theo định kỳ.

Đối với từng ngân hàng thương mại, cần nâng cao vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập. Thành viên hội đồng quản trị độc lập cần do cổ đông thiểu số bầu ra, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cổ đông thiểu số. Trên thực tế, vấn nạn cho vay sân sau, cho vay công ty liên kết luôn liên quan tới các thành viên hội đồng quản trị, phục vụ cho nhóm lợi ích này. Thành viên hội đồng quản trị độc lập nếu đứng về phía quyền lợi của cổ đông thiểu số sẽ có thể chất vấn, phủ quyết các quyết định có dấu hiệu sai phạm. Nếu chưa đủ số phiếu để phủ quyết, thành viên hội đồng quản trị độc lập có thể thông báo về các dấu hiệu sai phạm của hội đồng quản trị.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải được coi như một yêu cầu bắt buộc với các ngân hàng thương mại để tăng tính minh bạch trong quản lý và điều hành của ngân hàng. Nếu tất cả hợp đồng đều là hợp đồng thông minh, nếu có sự theo dõi, kết nối dữ liệu khách hàng thì việc nhờ người đứng tên lập công ty để thực hiện các hợp đồng vay khống như tại SCB sẽ khó có thể xảy ra.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới