Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát biểu của chủ tịch tỉnh và nạn báo cáo láo ở TQ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát biểu của chủ tịch tỉnh và nạn báo cáo láo ở TQ

Chánh Tài

Công nhân tại một mỏ than của Tập đoàn Long Môi ở ngoại ô TP Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) Lục Hạo mới đây thừa nhận rằng cấp dưới đã báo cáo gian dối về nỗi khổ của công nhân mỏ ở tỉnh này; và từ đó làm dậy lên các chỉ trích của công chúng trước nạn báo cáo láo để thổi phòng thành tích trong bộ máy công quyền.

Hãng tin AP ngày 19-3 cho biết ngày 6-3, phát biểu tại kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh, ông Lục Hạo khẳng định 80.000 công nhân ở Tập đoàn Long Môi, công ty than đá nhà nước lớn nhất ở tỉnh Hắc Long Giang, đã được trả lương đầy đủ.

Ông nói: “Tập đoàn Long Môi có 80.000 công nhân mỏ và đến hôm nay, không một ai chưa được trả lương tháng và thu nhập của họ không bị thiếu một xu”.

Phát biểu của ông Lục trước quốc hội đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình rầm rộ của công nhân mỏ ở Hắc Long Giang. Ngày 12-3, hàng ngàn công nhân mỏ của Tập đoàn Long Môi đã tuần hành đến các cơ quan chính quyền và văn phòng của Long Môi ở TP Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang để phản đối phát biểu dối trá của ông Lục Hạo.

Các công nhân cho biết họ đang bị nợ lương và nhiều người giận dữ vì lương của họ bị cắt giảm xuống còn 800 nhân dân tệ (123 đô la Mỹ)/tháng từ mức 1.000 nhân dân tệ/tháng.

Ngay tối hôm đó, ông Lục Hạo thừa nhận ông đã phát biểu sai sự thật. Ông nói các công nhân của Long Môi vẫn còn bị nợ lương đồng thời đổ lỗi cho cấp dưới báo cáo láo dẫn đến lời phát biểu sai sự thật của ông.

Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang Lục Hạo. Ảnh: Reuters

Thổi phồng thành tích, lấy lòng cấp trên

Thái độ thẳng thắn nhận sai của ông Lục nhận được một số tiếng nói hoan nghênh nhưng cũng khơi mào những tiếng nói chỉ trích của cộng đồng mạng và thậm chí trên báo chí nhà nước về việc làm sao ông có thể dễ dàng bị thông tin sai về một vấn đế quan trọng như vậy.

“Hiện nay, hầu như không có một chút sự thật nào trong báo cáo của các cấp dưới gửi cho các lãnh đạo của họ trong bộ máy chính quyền và các lãnh đạo chắc chắn không tin những báo cáo này. Nhiều số liệu, các bản báo cáo tổng kết cáo công việc và các thành tích của cấp dưới đều bị thổi phồng”, blogger Trung Quốc Hua Yuxi viết.

Sự việc trên diễn ra chỉ vài tháng sau khi Tân Hoa xã đăng tin cho biết quan chức ở các tỉnh đông bắc Trung Quốc gồm Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang thừa nhận họ đã thổi phồng các dữ liệu kinh tế nhằm chứng tỏ hoàn thành các mục tiêu và gây ấn tượng với cấp trên. Chẳng hạn, một huyện ở tỉnh Liêu Ninh thổi phồng thu ngân sách thêm 847 triệu nhân dân tệ (131 triệu đô la Mỹ) trong năm 2013.

Tân Hoa xã cho biết các chính quyền địa phương đã “xào nấu” sổ sách để che giấu các dữ liệu bịa đặt về mọi thứ, từ tăng trưởng kinh tế cho đến đầu tư, sức mua, tiêu dùng và thu nhập người dân.

“Mặc dù quan chức ở các cấp chính quyền nhận thức được những mối nguy hiểm của việc thổi phống số liệu, họ vẫn thấy rằng không có sự lựa chọn nào khác khi họ bị áp lực về đánh giá năng lực tính cạnh tranh của địa phương và cơ hội thăng tiến của bản thân”, Tân Hoa xã cho biết.

Căn bệnh trầm kha

Nạn báo cáo láo có thể xem là căn bệnh trầm kha ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các báo cáo gian dối xuất hiện từ thời kỳ Trung Quốc thực hiện kế hoạch Đại nhảy vọt (1958-1961) khi các hợp tác xã nhanh chóng được thành lập để phục vụ cho mục tiêu đầy tham vọng là vượt mặt phương Tây trên phương diện kinh tế.

Để đáp ứng niềm hy vọng và các yêu cầu của Bắc Kinh, các cán bộ xã khắp cả nước đồng loạt thổi phồng sản lượng lúa mì và gạo trong các báo cáo. Điều này đã dẫn đến một kết cục quá đắt giá vì nhà nước quyết định nắm giữ nguồn thặng dư lương thực không tồn tại trên thực tế này, dẫn đến nạn đói kinh hoàng làm chết hàng chục triệu người

Ngay cả Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng được cho là từng bày tỏ thái độ nghi ngờ của ông đối với dữ liệu kinh tế chính thức.

Tổ chức Wikileaks đã trích dẫn nội dung một điện tín ngoại giao của Mỹ cho biết ông Lý, khi còn là một bí thư tỉnh ủy, đã nói rằng các số liệu kinh tế Trung Quốc chỉ nên sử dụng để tham khảo. Ông cho biết ông thích nhìn vào những dữ liệu thô hơn, chẳng hạn lượng tiêu thụ điện, mức cho vay của các ngân hàng và khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt.

Nạn báo cáo láo đã tạo ra những câu chuyện dở khóc dở cười. Tờ Nhân dân nhật báo năm ngoái đưa tin các cán bộ địa phương ở một  ngôi làng của Trung Quốc đã tập hợp các trẻ em và bảo chúng chui vào nằm trong các bao phân bón màu trắng để đóng giả một bầy cừu nhằm làm hài lòng các quan chức cấp cao trong một chuyến thanh tra kết quả giảm nghèo tại địa phương.

Trở lại với phát biểu sai sự thật của Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang Lục Hạo, mục đích của Tập đoàn Long Môi và bộ máy lãnh đạo tỉnh này dường như là để thể hiện họ đã đáp ứng các kỳ vọng của chính phủ trung ương về việc xử lý xuất sắc các khó khăn kinh tế tại địa phương.

Sau khi nhận lỗi, ông Lục Hạo đã ra quyết định cảnh cáo nghiêm khắc, trong đó yêu cầu các quan chức cấp dưới phải trình bày sự thật khi báo cáo với các lãnh đạo tỉnh về các thông tin quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ. GS Sun Liping ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cảnh báo nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ của báo chí, các quan chức địa phương sẽ tiếp tục chuyển cho cấp trên các dữ liệu bịa đặt nhằm được đánh giá tích cực. Ông cho rằng việc bóp méo hay xóa bỏ thông tin “thực sự đang gây tổn thương cho người dân và đất nước”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới