Phải truy cứu trách nhiệm về công trình kém chất lượng
Trần Văn Tường
(TBKTSG) - Dư luận bức xúc trước thực trạng hàng loạt công trình giao thông kém chất lượng. Công trình kè sông 12 tỉ đồng ở thành phố Quy Nhơn và kè biển 80 tỉ đồng ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) vừa xây xong đã vỡ nát. Tuyến đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn huyện Chư Sê (Gia Lai) có vốn đầu tư 250 tỉ đồng sau khi hoàn thành chưa đầy ba tháng đã nứt toác, biến dạng mặt đường dài gần 200 mét, nhiều đoạn hở rộng hơn nửa mét, sâu một mét, và bị đổ lỗi cho... thời tiết.
Nhiều trụ rào được nhà thầu thi công theo kiểu "tầm gửi" khi thân trụ không có móng. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Ở nước ta, công trình mới làm xong đã hỏng không còn là chuyện lạ. Có thể kể thêm dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ mới một tháng đã chi chít ổ gà. Quốc lộ 1 chạy qua Phú Yên đưa vào khai thác chưa lâu đã lõm nhiều chỗ. Cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh - Hải Phòng đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng vừa thông xe đã sụt lún...
Nguyên tắc xử lý trong thi công xây dựng, nếu không đảm bảo chất lượng thì phải làm lại cho đạt mới được nghiệm thu để thanh toán chi phí. Điều lạ là các công trình kém chất lượng rất rõ ràng như thế vẫn lọt qua cửa nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Theo quy định, công trình nào cũng phải tính đến tải nặng, lưu lượng xe chạy, hệ số an toàn và phù hợp điều kiện thời tiết nắng nóng, ngập nước, mưa bão... Trách nhiệm các bên liên quan về chất lượng công trình đã được nêu tại điều 4 Nghị định 46/2015/NĐ-CP: các chủ thể gồm nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình..., chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện. Việc công trình hư hỏng bị đổ cho những “lỗi khách quan” và không ai phải chịu trách nhiệm là nguyên nhân khiến những sai phạm cứ liên tục tái diễn.
Hầu hết người trong ngành đều biết đấu thầu dự án lắm khi là giả. Các khu vực đã được phân chia... cho anh, cho tôi. Cũng nhiều khi đơn vị trúng thầu không nhờ vào năng lực mà do giỏi quan hệ, chạy chọt, chung chi. Từ đó, bệnh làm giả ăn thật hoành hành. Khi công trình hư hỏng thì viện dẫn những lý do khách quan rồi lại theo những “công thức” cũ để tiếp tục lấy nguồn vốn ngân sách vào việc sửa chữa, khắc phục.
Đó không chỉ là chuyện buồn trong lĩnh vực xây dựng mà còn là nỗi đau của người nộp thuế. Mất mát lớn không chỉ là thiệt hại vật chất mà còn là những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, dẫn đến tình trạng suy thoái nhân cách, góp phần cho những hành xử gian dối, vô nguyên tắc, bất chấp pháp luật trở thành chuyện bình thường. Chưa kể chất lượng công trình còn là vấn đề đạo đức bởi nó liên quan đến tính mạng của người đi đường, người sử dụng và cả những người sinh sống ở xung quanh công trình.
Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt sự tuân thủ pháp luật liên quan đến chất lượng các công trình xây dựng. Để chọn nhà thầu tốt nhất, buộc phải tổ chức đấu thầu minh bạch, có cơ chế kiểm tra chéo, không để lọt những nhà thầu yếu kém hoặc đã có tai tiếng. Thời hạn bảo hành công trình không chỉ là một năm mà phải tương ứng với từng dự án theo hướng kéo dài thời gian chịu trách nhiệm của nhà thầu.
Bên cạnh đó, cần mạnh tay xử lý các tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối. Những sai phạm ảnh hưởng chất lượng công trình cần được truy cứu trách nhiệm cụ thể và buộc phải khắc phục chất lượng công trình. Tùy mức độ vi phạm mà có những hình thức xử lý nghiêm khắc.