Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phải giải quyết từ gốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phải giải quyết từ gốc

Việt Nam không thiếu gạo. Cơn sốt giá gạo vừa qua chủ yếu là do đầu cơ tích trữ. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Trong nỗ lực chống lạm phát, ba nhiệm vụ chính đề ra cho ngành lương thực là đảm bảo an ninh lương thực, không để giá tăng đột biến và không để xảy ra đói cục bộ đã không hoàn thành! Những ngày vừa qua, giá gạo trong nước có lúc đã tăng gấp đôi.

Không thiếu gạo

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), vụ đông xuân vừa qua cả nước thu hoạch khoảng 17,2 triệu tấn lúa – tăng 0,2 triệu tấn so cùng kỳ. Theo tính toán, nếu 70% sản lượng là lúa hàng hóa thì cả nước sẽ có hơn 8,4 triệu tấn gạo (một ki lô gam lúa vụ đông xuân qua chế biến bình quân cho ra 0,7 ki lô gam gạo).

Trong khi đó, với 2,2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng, thì tính đến ngày 18-4 các doanh nghiệp mới xuất hơn 1,1 triệu tấn – ít hơn cùng kỳ. Do đó, không có lý do gì trong nước thiếu gạo! Thậm chí theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Diệp Kỉnh Tần, lượng gạo hàng hóa còn lại trong nước và có khả năng xuất khẩu lên đến 1,23 triệu tấn.

Như vậy, giá gạo tăng chủ yếu do ảnh hưởng tình trạng đầu cơ. Diễn tiến giá gạo trong nước vào những ngày qua đã cho thấy sự tác oai tác quái của tình trạng đầu cơ tích trữ.

“Giá gạo tăng vọt là do đầu cơ, chứ lúa không hề thất mùa! Chính các công ty lương thực, các thương nhân… là thủ phạm”, GS.TS. Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, khẳng định. Ông kể, mới vừa rồi còn có người đến xin ông tư vấn, rằng nên bán lúa vào lúc nào để được giá khi đã vung tiền mua trữ 150 tấn lúa!

Chủ một doanh nghiệp tư nhân tại phường An Bình, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) thừa nhận, với giá gạo hiện nay, ông chắc mẩm thu lãi hơn 2 tỉ đồng nhờ bán ra 300 tấn. Cách đây hơn một tháng ông đã trữ 1.000 tấn gạo. Các kho, vựa ở khu vực lân cận doanh nghiệp ông, mỗi nơi đều trữ ít nhất 400 tấn lúa hoặc gạo!

“Những tay đầu cơ đã phá hoại nền kinh tế! Theo tôi, Chính phủ phải xử lý ngay bởi đầu cơ là có tội với đất nước. Cần rà soát lại, doanh nghiệp nào còn trữ gạo thì buộc phải tung ra thị trường”, PGS. Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM nêu quan điểm.

Thao túng!

Theo phân tích gần đây của Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL của Việt Nam – vùng chủ lực cung cấp nguồn gạo xuất khẩu, có liên quan chặt chẽ đến thị trường quốc tế. Tuy nhiên theo quy luật hàng năm, giá lúa gạo tại vùng này còn bị chi phối bởi tốc độ thu mua theo các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp lại bị chi phối bởi chỉ tiêu… từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). 

Thông thường, các thương nhân, doanh nghiệp tư nhân sẽ là những vệ tinh gom nguồn gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, cũng chính những vệ tinh này sẽ “thao túng” toàn bộ thị trường gạo nội địa. Bởi lẽ, việc áp dụng thu thuế VAT 5% đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như buông thị trường trong nước, vì không thể cạnh tranh với các tư thương “lách thuế”.

“Khi có chủ trương tạm ngưng xuất khẩu vào tháng 2-2008, sau khi mua đủ gạo cho các hợp đồng đã ký, một số doanh nghiệp quốc doanh đã tung thêm vốn mua gạo dự trữ chờ thời cơ”, giám đốc một đơn vị thành viên của VFA cho biết. Vốn nhanh nhạy, nên sau khi thu thập được nhiều thông tin dự báo về giá gạo sẽ tăng vọt trong năm nay, hầu hết các thương nhân, doanh nghiệp tư nhân cũng tranh thủ lợi riêng bằng cách trữ lại một lượng gạo tối đa theo khả năng. Đến lúc lúa vụ đông xuân đã thu mua sắp cạn, cũng là lúc nguồn cung cho thị trường nội địa khan hiếm vì phần lớn lúa, gạo đã nằm trong kho dự trữ. Dĩ nhiên, các thương nhân, doanh nghiệp tư nhân “đồng lòng” ém lúa, chỉ cung ứng nhỏ giọt cho thị trường nội địa đã tạo nên sự khan hiếm giả tạo, cộng thêm thông tin gây nhiễu, khiến sốt giá như hiện nay. Góp phần trong đợt đầu cơ này có không ít công ty mà ngành nghề kinh doanh không dính dáng gì đến gạo cả.

Chủ trương tạm ngưng xuất khẩu gạo để chờ đến tháng 6-2008 mới xem xét – tức chỉ phải chờ chứ không ngưng hẳn, cộng thêm những khuyến cáo của VFA rằng “càng chậm xuất khẩu gạo, càng có lợi về giá” đã phần nào tạo thêm tâm lý tin tưởng cho các “nhà đầu cơ”. Và tích trữ khiến hệ thống phân phối bị gián đoạn. Ngưng xuất khẩu khiến giá gạo bị chi phối bởi các nhà đầu cơ do không còn liên thông với giá gạo thế giới! 

