(KTSG Online) - Tuần này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội. Liên quan đến thu hồi đất - được cho là cốt lõi của chính sách đất đai, phạm vi thu hồi vẫn rất rộng và chưa phân biệt rõ dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng với dự án vì mục đích kinh tế đơn thuần. Đây cũng chính là nhược điểm lớn của Luật Đất đai năm 2013.
- Tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội vào tháng 9
- Phương án nào cho bảng giá đất trong Luật Đất đai sửa đổi?
Thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, sửa Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua và phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bản trình Quốc hội, gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, cơ bản thể chế hóa được các nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW song cần tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ hơn. Đặc biệt là rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất (Điều 85 và Điều 86), bảo đảm tuân thủ Hiến pháp 2013: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Trong những bản thảo trước, dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước đứng ra thu hồi đất, cách này không làm rõ được nội hàm của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Lần này, dự thảo Luật đã bổ sung định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, phạm vi được quy định còn rộng, trong đó có: “dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch”, “dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp”; “dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung”; “dự án đô thị”; “dự án khu dân cư nông thôn”, “dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở”, “dự án lấn biển”; “dự án khai thác khoáng sản”; “dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”.
Nhiều trường hợp kể trên Luật Đất đai năm 2013 không quy định Nhà nước đứng ra thu hồi. Khái niệm “dự án đô thị” là nội dung mới nhưng lại không rõ nội hàm, không có giải thích cụ thể.
Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng chưa phân biệt rõ giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Lý do là dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư. Rất khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định dự án nhà ở thương mại có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không, dẫn đến dễ bị lợi dụng, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.
Hơn nữa, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Nhìn lại, Luật Đất đai năm 2013 không làm rõ thế nào là “thật cần thiết”, là “mục đích quốc phòng, an ninh”, là “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”; phạm vi thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội rất rộng (trong đó có cả dự án đô thị mới).
Điều này để lại những hệ quả rất nghiêm trọng: người dân bị lấy đất bất bình, bức xúc khi đất bị thu hồi với giá rẻ, sang tay doanh nghiệp chỉ cần động tác phân lô, bán nền là có siêu lợi nhuận; cán bộ suy thoái, vào tù vì “móc ngoặc” với doanh nghiệp thân hữu chứ không phải doanh nghiệp thực sự cần đất; ngân sách nhà nước thất thoát, hiệu quả sử dụng đất thấp…
Từ thực tế này và trong bối cảnh nguồn quỹ đất cho giai đoạn phát triển sắp tới chủ yếu là đất nông nghiệp, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 phải làm được hai việc. Một là quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phục vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng. Hai là, thu hẹp tối đa, thậm chí là chấm dứt việc thu hồi đất do chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy thị trường đất đai mới thực sự minh bạch; hài hòa lợi ích giữa các bên; bảo đảm phát triển kinh tế mà vẫn duy trì ổn định và công bằng xã hội.
Đối với các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc các trường hợp “làm công trình văn hóa, thể thao”, “làm nhà an dưỡng”, “làm nhà khách”.
Lý do là hiện nay các công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách có thể được sử dụng vào mục đích lưỡng dụng, phục vụ cả quốc phòng và dân dụng. Nếu thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để xây dựng những công trình này nhưng sau đó sử dụng vào mục đích dân dụng dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Ngoài ra, cũng cần xem xét khả năng lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung các công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách với khu vực dân sự để tránh phải thu hồi đất, gây lãng phí.