Phận trâu đã thoát nhọc nhằn
Phú Li
(TBKTSG) - Có anh bạn bảo ăn Tết Tân Sửu này xong thì nhà anh cũng có thêm thành viên mới. Chúc mừng anh xong thì tôi cũng đùa rằng, trước kia, nhà anh chỉ mới có hai trâu mà đã thuộc dạng khấm khá nhất vùng, nay có thêm một trâu nữa thì mấy ai mà đọ nổi. Anh bạn cười hì hì, ra chiều khoái chí.
Anh bạn tôi vốn tuổi sửu và mẹ anh cũng vậy. Nay, đứa con sắp chào đời của anh lại tuổi sửu, xem như nhà anh có ba trâu. Nghĩ tếu táo một chút, ngày nay giá mỗi con trâu cũng vài mươi triệu đồng, những nhà không có điều kiện thì chẳng dám mơ đến việc sở hữu một con, huống hồ là ba. Mà cũng lạ, người xưa vốn có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, việc có được một con trâu để làm ăn đã trở thành niềm mơ ước và sự hy vọng đổi đời của không ít gia đình, vậy mà với người mang tuổi sửu thì lại là chuyện khác. Từng có lúc, cha mẹ hay ông bà thấy con hoặc cháu mình lỡ sinh ra vào năm sửu thì cứ xuýt xoa “tội nghiệp”, lo rằng con nhỏ hay thằng nhỏ rồi sẽ có đời sống đầy cơ cực như trâu.
Trong đời sống nông nghiệp thuở thiếu thốn máy móc, con trâu quả thực đã có những đóng góp rất lớn đối với người Việt. Làm việc quần quật từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt là hình ảnh dễ thấy nhất của trâu, từ cày bừa cho đến kéo xe, vận chuyển hàng hóa, đạp lúa sau khi gặt, kéo dụng cụ ép mía,... Thương nhất là những con trâu phải lên rừng kéo gỗ. Những khúc gỗ to, dài và nặng gấp nhiều lần trọng lượng của trâu nhưng chúng vẫn phải oằn vai kéo đi trên địa hình đầy gồ ghề, đất dưới chân thì dẻo quẹo bết dính và thợ rừng thì không ngừng la hét lẫn vung roi chẳng nương tay. Không ít trâu đã gục chết trong sự lao lực quá mức như vậy.
Cần mẫn, nhọc nhằn, nhưng trâu nào có được tưởng thưởng xứng đáng. Ngay cả cái nết ăn cũng mang nét cam chịu, những đám cỏ úa, xấu mà các loài khác, thậm chí là bò đều chê thì trâu vẫn gặm miệt mài. Dường như trâu cũng ý thức được rằng thời gian nghỉ ngơi của chúng là có hạn, vậy nên phải tranh thủ mà nạp cho đầy dạ dày, cốt no chứ chẳng thể lựa chọn ngon dở, để có sức mà làm việc tiếp. Trâu còn thiệt thòi trong thứ tự mười hai con giáp khi phải xếp sau con chuột vốn chẳng tài cán gì ngoài trò ma mãnh. Có câu chuyện rằng, trong cuộc thi chạy, trâu đã luôn dẫn trước những con vật khác, ngờ đâu, con chuột tinh ranh ngay từ lúc xuất phát đã bám vào mình trâu, chờ khi trâu gần chạm đích thì nó chợt phóng lên để đoạt lấy ngôi đầu.
Khi nền nông nghiệp đang ngày càng được hiện đại hóa, các loại máy móc đã thay thế rất nhiều cho sức trâu. Hiện nay, chỉ những vùng có địa hình không thuận lợi cho cơ giới hóa thì trâu mới phải còn làm việc. Tuy nhiên, công việc của trâu giờ cũng ít và thời gian nghỉ ngơi của chúng nhờ vậy tăng lên rất nhiều. Thay cho cảnh hì hục lao động khi xưa, những con trâu nay có thể thong dong gặm cỏ rồi khoan khoái đằm mình trong một vũng nước nào đó. Dù không còn hỗ trợ nhiều trong công việc hàng ngày, nhưng trâu vẫn còn có một vai trò khá quan trọng trong đời sống văn hóa (như lễ hội chọi trâu) ở một vài nơi của Việt Nam. Ngoài ra, giá trị kinh tế (dùng chế biến thực phẩm) từ trâu là không nhỏ.
Những biến đổi từ thực tế cuộc sống đã kéo theo các quan niệm cũng trở nên thanh thoát và nhẹ nhàng hơn. Lời than “cực như trâu” giờ chẳng mấy khi còn nghe nữa. Nhiều người cũng sẽ như anh bạn của tôi, cười xòa khi thấy con mình sinh vào năm sửu. Thậm chí, năm Tân Sửu sắp tới vốn được xem là năm trâu vàng với nhiều may mắn và tài lộc, nên không ít các cặp vợ chồng còn lên kế hoạch chủ động sinh con trong năm này.