Giải quyết phần gốc!

Sắp tới, dù có xử lý được các tay đầu cơ hay không cũng là giải pháp tình thế. Theo TS. Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ), cái gốc là phải làm sao điều chỉnh lại hệ thống phân phối. Hiện nay, giá xuất khẩu hầu như phải “lệ thuộc” vào công bố giá của VFA, lượng xuất khẩu cũng vậy – theo hạn mức, chỉ tiêu nhằm… đảm bảo an ninh lương thực! Trong khi đó, hệ thống phân phối cho thị trường nội địa lại quá lệ thuộc vào các thương nhân, doanh nghiệp tư nhân.

“Thái Lan cũng xuất khẩu nhưng đâu có “sốt” gạo. Hệ thống phân phối, xuất khẩu của họ có nhiều thành phần, nôm na là nhiều người cùng bán, nhiều người cùng mua, cạnh tranh với nhau. Trong khi tại Việt Nam, một lượng hàng hóa lớn lại nằm trong tay một số ít người chi phối. Và tại sao xuất khẩu thì bị chi phối bởi hiệp hội, còn hệ thống cung ứng nội địa lại bị thả lỏng, muốn trữ thì trữ, muốn bán thì bán?”, ông Nam nhận định.

TS. Đinh Phi Hổ, Trưởng bộ môn Kinh tế NN & PTNT (Đại học Kinh tế TPHCM), cũng cho rằng cần nới lỏng hơn chính sách xuất khẩu như phân chỉ tiêu rộng rãi cho các thành phần kinh tế. Quan trọng hơn, theo ông: “Khống chế xuất khẩu từng thời điểm chỉ bất lợi cho nông dân. Quan trọng là Nhà nước phải tham gia dự trữ để can thiệp khi cần”.

“Chúng ta đề ra an ninh lương thực, nhưng lại không có an toàn lương thực. Trong khi ở Philippines, thị trường “sốt” cứ “sốt”, còn Chính phủ vẫn có gạo bán hỗ trợ giá rẻ cho người nghèo”, ông Nam nói. Thực tế là vừa qua, phần lớn gạo nằm trong tay các nhà đầu cơ và họ đang hưởng lợi! Còn nông dân do thiếu vốn, nợ nần nên hầu hết đã bán lúa từ lâu và không lợi lộc gì trong đợt sốt giá này.

Giám đốc một đơn vị thành viên của VFA cho biết, hồi khoảng năm 1998- 1999, Chính phủ có chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp mua dự trữ lúa theo số lượng quy định và doanh nghiệp sẽ được hoàn trả lãi vay. Nhưng từ khoảng năm 2000 đến nay, chủ trương ấy đã không được duy trì. Gần đây, VFA cũng nhiều lần kiến nghị nên mua lúa dự trữ vào đầu mỗi vụ, tuy nhiên đến giờ hầu như chỉ có Cục Dự trữ Quốc gia đảm nhận với số lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Năm nay, cục này đã mở thầu mua lúa vụ đông xuân từ ngày 17-3 đến 30-4 với tổng số khoảng 77.000 tấn, nhưng đến giờ chưa biết lượng thu mua có khả quan hay không.

Dĩ nhiên, để mua lúa dự trữ thì Chính phủ phải chi ra khoản ngân sách không nhỏ. Nhưng với những nhận định sát sao về thị trường gạo thế giới được các chuyên gia đưa ra hồi cuối năm 2007 thì lẽ ra đó là điều phải cân nhắc, thay vì thả lỏng cho các nhà đầu cơ hưởng lợi. “Giải quyết chuyện gạo phải hết sức linh hoạt, có những điều chỉnh kịp thời. Chứ cứ ngăn xuất khẩu thì không khác gì chưa nắm rõ về kinh tế thị trường”, ông Đào Công Tiến nói.

Còn ông Nam thì cho rằng, cần phải có tính toán, cân đối về tăng trưởng dân số, nhu cầu lương thực, dự trữ… một cách chính xác để biết mỗi năm cần bao nhiêu, bán bao nhiêu. “Còn bây giờ, chúng ta phải đi giải quyết chuyện từng ngày, từng tháng chứ không có chiến lược lâu dài”, ông nhận định.

“Nhà nước, cụ thể là Bộ NN & PTNT, phải nắm tình hình lương thực trong nước một cách chính xác để tham mưu cho Thủ tướng. Không nên chạy theo những dự đoán của “thương lái”- nhất là của Tổng Công ty Lương thực, để đồng tình cho ngưng xuất khẩu gạo những lúc mà tổng công ty cần ngưng!

Trong thời đại công nghệ thông tin này, Bộ NN & PTNT nếu… chịu tổ chức thì chỉ cần lên máy vi tính, “click” một cái là có thể biết vào thời điểm đó cả nước đang trồng bao nhiêu lúa bằng giống gì, bao nhiêu diện tích đã gặt với giống gì và năng suất bao nhiêu và thông tin của từng tỉnh cũng sẽ hiện lên khi cần. Lúc đó bộ có thể quyết định cho xuất bao nhiêu gạo, lấy từ vùng nào, sau khi đã tính đến lượng gạo dự trữ trong dân và Nhà nước”, ông Xuân khẳng định.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới