Phải chăng là một sự lãng phí nguồn thu?
Luật gia Đỗ Văn Hào
TPHCM hiện chưa cho phép quảng cáo ở thành ngoài xe buýt - Ảnh: Lê Toàn. |
Sau một thời gian dài, thí điểm rồi lại tạm ngưng để xem xét việc cho hay không quảng cáo trên xe buýt, ngày 15-6 vừa qua UBND TPHCM đã chính thức ra văn bản số 39/QĐ-UB cấm thực hiện việc quảng cáo trên xe buýt của thành phố. Theo chúng tôi, quyết định này có nhiều yếu tố không ổn.
Lý do của việc cấm quảng cáo là vì “có nhiều hạn chế, sai sót, thậm chí lệch lạc quan điểm, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục; còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý...” là chưa thuyết phục và mạng nặng tính hành chính chủ quan.
Trên thực tế, trong thời gian qua, khi được thí điểm thực hiện trên nhiều phương tiện giao thông, việc quảng cáo với bất cứ công ty nào, sản phẩm gì, nội dung thế nào đều đã thực hiện theo đúng các quy định của Pháp lệnh Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn; Sở Văn hóa - Thông tin trước đây và Sở Thông tin - Truyền thông hiện nay đều thực hiện việc quản lý và cấp phép. Nếu có vi phạm như giải thích của UBND thành phố thì tại sao vẫn được thực hiện? Qua quan sát trên nhiều phương tiện giao thông, hầu hết đều không có vấn đề gì vi phạm về thuần phong mỹ tục.
Xét về góc độ kinh tế, trong những năm qua, ngân sách thành phố dành cho trợ cấp xe buýt tăng lên hàng năm, từ 102 tỉ đồng năm 2003 lên 610 tỉ đồng năm 2008, chính UBND và Sở Giao thông vận tải TPHCM đã rất quan tâm và xây dựng nhiều phương án để giảm khoản tiền này. Trong khi đó, quảng cáo trên xe buýt là một trong số hoạt động có thể tạo nguồn thu quan trọng.
Hiện nay, toàn thành phố có hơn một chục doanh nghiệp kinh doanh với hơn 2.300 xe buýt lớn nhỏ. Theo một đề án của Sở Giao thông vận tải đã từng trình UBND thành phố, chỉ cần mỗi xe loại 80 chỗ đứng và ngồi dùng 24m2 quảng cáo với giá tối đa 50 triệu đồng/năm/xe, loại xe 54 chỗ, diện tích lấy quảng cáo khoảng 18m2 với giá 37,5 triệu đồng/năm/xe, xe 40 chỗ chỉ cần 16m2 cho quảng cáo với giá 33 triệu đồng/năm/xe thì số tiền thu được từ việc quảng cáo trên hơn 2.300 xe buýt này đã là 104 tỉ đồng, một con số không nhỏ thu về cho ngân sách và các doanh nghiệp vận tải.
Đó là chưa kể thực hiện việc đấu giá, số tiền thu về còn lớn hơn nhiều nữa. Đề án này còn đưa ra phương án phân chia nguồn thu khá hợp lý cho ngân sách và các doanh nghiệp để duy trì một số hoạt động kinh doanh, quảng cáo.
Qua thông tin trên báo chí, một số doanh nghiệp khi được hỏi đều rất quan tâm đến loại hình quảng cáo trên xe buýt do những giá trị mà nó đem lại, thậm chí còn hơn cả quảng cáo trên các pa-nô cố định. Tính cơ động, linh hoạt, phạm vi tiếp xúc công cộng rất lớn... và giá thành cũng thấp hơn so với các loại hình quảng cáo khác. Thực tế, trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã sử dụng loại hình quảng cáo này như: Coca-cola, điện thoại Motorola, Ngân hàng ACB, nước tăng lực Red Bull, nước khoáng Lavie, dầu ăn Neptune...
Thực tế, đây là loại hình quảng cáo khá phổ biến ở các nước khác trên thế giới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí, ngay trong nước ta, trong khi UBND TPHCM cấm quảng cáo trên xe buýt thì các tỉnh khác đều đã cho phép thực hiện việc này từ lâu như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương...
Tôi thấy cần phải có nhìn nhận khách quan từ nhu cầu thực tế và hiệu quả kinh tế mà nó đem lại.