(KTSG Online) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa ra văn bản quy định phải có nhiều lựa chọn trong việc đóng học phí không tiền mặt, không độc quyền một cổng thu phí SSC. Mong là ngoài học phí, cơ quan quản lý rà soát thêm những dịch vụ độc quyền khác, tiến tới quy định nguyên tắc chung “tất cả dịch vụ phải có nhiều cách cung cấp để phụ huynh lựa chọn”.
- Nhiều tỉnh, thành phố công bố học phí năm học mới, có nơi miễn học phí 100%
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị không tăng học phí năm học 2023-2024
Đầu tuần này, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM ban hành văn bản số 7561 /SGDĐT-KHTC về chấn chỉnh việc thu học phí không dùng tiền mặt (online), yêu cầu các trường phải tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh có nhiều sự lựa chọn trong thanh toán học phí. Các trường cũng phải chọn những phương thức thanh toán học phí online có mức phí dịch vụ thấp nhất hoặc miễn phí dịch vụ.
Điểm quan trọng nhất là văn bản này lưu ý sử dụng đúng tên "Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025", không tiếp tục sử dụng cụm từ "Đề án thẻ thanh toán học phí SSC”.
Với cụm từ "Đề án thẻ thanh toán học phí SSC”, nhiều trường và nhiều người đã tưởng lầm thanh toán học phí không dùng tiền mặt là phải dùng thẻ thanh toán SSC. Vì vậy, rất nhiều trường học ở TPHCM đã kết nối và mở sẵn tài khoản thẻ SSC cho tất cả học sinh như một lựa chọn duy nhất để phụ huynh đóng học phí online.
Từ khoảng năm 2015 đến nay, khi hệ thống SSC bắt đầu hoạt động, do không có sự lựa chọn khác, nhiều phụ huynh đã phải trả thêm khoản phí từ 7.000 đến 15.000 đồng cho mỗi lần đóng học phí online qua thẻ SSC. Lẽ ra, với dịch vụ ví điện tử, ngân hàng trực tuyến như hiện nay, phụ huynh có thể dễ dàng đóng học phí online miễn phí nếu được lựa chọn.
Nếu nhân số lượt đóng học phí qua thẻ SSC khoảng 9-10 lần trong một năm học với số học sinh, chúng ta sẽ thấy trong nhiều năm qua phụ huynh ở TPHCM đã phải chi một khoản tiền khổng lồ cho dịch vụ thu hộ học phí của SSC.
Chấn chỉnh này, tuy muộn, vẫn là tín hiệu tốt nhưng chưa đủ. Ngoài dịch vụ thu học phí, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cần tổng rà soát các dịch vụ khác đang được các trường học sử dụng.
Dịch vụ phổ biến nhất và dù không bắt buộc nhưng đa số phụ huynh vẫn phải đăng ký là sổ liên lạc điện tử. Dịch vụ này thường dùng để gửi thông tin thời khóa biểu mỗi ngày, lịch kiểm tra, lịch thi, các thông tin hoạt động của lớp, của trường đến phụ huynh thông qua tin nhắn SMS hoặc ứng dụng (app) cài trên điện thoại.
Trước đây, khi internet và smartphone còn chưa phổ biến, dịch vụ nhắn tin qua SMS có thể là cần thiết. Tuy nhiên, khi công nghệ đã phát triển như hiện nay, đặc biệt là ở TPHCM, việc cung cấp thông tin có nhiều lựa chọn và miễn phí. Thực tế sử dụng dịch vụ này của người viết bài cho thấy, những thông tin này hoàn toàn có thể cung cấp qua các kênh khác không tốn phí như Zalo hay website nhà trường.
Năm học 2023-2024, TPHCM có tổng số học sinh cả ba cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) là gần 1,4 triệu. Với mức thu phí sử dụng các dịch vụ công nghệ như thu học phí online, sổ liên lạc điện tử… hiện nay, số tiền phụ huynh phải chi trả lên đến hàng trăm tỉ đồng cho mỗi năm học.
Phí dịch vụ cho các hệ thống này, ước tính một cách khiêm tốn nhất là 100 ngàn đồng/học sinh/năm học và chỉ tính tròn 1 triệu học sinh thì con số cũng lên đến 100 tỉ đồng. Đây là một con số tốn kém không nhỏ và ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền người dân, vốn đang eo hẹp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trên thực tế thì khoản thu này còn cao hơn nhiều vì một số trường trung tâm TPHCM thuộc quận 1, quận 3, mức thu đến 200-300 ngàn đồng/năm học. Hơn nữa, số phụ huynh học sinh phải chi trả trên toàn TPHCM có lẽ không dừng ở mức 1 triệu.
Mong là ngành giáo dục ở TPHCM và các địa phương khác rà soát thêm những dịch vụ độc quyền khác, tiến tới ban hành quy định khung mang tính bắt buộc “tất cả dịch vụ phải có nhiều cách cung cấp để phụ huynh lựa chọn, bao gồm có thu phí và miễn phí”, không được đưa ra chỉ một dịch vụ như tình trạng phổ biến hiện nay.
Đơn giản. Đúng luật thôi. Cổng thanh toán chỉ có một. Phương thức thanh toán thì tùy nghi. Người thanh toán được sử dụng bất kỳ loại hình nào do ngân hàng cung cấp. Đó cũng là quyền hợp pháp của công dân, được pháp luật thừa nhận. Không tổ chức nào được độc quyền trong cung cấp dịch vụ thanh toán. Trừ phi thanh toán tiền mặt, không khuyến khích, kể cả bị hạn chế trong nhiều trường hợp pháp luật có quy định.