Thứ Năm, 27/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phá bỏ ‘chuồng cọp’, không thể chần chừ!

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cảnh người dân và chiến sĩ cảnh sát phá cửa sổ nhưng không thành, rồi cảnh khung sắt hàn kín như “chuồng cọp” trên sân thượng căn nhà 6 tầng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị cháy ngày 16-6 được chụp ảnh, quay clip đăng trên báo, càng gióng lên hồi chuông về các “chuồng cọp” trong đô thị.

Trên mạng xã hội cũng như trong comment (bình luận) của người đọc báo khi xem tin tức cháy nhà làm chết 4 người rất thương tâm này, có không ít người nhắc đến hậu quả xấu của “chuồng cọp”. Giá như các nạn nhân trong căn nhà 6 tầng ấy lên sân thượng và sân thượng không có khung sắt hàn kín, có thể việc cứu người sẽ khác đi.

Rất nhiều vụ cháy nhà dân ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trong vài năm qua, một trong những lý do khiến cho nạn nhân khó thoát ra ngoài, cũng như việc chữa cháy, cứu người bị cản trở, ít nhiều là do “chuồng cọp”. “Chuồng cọp” là các lồng sắt bịt kín ngoài ban công, sân thượng mà gia chủ thường làm để cơi nới diện tích nhà nhưng đa phần là mục đích chống trộm hay leo vào từ ban công, sân thượng.

Mấy tháng trước, Công an quận Tân Bình, TPHCM, nơi tôi đang ở, phối hợp với bảo vệ phu phố tới từng nhà dân phát tờ rơi “Thông tin tuyên truyền: Mở lối thoát nạn ở “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn khi có hỏa hoạn xảy ra”. Trước đó nữa, trong cuộc họp cư dân của khu phố, tôi cũng nghe ông khu phố trưởng nhắc nhở, vận động cư dân phá bỏ “chuồng cọp” mà ý ông ấy là mất cái ti-vi, cái điện thoại hay cái xe máy khi trộm leo vào nhà, vẫn “rẻ” hơn so với mạng sống.

Khi cháy nổ xảy ra, “chuồng cọp” lại chính là hiểm họa cho nạn nhân, bởi khói lửa bao trùm, lối thoát nạn duy nhất là ban công hoặc sân thượng đã bịt “đường sống” của nạn nhân. “Chuồng cọp” lúc này trở thành lồng giam kiên cố khiến nạn nhân khó thoát ra ngoài và người ngoài muốn vào cứu cũng không dễ dàng.

Công an quận nơi tôi ở vận động người dân phá dỡ “chuồng cọp” bằng cách từng hộ tự nguyện mở lối thoát hiểm thứ hai ngay tại vị trí lắp “chuồng cọp”, như làm cửa thoát nạn với chìa khóa để ở nơi dễ thấy, và nhiều cách thoát hiểm khác dành cho nhà có “chuồng cọp”… Nhưng, có lẽ cách hay nhất vẫn là phá bỏ “chuồng cọp” triệt để.

TPHCM hiện có khoảng 2,6 triệu hộ gia đình và tôi ước tính có chừng 2 triệu căn nhà. Chúng ta tưởng tượng cứ ba căn nhà ở thành phố này thì có ít nhất một căn nhà có “chuồng cọp” không ở sân thượng thì ban công, không ban công thì làm lồng sắt bịt kín từ tường rào vào tường nhà… Và, cứ mỗi nhà làm “chuồng cọp” bình quân vài triệu đồng/căn, có nghĩa người dân TPHCM bỏ ra vài ngàn tỉ đồng để làm “chuồng cọp”; ở Hà Nội chắc cũng không ít hơn.

Phá bỏ “chuồng cọp” bằng cách tháo bỏ hoặc làm cửa cho chuồng cọp, bản chất là thay đổi tư duy trong phòng chống hỏa hoạn. Về lâu dài, tiêu tốn tiền của trong cộng đồng cho “chuồng cọp” sẽ giảm dần.

Phá bỏ “chuồng cọp” rõ ràng là rất khó nhưng hiện nay chính là thời cơ để vận động người dân bỏ cái “lồng sắt giam giữ” gia đình mình; mạng sống bên trong “chuồng cọp” bao giờ cũng quý giá hơn tài sản mà cái “chuồng cọp” ấy bảo vệ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Một di sản đáng buồn và đáng tiếc. Chuồng cọp. Không hiểu tại sao lại có, và lại tồn tại cho đến tận bây giờ ? Chắc có lẽ vì lý do an toàn, cho chính bản thân mình. Chứ không phải vì người khác. Dù sao, điều này đã phản ánh một không khí sợ hãi quá lớn, khiến cho sự ích kỷ trở nên kéo quá dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới