“Phải cạnh tranh hơn” để thu hút FDI
Tư Hoàng
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh Chinhphu. |
(TBKTSG Online) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành và địa phương khẩn trương tháo gỡ những rào cản kinh doanh, để Việt Nam trở nên cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Phát biểu tại hội nghị 25 năm đầu tư nước ngoài tại Hà Nội sáng 27/3, ông nói: “Các nước trong khu vực đang cải cách mạnh để hút đầu tư. Nhật Bản đầu tư mạnh vào Indonesia, Malaysia, Thái Lan,… còn vào Việt Nam ít hơn, dù chúng ta là đối tác chiến lược. Vì thế, chúng ta phải xem xét lại môi trường kinh doanh”.
“Tôi yêu cầu các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương phấn đấu hơn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư để Việt Nam cạnh tranh cao hơn trong khu vực”, ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng than phiền rằng, bản thân ông phải ngồi thảo luận trực tiếp trong thời gian dài với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ những rào cản đầu tư cho một số dự án quy mô lớn như Samsung, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Lọc hoá dầu Phú Yên, khu vui chơi giải trí ở Vũng Tàu,…
Ông cũng nói phải trực tiếp xử lý nhiều vấn đề trong suốt 2 năm mới tháo gỡ khó khăn cho dự án PPP xây cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng do Nhật Bản đầu tư.
Trích báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tính đến tháng 2/2013 Việt Nam có 14.550 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỉ đô la Mỹ, trong đó gần 100 tỉ đô la Mỹ giải ngân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tỷ lệ giải ngân như trên là ít.
Ông Kyoshiro Ichikawa, phụ trách tiểu ban công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản lo ngại các chính sách thay đổi thường xuyên, và bị ảnh hưởng bởi những thủ tục hành chính rườm rà ở Việt Nam.
“Đã có những trường hợp các doanh nghiệp Nhật Bản phải chờ đợi thủ tục hành chính quá lâu đã phải nhờ sự can thiệp của cấp cao như Thủ tướng”, ông nói.
“Nếu Việt Nam cải thiện được môi trường đầu tư, đó là tin tốt cho nhà đầu tư Nhật Bản”, ông nói thêm.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng cho biết, trong năm qua bản thân ông đã phải tiếp hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm cơ hội làm ăn ở Việt Nam.
Ông cho rằng, Việt Nam tiếp tục sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt sau khi ông Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi làm Thủ tướng Nhật Bản.
“Chúng ta đang có cơ hội, nhưng cơ hội không kéo dài. Vì thế chúng ta phải tận dụng như thế nào cho tốt,” ông Hưng nói.
Tuy nhiên, ông than phiền: “Các doanh nghiệp Nhật Bản nói với tôi, nhiều năm nay chúng ta hứa sẽ phát triển công nghiệp phụ trợ. Họ hỏi cụ thể là gì thì chỉ dẫn ra được mấy văn bản của Thủ tướng”.
Ông nói: “Chúng ta đừng nói chung chung nữa. Cần làm gì để kéo họ vào chứ!”
Theo dự thảo nghị quyết về hut hút FDI trong thời gian tới của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, việc cấp phép cho các dự án FDI sẽ phải qua quy trình chặt chẽ hơn.
Dự thảo này cho rằng, những dự án có quy mô vốn đăng ký đầu tư mới từ 100 triệu đô la Mỹ trở lên, dự án sử dụng trên 5 ha đất đô thị,… sẽ phải được bộ này “chủ trì, tổng hợp” trình Thủ tướng chấp nhận, thay vì được chính quyền địa phương cấp phép như từ năm 2006 đến nay.
Quy định này tất nhiên gặp sự phản ứng của chính quyền các địa phương.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh nói: “Nếu thực hiện như thế thì như trói chân, trói tay các địa phương trong hut hút vốn FDI. Tôi nghĩ các tỉnh, thành phố sẽ không ủng hộ chủ trương này”.
Chủ tịch TP. Hải Phòng Dương Anh Điền nói thêm: “Chúng tôi đang rất hài lòng với cơ chế phân cấp hiện nay. Nếu muốn rút lên thì Chính phủ cần nghiên cứu kỹ”.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét tại hội nghị: “Tinh thần chung là phải phân cấp”. Ông nói: “Nếu vì vài sơ sót, mà không phân cấp cho địa phương mạnh, thì không phát huy năng động sáng tạo chịu trách nhiệm địa phương trong việc thu hút đầu tư”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phương hướng chung là cần hoàn thiện cơ chế phân cấp theo hướng vừa phát huy sự năng động sáng tạo của địa phương, vừa đảm bảo quản lý tập trung thống nhất của trung ương sao cho hạn chế thấp nhất sơ hở mà nhà đầu tư có thể gây hại cho lợi ích đất nước.