Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Pháp luật cần nghiêm minh hơn nữa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Pháp luật cần nghiêm minh hơn nữa

Hoàng Khang

(TBKTSG) - Những tưởng sau vụ việc Công ty Vedan Việt Nam xả thẳng chất thải độc hại chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và buộc phải bồi thường hàng chục tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng cách đây vài năm, các doanh nghiệp sẽ lấy đó làm gương để điều chỉnh hành vi của mình.

Vậy nhưng chỉ trong tháng 8 vừa qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ doanh nghiệp xả chất thải gây ô nhiễm tương tự mà điển hình là hai công ty Sonadezi và Dệt Thái Tuấn… Trong khi Sonadezi bị phát hiện chỉ trong một đêm đã xả thẳng 9.000 mét khối nước thải chưa qua xử lý ra rạch Bà Chéo (thông với sông Đồng Nai) thì Thái Tuấn cũng bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường lập biên bản do hành vi đặt ống xả nước thải độc hại trực tiếp ra kênh Tham Lương (quận 12, TPHCM).

Trước thực trạng gây nhiều bức xúc cho dư luận, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết “các biện pháp chế tài xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm hiện nay đã đủ mạnh và có tính răn đe” (Tuổi trẻ ngày 15-8-2011). Vậy vì sao các doanh nghiệp vẫn không chùn tay trước pháp luật mà vẫn cố tình phá hoại môi trường, thậm chí có doanh nghiệp liên tiếp bị xử phạt nhưng sau đó mọi việc vẫn đâu lại vào đấy và cộng đồng tiếp tục gánh chịu hậu quả?

Có thể thấy có tình trạng này là do các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận nên sẵn sàng bất chấp sức khỏe và lợi ích của cộng đồng. Và một khi lợi ích thu được từ hành vi vi phạm pháp luật còn cao hơn nhiều so với việc bị xử phạt nếu “chẳng may” bị phát hiện thì doanh nghiệp sẽ vẫn không chùn tay.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định các hình thức xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như tạm đình chỉ hoạt động, buộc di dời ra khỏi khu dân cư và cao nhất là cấm hoạt động. Chính phủ cũng ban hành nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có những quy định cụ thể về thẩm quyền, hình thức xử lý và các biện pháp cưỡng chế đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, trên thực tế, ở những vụ việc nổi cộm vừa qua dường như chưa có doanh nghiệp vi phạm nào bị xử lý ở mức độ cao nhất.

Tội phạm về môi trường là một loại tội phạm mang tính chất đặc biệt, gây thiệt hại to lớn cho cả cộng đồng trong một thời gian dài. Ở đây, nói đến việc tuyên truyền vận động có lẽ là hơi thừa vì thời gian qua, dư luận và các cơ quan truyền thông đã liên tục nêu lên những bức xúc về vấn đề này. Do đó, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần thẳng tay hơn trong việc chế tài xử phạt, đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp ở mức cao nhất chứ đừng viện cớ doanh nghiệp có thể phá sản, đời sống công nhân sẽ khó khăn hay thiệt hại đối với các đối tác của doanh nghiệp vi phạm...

Mặt khác, Quốc hội cũng nên xem xét bổ sung, điều chỉnh những bất cập, những kẽ hở trong Bộ luật Hình sự hiện hành để các cơ quan thực thi luật có thể dễ dàng truy tố những đối tượng vi phạm ở mức cao nhất. Chỉ có như vậy mới mong các doanh nghiệp nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và lợi ích lâu dài của cả cộng đồng mới được đảm bảo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới